Phóng viên, biên tập viên trẻ góp ý xây dựng báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI

13:33 07/06/2017     1926

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Chiều ngày 6/6, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị phóng viên, biên tập viên trẻ góp ý xây dựng báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm lỳ 2017 - 2022. Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư BCH Trung ương Đoàn đã chủ trì hội nghị.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn; TS Lê Văn Cầu - Tổng Biên tập Tạp chí Thanh niên; cùng đông đảo các đồng chí biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí của Đoàn, gồm: Tiền phong, Thanh niên, Nhi đồng, Tạp chí Thanh niên, Truyền hình Thanh niên, Tuổi trẻ, website Trung ương Đoàn, Cổng Thánh Gióng, Tuổi trẻ Thủ đô và các báo ngoài Đoàn, như: Nhân dân, Dân trí, Quân đội Nhân dân, Vnexpress, Đài phát thanh truyền hình Hà Nội ...

Tại Hội nghị, từ kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực báo chí, thông tin, tuyên truyền và thực tiễn nhiều năm theo dõi công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi các đồng chí biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài Đoàn đã tập trung thảo luận, cho ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022. Trong đó, tập trung cho ý kiến vào vào tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên hiện nay; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đồng thời, đề xuất, góp ý việc sử dụng mạng xã hội trong tập hợp, định hướng thanh niên; sử dụng các phương thức, công cụ mới, công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, giáo dục thanh niên.


f
Quang cảnh hội nghị phóng viên, biên tập viên trẻ góp ý xây dựng báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm lỳ 2017 - 2022

* Nhiều vấn đề được phóng trẻ quan tâm góp ý

Mở đầu cho các ý kiến góp ý, phóng viên trẻ Xuân Tùng - Ban Thanh niên Báo Tiền Phong góp ý về thanh niên tham gia thực hiện các công trình thanh niên về xây dựng Nông thôn mới, văn minh đô thị. Qua theo dõi thực tế và trực tiếp tham dự các hoạt động, Xuân Tùng cho rằng, các công trình thanh niên thường được được chú trọng ở các địa bàn của tỉnh xa, trong khi ngay tại Hà Nội nhằm góp phần xây dựng văn minh đô thị hoạt động tham gia xóa quảng cáo trái quy định diễn ra chưa nhiều, chủ yếu rơi vào các đợt ra quân. Bên cạnh đó, với sự tác động của biến đổi khí hậu hiện nay, việc trồng cây xanh còn trông chờ nhiều vào đơn vị môi trường, trong khi sự tự giác, ý thức trồng và bảo vệ cây xanh của đoàn viên thanh niên nói chung chưa cao.

Đánh giá cao về chương trình tình nguyện nói chung và “Tiếp sức mùa thi” nói riêng. Xuân Tùng cho biết, những năm gần đây, Bộ giáo dục và Đào tạo luôn có sự thay đổi về cách thi tốt nghiệp THPT và đầu vào Đại học, Cao đẳng, nên chăng tổ chức Đoàn, Hội cũng cần có sự thay đổi về cách tiếp sức và đội ngũ phóng viên cũng cần thay đổi về cách tiếp cận để có những bài viết tuyên truyền hoạt động tiếp sức đạt hiệu quả cao.

Có cùng ý kiến về hoạt động tình nguyện, phóng viên trẻ Phan Hậu đến từ báo Thanh niên cho biết, vừa qua báo Thanh niên đã có loạt bài viết phản ánh về vai trò xung kích, tình nguyện của nhiều bạn trẻ nơi đầu sóng ngọn gió, biên giới, hải đảo, có thể khẳng định đây là hoạt động rất tốt. Theo Phan Hậu, trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI chưa đề cập nhiều vai trò của thanh niên tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh, biên giới hải đảo.

Từng có nhiều năm theo dõi các hoạt động của đoàn viên thanh niên lực lượng vũ trang, phóng viên trẻ Nguyễn Minh - báo Tiền Phong nêu, để làm tốt công tác phòng chống âm mưu diễn biến hòa bình, Đoàn cần có những chuyên đề hoặc lồng ghép trong các đợt tập huấn để phóng viên trẻ nắm bắt, hiểu và qua đó có những bài viết sâu sắc để chống lại những luận điệu sai trái nhằm chống phá Nhà nước nước Việt Nam.

