Sinh viên Cần Thơ học kỹ năng khởi nghiệp
14:52 06/11/2015 1138
Hoạt động Hội, Đội Web.ĐTN:“Tạo ấn tượng đẹp khi phỏng vấn xin việc làm”, "Hoạch định kế hoạch khởi nghiệp trong tương lai" – là những vấn đề mà nhiều sinh viên đã đúc kết được khi tham gia chương trình "Hành trình sinh viên với doanh nhân".
Hành trình do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên TP Cần Thơ phối hợp với Hội Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ tổ chức vào cuối tuần qua. Thông qua các hoạt động giao lưu với những doanh nhân thành đạt, các bạn trẻ được chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp, xây dựng phương pháp học tập, kế hoạch làm việc hiệu quả và những kỹ năng mềm bổ ích khác…
Sinh viên giao lưu với diễn giả trong "Hành trình sinh viên với doanh nhân". |
Chuẩn bị kế hoạch khởi nghiệp
Mở đầu phần giao lưu, ông Huỳnh Trung Hiếu – Tổng giám đốc Công ty Kim Giáp Group đặt câu hỏi: "Làm thế nào để nắm bắt cơ hội trước khi khởi nghiệp", khiến hơn 300 bạn trẻ có trong hội trường sôi nổi thảo luận. Một số sinh viên khi trả lời đều bày tỏ ước mơ trở thành doanh nhân, nhưng hầu hết các bạn chưa xây dựng kế hoạch thực hiện để biến ước mơ trở thành hiện thực. Đa số các bạn trẻ không biết mình phải bắt đầu từ đâu trong quá trình khởi nghiệp. Nguyễn Thị Hồng Gấm, sinh viên ngành Hệ thống thông tin, chia sẻ: "Em ước mơ sẽ lập một công ty kinh doanh sản phẩm công nghệ nhưng thực sự em không biết mình nên bắt đầu từ đâu, chuẩn bị điều gì cho quá trình khởi nghiệp trong tương lai". Để giải đáp thắc mắc của sinh viên, anh Hiếu kể lại câu chuyện khởi nghiệp của bản thân. Tốt nghiệp ngành Xây dựng, anh đầu quân một công ty xây dựng với nhiệm vụ thiết kế bản vẽ công trình. Làm thế nào để tạo thương hiệu cho công ty? Là câu hỏi khiến anh luôn trăn trở. Vốn có niềm đam mê kinh doanh, vì vậy anh Hiếu quyết định tự tay thiết kế quán cà phê Đồng Dao (quận Ninh Kiều) theo phong cách đồng quê châu Âu vừa thỏa ước mơ làm chủ vừa giới thiệu nét kiến trúc độc đáo, góp phần quảng bá thương hiệu của công ty. Theo anh Hiếu, để biến ý tưởng thành hiện thực, mỗi bạn trẻ cần chuẩn bị kế hoạch, mục tiêu phấn đấu rõ ràng, nguồn vốn, kinh doanh lĩnh vực gì? và điều quan trọng là kỹ năng, sự trải nghiệm của bản thân để hiểu rõ về lĩnh vực mình sẽ khởi nghiệp. Điều đó đòi hỏi sinh viên phải có kinh nghiệm từ quá trình làm thêm, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng, kiến thức từ trên ghế nhà trường.
Anh Trần Việt Nhân, Giám đốc bán hàng Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho rằng, thế mạnh của các bạn trẻ hiện nay là năng động, sáng tạo, được giáo dục bài bản và nhanh nhạy trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Có thể thấy, ngày càng nhiều sinh viên bắt đầu kinh doanh qua mạng xã hội hoặc biết tận dụng đặc sản của quê hương mình để tiếp thị bán hàng, với nguồn thu nhập khá ổn định. Nổi bật là kinh doanh quần áo thời trang, mỹ phẩm qua mạng, cung cấp sỉ - lẻ dừa sáp Trà Vinh, nước mía Mỹ Tho, mật ong rừng tràm ở Cà Mau… Tuy nhiên, hạn chế của một số bạn trẻ hiện nay là không siêng năng, lười tư duy và thiếu kiên nhẫn. Vì vậy, khi gặp khó khăn, thử thách thì bỏ cuộc. Ý tưởng khởi nghiệp do đó thường "đứt gánh giữa đường". Từng tiếp xúc với nhiều thanh niên khi phỏng vấn xin việc làm, anh cho rằng ngay cả kỹ năng trả lời phỏng vấn của một số bạn trẻ còn hạn chế, từ cách ăn mặc nơi công sở, thái độ thiếu cầu thị, đến sự thiếu tự tin, không xác định được ưu – khuyết điểm của bản thân, cũng như chưa tìm hiểu cặn kẽ doanh nghiệp – nơi mình xin vào làm việc.
