Mở Vườn ươm khởi nghiệp

10:06 23/11/2017     1746

Hoạt động Hội, Đội   Anh Phan Thanh Sang (SN 1984) không chỉ khởi nghiệp thành công, trở thành “Vua lan ở cao nguyên Lâm Đồng”, mà anh còn mở “Vườn ươm khởi nghiệp” giúp đỡ các bạn trẻ, trao đổi kinh nghiệm kinh doanh, giới thiệu sản phẩm với du khách, đối tác, mở rộng thị trường…
Hỗ trợ bạn cùng chí hướng

Giữa vườn hoa lan đủ màu khoe sắc, các sản phẩm khởi nghiệp như: Cà phê sạch, nông sản sấy khô, rau organic, atiso, đặc sản Đà Lạt…, được sắp xếp bắt mắt trên các kệ gỗ cùng những thông tin liên quan về doanh nghiệp, xuất xứ sản phẩm, và cả hình ảnh của nơi sản xuất của sản phẩm. Đó là những sản phẩm khởi nghiệp của những bạn trẻ được anh Phan Thanh Sang hỗ trợ, bày bán sản phẩm giới thiệu với du khách khi đến Đà Lạt.

Ý tưởng làm giàu và mở “Vườn ươm khởi nghiệp” của anh có từ năm 2005, khi đang là sinh viên năm 2 (khoa Nông lâm, trường ĐH Đà Lạt). Ban đầu với 20 m2 đất, cậu sinh viên vừa học, vừa làm, học hỏi kinh nghiệm để trồng những giò lan đầu tiên. “Đó là một quá trình phấn đấu không mệt mỏi từ những mùa hoa Tết, thức thâu đêm giới thiệu sản phẩm, bán hoa lan ở công viên 23/9, quận 1, TPHCM đến sáng ngày mồng một Tết mới về tới nhà. Ra trường, mình mạnh dạn xin gia đình vay ngân hàng 200 triệu để đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm lai tạo và nuôi cấy mô giống hoa Lan”, anh Sang nhớ lại.


h
Gương mặt trẻ Phan Thanh Sang (ngoài cùng bên phải) chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với các bạn trẻ

Với nỗ lực của bản thân, hiện anh Sang xây dựng thành công 3 trang trại quy mô lớn ở những vùng khí hậu khác nhau. Tại xã Đạ Ròn (Đơn Dương, Lâm Đồng), anh mở trang trại trên độ cao 1.000 m gần 3 ha trồng lan hồ điệp và các loại phong lan catleya, đen rô mùa xuân... Tại Ninh Thuận, trên độ cao 300 m anh mở trang trại trồng gần 5 ha lan hồ điệp giống, trầm hương, ngọc điểm, monkara cắt cành và cây ăn trái. Đây là mô hình tiên phong trồng hoa lan quy mô theo hướng công nghệ cao hiệu quả đầu tiên ở Ninh Thuận. Anh Sang đã lập ra một khu 60 m­2 để bảo tồn, lai tạo các giống lan quý hiếm của Việt Nam và nước ngoài. Tại 16 Hồ Xuân Hương (Đà Lạt), với diện tích 3.000m2, anh Thanh Sang cải tạo thành điểm tham quan du lịch nông nghiệp kết hợp với vườn rau an toàn của hợp tác xã Xuân Hương, vườn dâu tây, vườn hoa của bà con nông dân trong khu phố, hình thành làng du lịch nông nghiệp. Mô hình của anh tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động là người dân tộc thiểu số.

Sau khi khởi nghiệp thành công, anh Sang lập “Vườn ươm khởi nghiệp”, giúp đỡ, hỗ trợ những người trẻ cùng chí hướng. Anh cho biết, các sản phẩm khởi nghiệp của các bạn thanh niên rất đa dạng và phong phú, chất lượng tốt nhưng do mới nên nhãn hàng của các bạn chưa được biết đến nhiều. “Vườn lan trưng bày, giới thiệu sản phẩm của gia đình có lợi thế là nằm trong Làng du lịch canh nông Xuân Hương, lượng du khách ghé đến tham quan khá nhiều nên tôi quyết định dùng một góc mở Vườn ươm khởi nghiệp, hỗ trợ cho các thanh niên khởi nghiệp”, anh Sang chia sẻ.

