Lãnh đạo Bộ GD&ĐT gặp mặt các trí thức trẻ vì giáo dục
17:39 10/11/2017 671
Hoạt động Hội, Đội Web.ĐTN: Chiều 9/11, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gặp mặt thân mật các tác giả, nhóm tác giả của 10 công trình, sáng kiến tiêu biểu tham gia Vòng chung khảo Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2017.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Long Hải - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa hỏi thăm và động viên các tác giả |
Năm 2017 là năm thứ hai Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" được Trung ương Đoàn, Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức. Chương trình nhắm cổ vũ, khuyến khích đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là các trí thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo thông qua các công trình, sáng kiến.
Sau 5 tháng triển khai, chương trình đã tiếp nhận 329 công trình, sáng kiến của đoàn viên, thanh niên, trí thức trẻ đến từ 54 tỉnh, thành phố trong nước và ngoài nước. Ngày 27/10/2017, tại vòng chấm sơ khảo, 10 công trình, sáng kiến xuất sắc nhất đã lọt vào vòng chung khảo của chương trình.
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã lắng nghe những chia sẻ của các tác giả, nhóm tác giả về những công trình, sáng kiến tham dự chương trình, về những tâm huyết với lĩnh vực giáo dục, đào tạo cũng như những đề xuất, kiến nghị với Bộ GD&ĐT.
Tác giả Trần Nguyễn Thanh Trúc - sinh viên trường ĐH Sư phạm TP HCM chia sẻ về ý tưởng Thiết kế các hoạt động giáo dục tài chính trong tiết học ngoài giờ lên lớp ở tiểu học |
Tác giả Nguyễn Hữu Hải - nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm Công nghệ Việt Nam cho rằng, hiện nay, khối lượng kiến thức tương đối nhiều gây áp lực cho học sinh; phương pháp giảng dạy truyền thống mang tính một chiều chưa kích thích được sự sáng tạo, phát huy tiềm năng của học sinh; dạy thêm học thêm tràn lan khiến học sinh rơi vào tình trạng quá tải... Với những hạn chế đó, Hải và nhóm nghiên cứu đã xây dựng Nền tảng phát triển giáo dục Open Classroom - đây là mô hình lớp học mở, ứng dụng CNTT với những bài học, khóa học trực quan, sinh động, tương tác, có phản hồi cho người học... nhằm đem lại một hình thức học tập mới hấp dẫn, hiệu quả hơn cho học sinh.
"Có lẽ chăng phương pháp dạy học hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh? Với vai trò là nhà nghiên cứu, nhà khoa học trẻ, chúng tôi đã tham khảo, vận dụng các mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới để áp dụng vào Việt Nam", Nguyễn Hữu Hải nói.
Tác giả Nguyễn Thu Quyên - một giáo viên THPT đến từ Hải Dương chia sẻ, lâu nay, chúng ta vẫn nói về việc học sinh chán học lịch sử nói riêng và các môn khoa học xã hội nói chung bởi cách dạy và học đã cũ, thiếu hấp dẫn, không đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Trên nền tảng CNTT, với một phần mềm không quá phức tạp, mỗi giáo viên, mỗi trường học hoàn toàn có thể vận dụng công nghệ 3D để thiết kế và sử dụng bảo tàng ảo trong dạy học Lịch sử ở trường THPT.
Cô giáo Nguyễn Thu Quyên cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" và Bộ GD&ĐT để có thể chuyển giao công trình của mình được ứng dụng rộng rãi tại các trường THPT trên cả nước.
Đồng chí Nguyễn Long Hải - Bí thư Trung ương Đoàn hy vọng các tác giả tiếp tục "mài sắc" công trình, ý tưởng của mình để các công trình, ý tưởng đưa vào ứng dụng thực tế hiệu quả nhất. |
Cảm ơn những mong muốn đóng góp cho nền giáo dục nước nhà, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao sự thành công của Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" cũng như chất lượng của các công trình, sáng kiến tham dự năm nay, đặc biệt là 10 công trình tiêu biểu nhất lọt vào Vòng chung khảo. So với năm ngoái, Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2017 có thêm 100 công trình, sáng kiến tham gia tranh tài. Các công trình, sáng kiến không chỉ cho thấy sự đa dạng về nội dung mà còn gắn với nhu cầu thực tiễn của lĩnh vực giáo dục - đào tạo hiện nay. Đặc biệt, nhiều công trình, sáng kiến được dựa trên nền tảng CNTT, rất phù hợp với xu thế hiện nay. Điển hình như công trình: Nền tảng phát triển giáo dục Open Classroom, Full Look - Phần mềm học song ngữ phát triển năng lực toàn diện, Vận dụng công nghệ 3D thiết kế và sử dụng bảo tàng ảo trong dạy học Lịch sử ở trường THPT…
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa hy vọng các trí thức trẻ tiếp tục tham gia đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và những tác phẩm đạt giải cao của Chương trình sẽ được hỗ trợ để sớm được ứng dụng vào các trường học.