Nhiều diễn giả cũng cho rằng, thanh niên cần rèn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, như: Kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, tự tin trước đám đông… để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Trước xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thanh niên cũng cần học thêm ngoại ngữ, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và vốn kiến thức văn hóa các nước, văn hóa doanh nghiệp, nhất là tính kỷ luật trong lao động để nâng cao giá trị bản thân, tăng sức cạnh tranh trước nguồn lao động đông đảo từ các nước trong Cộng đồng ASEAN và các nước tiên tiến trên thế giới…
Giúp sinh viên rèn kỹ năng
Anh Viên Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên TP Cần Thơ, cho biết: "Hành trình sinh viên với doanh nhân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên có sự gắn kết với doanh nghiệp trong và ngoài thành phố. Qua đó, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về cách nhìn nhận với môi trường làm việc, cũng như những yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với lao động". Tính đến nay, hành trình đã được tổ chức tại các trường đại học, cao đẳng: Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, Cao đẳng Nghề Cần Thơ, Cao đẳng Cần Thơ. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã tổ chức chương trình "Tác phong công nghiệp học đường" tại Trường Đại học Nam Cần Thơ. Theo kế hoạch, mỗi tháng, hành trình được tổ chức tại một trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Thông qua việc giao lưu với các doanh nhân về kỹ năng nghề nghiệp, những câu chuyện vượt khó trong quá trình khởi nghiệp của các doanh nhân, hành trình mong muốn sẽ thắp lên niềm đam mê kinh doanh, trang bị kiến thức, kỹ năng bổ ích cho sinh viên.
Qua các điểm tổ chức, hành trình thu hút hàng trăm sinh viên tham gia, cho thấy sức hút của hành trình vì đã "bấm" đúng nhu cầu của sinh viên. Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh viên ngành Quản lý công nghiệp, chia sẻ: "Chương trình rất bổ ích và thiết thực bởi chúng tôi mong muốn có diễn đàn gặp gỡ, giao lưu với các doanh nhân để phấn đấu học tập, rèn luyện đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng". Theo Thảo, hạn chế của sinh viên hiện nay là yếu về kỹ năng mềm và thiếu trải nghiệm trong cuộc sống. Vì vậy, thông qua các buổi giao lưu, sinh viên còn được nghe các diễn giả chia sẻ phương pháp học tập khoa học từ thời sinh viên, cách học kinh nghiệm phù hợp với ngành nghề khởi nghiệp trong tương lai; cách ăn mặc, đi đứng, nói chuyện khi trả lời phỏng vấn xin việc, cách tạo ấn tượng ban đầu khi tiếp xúc với đối tác… Còn Nguyễn Hồng Nhiên, sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm cho rằng, nội dung chương trình gần gũi, bấm trúng nhu cầu của sinh viên. Có thể kể đến như kỹ năng lập kế hoạch và làm việc trong ngày, xây dựng phương pháp và mục tiêu học tập đúng đắn, cách tạo lòng tin đối với nhà tuyển dụng… Theo Nhiên, nhiều sinh viên chưa chú ý lập kế hoạch cho học tập và làm việc, từ đó tạo thói quen không tốt, thiếu tính kỷ luật trong công việc. Nếu làm có kế hoạch, sinh viên sẽ dễ dàng đạt mục tiêu đề ra hơn, đồng thời kịp thời sửa đổi sai sót về nội dung, phương pháp thực hiện.
"Hành trình sinh viên với doanh nhân" được sự hưởng ứng nhiệt tình của sinh viên cho thấy nhu cầu tìm hiểu thông tin doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của các bạn trẻ là thiết yếu. Đây là hoạt động ý nghĩa, thiết thực giúp sinh viên xây dựng mục tiêu phấn đấu, trau dồi kỹ năng mềm và thắp lên niềm đam mê lập nghiệp của người trẻ trong tương lai…