Từ góc nhìn qua chuyến học tập tại nước bạn vừa qua, phóng viên Xuân Tùng đề xuất, Đoàn cần thiết kế các hình đồ họa vui nhộn để làm sao có tác động nhất định đến thanh niên và đặc biệt là các em nhỏ, để qua đó vừa giáo dục cũng như đầu tư nhiều hơn trong việc định hướng cho các em để qua đó các em tự phòng tránh được được việc xâm hại cũng như giúp các em đến với các hoạt động của Đoàn, Hội, Đội ngày càng nhiều hơn.


f
Phóng viên trẻ với bút danh Trường Phong - Báo Tiền Phong

* Thúc đẩy khởi nghiệp trong thanh niên

Năm 2016 được Chính phủ chọn là “Năm quốc gia khởi nghiệp”, đây là sự kiện có quy mô lớn nhằm phát huy tinh thần sáng tạo và ý chí tự lập của thanh niên, khích lệ thanh niên áp dụng những kiến thức đã lĩnh hội để lập ra những dự án khởi nghiệp có tính khả thi, là cơ hội để các bạn trẻ biến ước mơ, hoài bão của mình thành hiện thực. Theo khảo sát, phần lớn thanh niên được hỏi (80,3%) biết đến sự kiện này.

Phóng viên trẻ Nguyễn Minh - Ban Thanh niên, báo Tiền Phong nói, “Dự thảo Văn kiện đề ra chỉ tiêu trong nhiệm kỳ hỗ trợ ít nhất 1.000 dự án khởi nghiệp cho thanh niên liệu có quá nhiều không? Theo tôi cần phải căn cứ vào thực chất”.

Theo đồng chí Minh, quân đội làm rất tốt vấn đề tư vấn định hướng nghề và có chính sách cho bộ đội xuất ngũ khi về địa phương. Tuy nhiên, trong thực tế, một số bạn trẻ khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an nghĩa vụ khi ra quân lại không đúng như tuyên truyền. Bên cạnh đó, phụ cấp và kinh phí hỗ trợ ra quân, nhiều bạn trẻ cũng không đủ tự tin để khởi nghiệp hay theo đuổi khởi nghiệp một dự án đã từng “ấp ủ” nào đó.

Với phóng viên trẻ Phan Hậu, chương trình khởi nghiệp của chúng ta lựa chọn còn quá rộng, từ lựa chọn, kêu gọi vốn … nếu nhìn lại trước đây đề án 103 cũng đã đề cập, tuy nhiên nếu nhìn lại thì kết quả chưa rõ. “Chúng ta cần phát động trong thanh niên tham gia khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trong tham gia xây dựng Nông thôn mới và thực tế đã có rất nhiều chính sách tốt khuyến khích cho khởi nghiệp công nghệ cao về nông nghiệp, Đoàn cần kết nối, định hướng để các bạn thanh niên có thể tham gia thực hiện những chương trình này”, Phan Hậu nói.

Nêu một ví dụ về ngày hội việc làm của sinh viên trong thực tế, Hà Thanh – phóng viên trẻ của báo Tuổi trẻ TP.HCM cho rằng, các bạn trẻ đều mong muốn tìm được việc làm và có thu thu nhập ổn định. Tuy nhiên qua ngày hội mà Hà Thanh nêu thì còn có những hạn chế nhất định. Để giải quyết thất nghiệp cho thanh niên đòi hỏi tổ chức Đoàn cần có sự kết nối với doanh nghiệp, nhà trường và sinh viên mà trước mắt cần nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, để từ đó có hướng giải quyết  nhằm mang lại hiệu quả cho các bạn trẻ này.

Phóng viên trẻ Xuân Toàn - Tạp chí Thanh niên nêu, một số nơi hoạt động khởi nghiệp chỉ mang tính phong trào, không có tính khả thi, dẫn đến một số bạn trẻ đã bị phá sản trong kinh doanh, do đó cần phải có sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn nhiều hơn nữa nhằm giúp cho các bạn trẻ, nhất là thông qua Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp thanh niên và Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp thanh niên của tổ chức Đoàn.

* Tăng cường sử dụng mạng xã hội thu hút tập hợp thanh
niên

Năm 2016, theo báo cáo của Viện nghiên cứu thanh niên cho thấy, 41,2% thanh niên thường dành từ 1h- 3h một ngày cho việc sử dụng internet, 30,7% dành từ 3h- 5h cho việc này. Một kết quả khảo sát khác cũng cho thấy, trong số 85% người sở hữu điện thoại thông minh (smartphone), trung bình họ bỏ ra 4,7h/ngày để lên mạng internet. Tỉ lệ sử dụng phổ biến smartphone ở giới trẻ thành thị cao hơn nhiều so với các khu vực khác.

Phóng viên trẻ với bút danh Trường Phong - Báo Tiền Phong, nêu ý kiến, trong thời đại hiện nay, Công nghệ thông tin đã phát triển mạnh, trong khi tỷ lệ tập hợp thu hút thanh niên vẫn chưa cao, vậy vấn đề đặt ra Đoàn sử dụng mạng xã hội để như thế nào để thu hút các bạn trẻ, trong khi có những kênh thông tin đi ngược đã mang lại hiệu quả hơn.


f
Phóng viên Hồng Thạnh - báo Quân đội nhân dân

Phóng viên Hồng Thạnh - báo Quân đội nhân dân kể, khi về quê thấy rất nhiều bạn thanh niên ở nông thôn sử dụng điện thoại thông minh và kể cả mạng xã hội. “Vậy nên Đoàn cần quan tâm hơn nữa trong việc sử dụng mạng xã hội để giáo dục, định hướng thanh niên và có những giải pháp hiệu quả thu hút các bạn này tham gia những hoạt động có ích cho cộng đồng và xã hội”, Hồng Thạnh trao đổi.

