“Khi tôi 18” – Khi ước mơ tôi được chắp cánh
20:32 23/10/2012 10400
Hoạt động Hội, Đội Web.ĐTN: 18, cái tuổi ai cũng gọi là đẹp và đáng chờ đợt nhất. Song đó cũng là cột mốc mà tớ - một học sinh năm cuối cấp 3 sợ vô cùng. Tớ sợ sẽ đi qua tuổi này mà không đọng lại ấn tượng gì và chông chênh vào đời với một trời ước mơ “ngốc xít”. Nhưng câu chuyện đã rẽ sang một hướng khác, kể từ khi tớ “bắt sóng” được gameshow “Khi tôi 18”.
Chào tuổi 18, đó cũng là lúc chào đón quãng thời gian “hãi hùng” nhất, thay vì khoảng thời gian “để đời” nhất của một học sinh như tớ. Kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 và Đại học quả là một thách thức lớn nên hầu như chiếm trọn quỹ thời gian. Ăn, ngủ, chơi đều gần như luôn gắn liền với chữ học. Tớ gần như mặc định 18 – đó là tuổi quyết định tương lai của mình. Vô hình trung, tớ đã đặt một “vũ môn” quá lớn để vượt qua mà không nhận thấy đường đến thành công còn cần đến nhiều điều quan trọng khác. Cho đến lúc “Khi tôi 18” ghé thăm trường mình.
Phần thi kiến thức của đội Trường THPT Chuyên Hòn Gai, Quảng Ninh |
Tất cả những gì chương trình bước đầu giới thiệu đã gợi mở giúp tớ nhiều điều. Nếu trước đây, thời gian của tớ được chia cho 3 mối quan tâm hàng đầu: học kiến thức ở lớp, chăm sóc sức khỏe bản thân và giải trí cùng thần tượng. Tớ nghĩ rằng với một học sinh 18, như thế là “chuẩn” rồi. Một ngày nọ, tớ gần như “choáng” trước hàng tá câu hỏi như “Nếu động đất xảy ra, làm thế nào để được an toàn?”, “Để thích nghi với tình huống sống và học tập xa nhà cần những chuẩn bị gì?”, “Kỹ năng mềm giúp tự tin và thành công, đó có thể là gì?”, “Chọn ngành học gia đình “mở đường” hay chọn ngành học phù hợp với khả năng và sở thích?”...từ chương trình “Khi tôi 18”. Những kiến thức về văn hóa xã hội, định hướng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, kỹ năng tồn tại…dường như quá xa lạ và bất ngờ với tớ. Trong khi ấy, đây là những kiến thức cơ bản nhất bên cạnh kiến thức tiếp thu được qua trường lớp cần có của một học sinh 18 tuổi ở nhiều quốc gia khác. Tuy muộn nhưng vẫn kịp cho tớ cải thiện vốn hiểu biết của mình. Yêu “Khi tôi 18” là thế.
“Khi tôi 18” không chỉ mang đến một sân chơi bổ ích về kiến thức thôi. Khi tham gia chương trình, tớ mới biết thế nào là chủ động kết nối, khẳng định bản thân và tự xây cho mình một ký ức đẹp thân thương về tình bạn, tình thầy trò những năm cuối cấp thông qua những trò chơi hết sức vui nhộn và cực chất từ nhà tài trợ MobiFone. Chính những lúc cùng tìm hiểu các chủ đề dự thi, cùng tập luyện, cùng thử thách lẫn nhau và cùng “chiến đấu” đã giúp những người bạn từ dè dặt sang gắn kết và thấu hiểu nhau hơn. Những tiếng cười, lời tranh luận hay cả những bất đồng rất vô tư ấy trở thành những trải nghiệm tuyệt vời mà tớ chưa bao giờ có được và chắn chắn sẽ trở thành một hành trang tinh thần vững chắc giúp tớ bước vào những cánh cổng tiếp theo sau ngôi trường cấp 3.
Điều đặc biệt nhất là tớ đã dám ước mơ và dám nói lên mơ ước của mình nhờ chương trình. Đã có lúc với tớ, ước mơ là điều bí mật. Không phải vì tớ sợ mọi người biết và cười châm biếm những hoài bão của mình bởi có thể chúng quá lớn lao, quá táo bạo so với tâm hồn và sức vóc của một học sinh. Sâu trong con tim mình, chỉ tớ hiểu một điều: tớ chưa tự tin để theo đuổi nên chưa can đảm nói lên để những người đi trước định hướng và hướng dẫn thêm. Điều đó cũng đồng nghĩa, một lúc nào đó, tớ rất có thể đánh rơi mất giấc mơ nếu chưa xây dựng được một nền tảng tốt và một bản lĩnh kiên cường. “Khi tôi 18” với những thử thách về tài năng, tinh thần đồng đội, sức bền chiến đấu, về bản lĩnh, ước mơ…tất cả từng bước cho tớ thấy đường đến mục tiêu nào cùng gian nan và cần thời gian rèn dũa, bước từng bước chạm đến thành công. Và rằng thành công ấy không chỉ dựa vào sức mình mà còn nhờ vào trợ lực của người thân, thầy cô, bạn bè, cộng đồng. Sau tất cả, tớ nhận ra niềm tin mới là điều quan trọng nhất để làm nên điều khác biệt.
Mưu cầu thành tựu cho mình thôi chưa đủ mà thành tựu ấy chỉ ý nghĩa khi được ủng hộ, được sẻ chia. Từ đó, cái mục đích mà mỗi thanh niên Việt đều tự hào và phấn đấu là trở thành một công dân toàn cầu đậm bản sắc Việt càng đến gần mình hơn.
Sau này, bước ra khỏi mái trường phổ thông, tớ sẽ ngoái đầu lại mỉm cười và thầm cảm ơn “Khi tôi 18” đã kịp giúp tớ có được thời học sinh trọn vẹn kiến thức và niềm tin vào chính mình.