Thanh niên trên địa bàn dân cư khu vực phía Nam góp ý văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI
10:12 24/05/2017 1972
Hoạt động Hội, Đội Web.ĐTN: Sáng ngày 23/5/2017, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến thanh niên trên địa bàn dân cư chuẩn bị báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI khu vực phía Nam tại tỉnh Bến Tre.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn; đồng chí Trần Ngọc Tam, Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.
Tham dự còn có đồng chí Nguyễn Thị Hồng Nhung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre, lãnh đạo các ban chuyên môn Trung ương Đoàn; Ban Thường vụ, Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn tiêu biểu thuộc các tỉnh, thành Đoàn khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Tiền, đồng bằng Sông Hậu
Phát biểu chào mừng đại biểu về dự hội nghị, đồng chí Trần Ngọc Tam – Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre bày tỏ sự vui mừng khi Bến Tre được Ban Bí thư Trung ương Đoàn chọn làm điểm tổ chức Hội nghị; đồng chí chỉ ra một số vấn đề của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi đang đặt ra trên địa bàn dân cư cần quan tâm như: Công tác giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống đặc biệt là định hướng nhận thức, hiểu biết cho đoàn viên trên mạng xã hội; việc giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên, tay nghề, kiến thức cho thanh niên nông thôn nhất là hình thành phát triển chuỗi sản phẩm để mang lại chất lượng, hiệu quả cao hơn; vấn đề về an ninh trật tự, tai nạn giao thông, nhất là ma túy đang gia tăng nhanh chóng; công tác xây dựng Đoàn ở nông thôn trong điều kiện thanh niên phần lớn đi làm ăn xa thì cần có giải pháp duy trì sinh hoạt Đoàn phù hợp…
ĐVTN tham gia phát biểu ý kiến tại Hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, đa số đại biểu chỉ ra những mặt còn tồn tại trong thực hiện công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trên địa bàn dân cư, như: Việc làm tại các địa phương không đủ đáp ứng nhu cầu một bộ phận thanh niên, trong khi đó một bộ phận khác có tâm lý dựa dẫm, ỷ lại; ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tác phong công nghiệp còn kém, lười lao động; thanh niên không muốn tham gia vào tổ chức Đoàn do phương thức của Đoàn chưa thu hút thanh niên, bộ máy chi đoàn ấp, khu phố chưa đáp ứng, cách thức sinh hoạt chi đoàn để thu hút đoàn viên, thanh niên, nội dung sinh hoạt thiên nhiều về chính trị, ít bàn về các vần đề thanh niên muốn nghe và quan tâm; việc tạo nguồn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn ấp, khu phố chưa kịp thời so với nhịp độ thay đổi cán bộ Đoàn; nhiều cán bộ Đoàn cơ sở chưa được đào tạo công tác thanh vận; hoạt động Đoàn chưa đáp ứng những điều thiết thân của thanh niên nhất là thanh niên nông thôn trong phát triển kinh tế; việc hướng dẫn thanh niên chuyển đổi nhận thức, phương thức sản xuất từ cá thể sang tập thể còn nhiều hạn chế. Đoàn Thanh niên còn nhiều lúng túng trong triển khai các Đề án, chương trình liên quan đến khởi nghiệp thanh niên. Mô hình, công trình Đoàn tham gia xây dựng Nông thôn mới, Văn minh đô thị làm nhiều nhưng chưa thu hút được tham gia của người dân nên ý thức giữ gìn, bảo quản công trình chưa được nâng lên.
Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất nhiều giải pháp cho công tác trong nhiệm kỳ mới như: Quan tâm giáo dục chiều sâu, chọn vấn đề phù hợp đối tượng, chọn nội dung đi vào gốc của vấn đề; đòi hỏi người cán bộ Đoàn phải hiểu biết có kỹ năng, biết chọn vấn đề và đối tượng thanh niên thì sẽ có hiệu quả; tận dụng triệt để hiệu quả tích tực của mạng xã hội để tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho thanh niên. Cán bộ Đoàn phải có công cụ, đội ngũ cộng tác là những cá nhân tiêu biểu phù hợp cùng làm công tác giáo dục để đạt hiệu quả cao nhất. Mở rộng sinh hoạt Đoàn – Hội bằng hình thức câu lạc bộ, đội, nhóm theo sở thích không nhất thiết chỉ tập trung theo địa bàn cư trú. Cần đào tạo đội ngũ cán bộ Đoàn về kỹ năng theo phương châm “3 nắm, 3 biết, 3 làm” cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn thường xuyên của Đoàn cấp trên và đẩy mạnh công tác phối hợp các ban, ngành, đoàn thể liên quan. Đa dạng các nội dung, hình thức sinh hoạt chi đoàn, chú trọng giáo dục thanh niên về tinh thần hội nhập quốc tế, yêu nước đúng cách, bản lĩnh trong đối phó với chiêu bài diễn biến hòa bình của thế lực thù địch tác động vào thanh niên…
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Trung ương Đoàn phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Đồng chí Nguyễn Văn Sang – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Làm công tác thanh niên mà không hiểu thanh niên thì không làm được gì. Thực tế nhiều thanh niên chưa có khả năng tận dụng cơ hội nghề nghiệp, việc làm, chỉ muốn làm ở gần nhà, bộ phận khác thì “tự nguyện thất nghiệp”, thích làm công việc thời vụ. Vấn đề nâng cao nhận thức của người lao động về nghề nghiệp việc làm là rất quan trọng. Tổ chức Đoàn cần nghiên cứu đặc điểm từng nhóm thanh niên để có phương pháp giáo dục cụ thể; giới thiệu nghề nghiệp đang có nhu cầu cao trong thực tế; giúp thanh niên nhận biết khả năng, sở trường bản thân để chọn nghề phù hợp. Đa dạng các hình thức truyền thông khởi nghiệp, việc làm: Ngày hội, online, tham quan thực tế tại công ty,…
Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thuộc Hội LHTN Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Thông qua Vườn ươm khởi nghiệp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cả nước, phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ xúc tiến đầu tư cho thanh niên khởi nghiệp, vận động doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp…là giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp hiệu quả. Vấn đề ở đây là cán bộ Đoàn chưa hiểu rõ về khởi nghiệp, thế nào là khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nên công tác đánh giá, hỗ trợ dự án khởi nghiệp, tham mưu chính sách liên quan chưa hiệu quả. Phương tiện truyền thông của Đoàn – Hội nên thay đổi theo kịp xu thế phát triển của thanh niên.
Kiến nghị với Trung ương Đoàn, nhiều đại biểu đề xuất: Cần có tác động các cấp, các ngành quan tâm xây dựng tạo nhiều sân chơi cho thiếu nhi, thanh niên địa phương trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị bởi hiện nay các địa phương còn hạn chế chủ yếu là Nhà văn hóa xã, chưa có nền tảng giải trí đảm bảo nhu cầu thanh thiếu nhi. Bổ sung thêm các giải pháp thực hiện phong trào trong đối tượng thanh niên công nhân do đây là đối tượng có số lượng phát triển nhanh trong 5 năm tới. Bổ sung thêm cơ chế, chính sách của Chính phủ liên quan đến khởi nghiệp; mở rộng nhiều nguồn vốn, quỹ tín dụng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; tăng cường các chương trình hướng nghiệp, dạy nghề, khởi nghiệp cho thanh niên nhập ngũ; phát động trong mỗi cán bộ Đoàn là nhà khởi nghiệp, nhà kinh tế giỏi. Bên cạnh các phong trào “Học sinh 3 rèn luyện”, “Sinh viên 5 tốt”,.. cần bổ sung phong trào rèn luyện theo tiêu chuẩn tương tự, phù hợp cho đối tượng thanh niên nông thôn. Khi triển khai Nghị quyết sau Đại hội về phong trào, chương trình nên linh hoạt, mang tính đại diện cho tất cả các vùng miền (tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ hợp tác/hợp tác xã thanh niên…). Ngoài ra, về chỉ tiêu trong dự thảo báo cáo chính trị cần bổ sung chỉ tiêu liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Trung ương Đoàn tiếp thu đầy đủ các ý kiến đại biểu bổ sung, hoàn thiện báo cáo chính trị trình Đại hội Đoàn toàn quốc, nhiệm kỳ mới sẽ thiết kế phong trào mang tính bao trùm các địa bàn cả nước, trong đó quan tâm đối tượng thanh niên công nhân, trên địa bàn dân cư. Đồng chí khẳng định mấu chốt vẫn là cán bộ Đoàn cơ sở và hướng tới xây dựng đội ngũ Bí thư Chi đoàn phải là thanh niên tiêu biểu, tham gia sản xuất kinh doanh giỏi, thanh gia tốt hoạt động chính trị, xã hội. Tổ chức Đoàn phải cùng các tổ chức thanh niên khác đổi mới mạnh mẽ hơn phương thức hoạt động để có cơ hội tập hợp, đoàn kết nhiều đối tượng thanh niên hơn.
Hội nghị sẽ đóng góp thêm nhiều cơ sở thực tiễn và giải pháp giúp xây dựng hoàn thiện báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng thanh niên khu vực miền Nam nói riêng và thanh niên cả nước nói chung.