Đến từ báo Nhi đồng, phóng viên Trinh Ngọc cho rằng, không phải đơn vị báo chỉ quan tâm đến các em thiếu nhi mà cả các hoạt động của đoàn viên thanh niên. Do vậy, nên chăng Đoàn cần có facebook chính thống để đoàn viên thanh niên và thiếu niên được tìm hiểu những thông tin chính thức do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên truyền, định hướng, dẫn dắt theo đúng mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó có được Forum riêng để các phóng viên theo dõi Đoàn cùng trao đổi thông tin qua đó có được những thông tin chính thống làm căn cứ trong công tác tuyên truyền của mỗi đơn vị báo chí.

Cùng ý kiến với Trinh Ngọc, phóng viên trẻ Trường Phong, cho rằng, trên trang mạng xã hội của chúng ta còn khô cứng, chậm thông tin chính thống và chưa có nhiều thông tin. Do đó, nên cần mở rộng để tạo sự phong phú, đa dạng và có sự nhậy bén hơn để phát huy hiệu quả của mạng xã hội đến được với đông đảo thanh niên.

Phóng viên trẻ Mai Châm - báo điện tử Dân trí đóng góp ý kiến, thay vì sử dụng nhiều fanpage để truyền thông cho hoạt động của Đoàn, chúng ta nên tập trung vào một vài fanpage chủ yếu, chính thống, hấp dẫn để thu hút hơn nữa sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ. Bên cạnh đó, cần xây dựng fanpage một cách chuyên nghiệp, đầu tư bài bản để từ đó nâng cao hiệu quả hơn của hình thức tuyên truyền này.

Chia sẻ về vấn đề này, Ngọc Anh - cán bộ website doanthanhnien.vn cho rằng, hiện website đã có trang Fanpage của Cổng thông tin điện tử Trung ương Đoàn, hiện chúng tôi đang tập trung tuyên truyền cho hoạt động chiến dịch hè tình nguyện hè 2017. “Chúng tôi đã rất cố gắng dể làm sinh động không chỉ hình ảnh, video,… mà còn nhiều hình thức khác mà các bạn trẻ hiện nay đang ưa dùng và thích. Tuy nhiên, số lượng người quan tâm lại ở từng thời điểm khác nhau, chẳng hạn trong tháng 3 - Tháng Thanh niên chúng tôi có bài viết với hơn 1.000 người like, hơn 600 bạn trẻ comment và hiện nay các bạn trẻ chủ yếu là học sinh đang tập trung cho kỳ thi nên số lượng cũng hạn chế hơn” , Ngọc Anh nói.

Ngọc Anh cho biết, Fanpage của Cổng thông tin điện tử Trung ương Đoàn đã xin được dấu chính chủ (dấu xanh) của Facebook trở thành trang chính thống. “Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn có thể lập một Group và qua đó gửi thông tin chính thống cho phóng viên để phóng viên có thể thông tin trên các báo một cách chính thống và nhanh nhất. Đồng thời, nên là người có thẩm quyền phụ trách và trả lời các ý kiến các bạn thanh niên, sinh viên, học sinh trên mạng xã hội khi các bạn gửi ý kiến về trang”, Ngọc Anh nêu ý kiến đề xuất.


f
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư BCH Trung ương Đoàn phát biểu trao đổi với hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư BCH Trung ương Đoàn phát biểu tại hội nghị đã nhấn mạnh: “Góp ý xây dựng báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm lỳ 2017 - 2022 là một nội dung hết sức quan trọng, Ban Bí thư Trung ương Đoàn mong muốn các đồng chí phóng viên, biên tập viên sẽ phát huy tình cảm, trách nhiệm, trí tuệ của mình để có những ý kiến đóng góp nhất định vào văn kiện của Đoàn. Bởi các đồng chí là những người hàng ngày, hàng giờ trực tiếp đồng hành, theo dõi các hoạt động của Công tác Đoàn và phong trào TTN. Do vậy, mong muốn sẽ có nhiều ý kiến hơn nữa được đóng góp, để khi chúng ta đọc thấy được trí tuệ, sự trách nhiệm và tình cảm của mình đã được thể hiện trong báo cáo lần này”.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương cũng mong tiếp tục nhận được sự tham góp của các cơ quan báo chí trong thời gian tới để công tác Đoàn và phong trào thanh niên ngày càng hiệu quả, thiết thực, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng hơn nữa của thanh thiếu niên cả nước.