Tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI: Nghe nguyện vọng, trao việc làm

13:37 26/10/2017     1276

Hoạt động Hội, Đội   Từ những buổi đối thoại, gặp gỡ sinh hoạt thường xuyên, thậm chí về tận nhà thanh niên để lắng nghe tâm sự, nguyện vọng, những năm qua, Thành Đoàn Đà Nẵng đồng hành với hàng trăm thanh thiếu niên chậm tiến, dùng chất ma túy hay có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ cho họ chỗ dựa tinh thần, Thành Đoàn còn là cầu nối dẫn họ về con đường hoàn lương, tạo công ăn việc làm ổn định.
Nhiệm kỳ 2012 - 2017, hoạt động nổi bật nhất trong việc kết nối với thanh thiếu niên của Thành Đoàn Đà Nẵng là những chương trình đối thoại diễn ra thường xuyên. Đặc biệt, từ năm 2014 tới nay, Tháng Thanh niên năm nào hàng ngàn bạn trẻ trên địa bàn cũng náo nức chờ đợi chương trình “Đối thoại tháng 3” để được trực tiếp nói lên suy nghĩ của mình. Chủ đề của những buổi đối thoại thường rất “nóng” (ma túy, khởi nghiệp, an ninh trật tự…), bởi vậy thu hút hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bạn trẻ tham gia.

Buổi đối thoại với thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy nhưng chưa có tiền án, năm 2015, hội trường HĐND thành phố chật cứng. Khi “nhân vật chính” là những bạn trẻ lầm lỡ bước vào, anh Nguyễn Bá Cảnh, Bí thư Thành Đoàn không giấu nổi cảm xúc: “Tôi thật sự bất ngờ khi các bạn đến buổi đối thoại hôm nay đông đủ và đúng giờ như vậy. Đây là một tín hiệu nhận thức rất đáng mừng”.


h
Ảnh minh họa
Sau vài phút gượng gạo, bẽn lẽn vì những ánh mắt xung quanh dồn hết vào mình, các bạn bắt đầu chia sẻ về phút “sa chân”. Có bạn nữ dùng ma túy trong một lần đi sinh nhật vì ngại từ chối lời mời của bạn; có thanh niên vì chán cảnh gia đình lục đục nên tìm tới ma túy giải khuây… Những lí do “vô thưởng vô phạt” khiến mọi người tham dự buổi đối thoại hôm đó hiểu hơn tâm lý của các em. Tại buổi đối thoại, 100 bạn trẻ lầm lỡ đã mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng được đi học nghề, hỗ trợ kinh phí để mua phương tiện sinh kế hoặc giới thiệu xin vào các nhà máy, xí nghiệp…

Tháng 3 vừa qua, buổi đối thoại “Thanh niên khởi nghiệp” đã thu hút hàng trăm thanh niên có đam mê kinh doanh, làm giàu. Anh Dương Nguyễn Minh Huy (Đoàn thanh niên ĐH Đà Nẵng) cho biết, qua diễn đàn thanh niên đã có những kiến thức, nắm bắt được những cơ hội khởi nghiệp, hiện thực hóa những dự định, sáng kiến làm giàu. Qua diễn đàn cho thấy nhiều bạn trẻ mong muốn được thành phố hỗ trợ về vốn và đầu ra cho các sản phẩm khởi nghiệp.

Không chỉ những buổi đối thoại ở tầm thành phố, Thành Đoàn còn khuyến khích các cơ sở thường xuyên giao lưu, trò chuyện, về tận nhà để bước vào cuộc sống của thanh thiếu niên, nhất là những trường hợp cá biệt. Tại phường Phước Ninh (quận Hải Châu), cứ vài tháng một lần, ĐVTN lại tổ chức buổi giao lưu với những người sau cai nghiện bằng những trò chơi, cuộc thi sôi nổi lồng ghép thông điệp tránh xa các tệ nạn xã hội. Từ sân chơi này, những người sau cai hòa nhập tốt hơn với cộng đồng, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động xã hội khi được kêu gọi.

Tặng “cần câu” như mong muốn

Trong buổi đối thoại với thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy vào tháng 6/2015, khi nghe phần lớn ý kiến mong muốn có việc làm, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lúc đó là ông Trần Thọ đã “giao kèo” với các thanh niên lầm lỡ rằng nếu dứt ma túy sẽ được hỗ trợ. Ông Thọ cũng giao cho Hội Cựu chiến binh quản lý 40 em, Đoàn thanh niên 30 em, Hội Phụ nữ 30 em để theo sát sự nỗ lực trong từng người.

Hơn một năm sau, kết quả tổng hợp từ các đơn vị được giao quản lý trên báo về đã có 73/100 em biết lao động và làm trụ cột cho gia đình. Từ mô hình kèm cặp linh động như “5+1” của Hội Cựu chiến binh (Cấp ủy chi bộ, ban công tác mặt trận, tổ trưởng dân phố, công an khu vực kèm 1 em);  “3+1” của Quận Đoàn Ngũ Hành Sơn(1 thiếu niên sử dụng chất ma túy do ba cán bộ thành đoàn, quận đoàn và đoàn phường theo dõi…), sau nhiều lần kiểm tra cho kết quả âm tính với ma túy, các đơn vị thực hiện lời hứa “trao cần câu”.

Em P.T.H.  (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê), xúc động nói: “Lúc trước em luôn mặc cảm và cho rằng một đứa chơi ma túy như mình sẽ không có tương lai. Nhưng được các bác trong Hội Cựu chiến binh giúp đỡ, em thấy mọi chuyện đều chưa muộn. Các bác giúp em học nghề và xin việc lái xe cho một công ty tư nhân với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Số tiền này với gia đình em không hề nhỏ”.

Em P.X.T. (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu), được Đoàn thanh niên hỗ trợ xe máy đi làm tại một công ty pin ăc quy với mức lương  hơn 5 triệu đồng/tháng. Em Hà Văn Tiến  (24 tuổi, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) được Hội Phụ nữ giới thiệu vào làm việc tại cơ sở điêu khắc đá Quốc Nông trên địa bàn. Làm được một thời gian, thấy Tiến chăm chỉ, Hội tiếp tục hỗ trợ máy mài, máy cắt trị giá hơn 5 triệu đồng.

Bằng sự lắng nghe, đồng cảm và quyết tâm giúp đỡ, trong suốt nhiệm kỳ 2012- 2017, Thành Đoàn Đà Nẵng đã đảm nhận cảm hóa, giúp đỡ 213 thanh thiếu niên chậm tiến, trong đó 181 em đã tiến bộ; nhiều thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy cũng đã ngộ ra lầm lỡ của mình, trong hai năm trở lại đây có gần 50 em tiến bộ...

Trong nhiệm kỳ qua, Thành Đoàn TP Đà Nẵng đã tư vấn và định hướng nghề nghiệp việc làm cho hơn 61.000 ĐVTN, dạy nghề cho gần 5.400 ĐVTN, giới thiệu việc làm cho gần 13.000 ĐVTN, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố hỗ trợ cho thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay với hơn 325 tỷ đồng...