Tham gia ký gửi sản phẩm tại Vườn ươm khởi nghiệp, anh Hoàng Sỹ Hiếu, chủ hãng Cà phê organic (xã Đạ Đờn, Lâm Hà, Lâm Đồng) cho biết: “Từ khi tham gia và trưng bày sản phẩm tại vườn ươm, chúng tôi có nhiều đối tác tìm đến liên hệ mua sản phẩm. Các đơn đặt hàng từ vườn ươm cũng tăng đáng kể. Tôi nghĩ đây là một cách tiếp cận thị trường rất hay và cần nhân rộng. Các sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh nhất là cách quảng bá thương hiệu ngắn mà hiệu quả nhất”.

Cùng khởi nghiệp làm giàu

Từ kinh nghiệm bản thân, anh Phan Thanh Sang cho rằng những người trẻ khi khởi nghiệp
      Anh Phan Thanh Sang hiện là Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt. Anh đã nhận các giải thưởng: Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 4 dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc” do T.Ư Đoàn tổ chức (năm 2009); Giải thưởng “Khi Tổ quốc cần” của T.Ư Hội LHTN Việt Nam (năm 2012); Bằng khen của Thủ tướng trong Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng (năm 2015); Mười gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (năm 2015).
thường gặp khó khăn trong việc kiếm những mô hình hay, hiệu quả, khó khăn trong học tập, chia sẻ theo hình thức “tai nghe, mắt thấy, tay sờ”. Đặc biệt, trong khởi nghiệp nông nghiệp phải gắn với thực tiễn, kinh nghiệm, giải quyết khó khăn về  vốn trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tài sản hình thành từ nhà kính giá trị cao nhưng chưa được là tài sản đảm bảo…

Theo anh Sang, đối với các bạn trẻ, để khởi nghiệp thành công, yếu tố vô cùng quan trọng là việc thành lập các nhóm, CLB để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và quan trọng là tiêu thụ quảng bá sản phẩm. “Muốn khởi nghiệp thành công, nhất là lĩnh vực nông nghiệp phải có định hướng rõ để trả lời 3 câu hỏi: Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? Sản xuất cho ai? Rồi vấn đề chọn giống cây trồng như thế nào là phù hợp? Thị trường thị hiếu của giống đó hiện tại và tương lai ra sao? Cách lập đề án vay vốn, quản lý nguồn vốn, đầu tư hiệu quả; kỹ thuật sản xuất, quản lý trang trại theo tiêu chuẩn nào? Rồi cách xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm…”, anh Sang gợi ý.

Anh Phan Thanh Sang cũng đề xuất, để các bạn trẻ khởi nghiệp thành công, mỗi tỉnh, thành phố cần thành lập CLB khởi nghiệp theo từng lĩnh vực, có thể trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN), Hội Doanh nhân và Ban chủ nhiệm các CLB này phải là những người đang làm trong lĩnh vực khởi nghiệp, sẵn sàng tập hợp tư vấn chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trong CLB. Và quan trọng, Ban chủ nhiệm CLB cần phối hợp thông qua Hội LHTN, Hội Doanh nhân để tiếp cận các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp từ các sở ngành liên quan theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

“Để phát huy hiệu quả tối đa giúp những người trẻ khởi nghiệp, các cấp bộ Đoàn cần chú trọng việc xây dựng các CLB, đội, nhóm thanh niên khởi nghiệp theo từng lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghệ thông tin, thương mại, du lịch dịch vụ… để chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau. Đặc biệt, đây sẽ là mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên hiệu quả trong thời kỳ phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế”, anh Phan Thanh Sang nói.