Hiến kế giúp người từng lầm lỡ

15:09 20/11/2017     1573

Hoạt động Hội, Đội   Trong khi không ít đội nhóm, mô hình giúp đỡ thanh thiếu niên hòa nhập cộng đồng “chết yểu” vì thiếu hiệu quả, tại phường Phước Ninh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), Câu lạc bộ (CLB) “Tương Lai Xanh” 5 năm qua đã giúp đỡ nhiều thanh thiếu niên vươn lên sau cai nghiện. Chị Dương Huỳnh Trang, Bí thư Đoàn phường Phước Ninh, “người giữ lửa” cho CLB, chia sẻ với Tiền Phong xung quanh câu chuyện này.
Theo chị Dương Huỳnh Trang, Bí thư Đoàn phường Phước Ninh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), điều kiện tiên quyết để giúp người lầm lỡ trở về hòa nhập cộng đồng là phải giúp bằng cả cái tâm.

Theo chị Dương Huỳnh Trang, Bí thư Đoàn phường Phước Ninh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), điều kiện tiên quyết để giúp người lầm lỡ trở về hòa nhập cộng đồng là phải giúp bằng cả cái tâm.


f
Đoàn thanh niên tham gia sinh hoạt giáo dục cảm hóa. Nguồn ảnh báo ĐT Đồng Tháp

Thưa chị, làm sao có thể tập hợp được những người sau cai nghiện tham gia vào CLB?

Năm năm trước, khi bắt đầu làm bí thư Đoàn, tôi thật sự ấn tượng với CLB giúp đỡ người sau cai nghiện và đánh giá mô hình này rất thiết thực. Trên địa bàn có nhiều thanh thiếu niên sau cai đang rất bấp bênh. Song có một thực tế là ở các buổi sinh hoạt, họ không chịu tới hoặc tới thì rất miễn cưỡng. Đoàn lập tức chia nhóm ra tiếp cận từng người, lê la cà phê tâm sự cùng họ, thậm chí gõ cửa từng nhà nghe người thân họ tỉ tê nỗi lấn cấn vì sao không chịu vào CLB. Sau lần ấy, chúng tôi biết được họ mặc cảm với cái tên “CLB sau cai”, không thể hòa nhập khi mọi người đều biết rõ mình là “con nghiện trở về”. Lần này, Đoàn quyết định đổi tên thành CLB Tương Lai Xanh, nghe rất nhẹ nhàng và đầy hy vọng.

Tuy nhiên, những lần sinh hoạt tiếp theo, tôi lại bắt gặp những ánh mắt e dè, lẩn tránh, gượng gạo. Thì ra lỗi ở chúng tôi, các buổi sinh hoạt ĐVTN mang áo đoàn, dân quân, công an mang sắc phục ngồi kèm bên họ vô tình tạo ra một ranh giới khiến họ không tài nào vượt qua được. Rút kinh nghiệm, chúng tôi bảo nhau phải mang áo quần bình thường, trẻ trung khi gặp họ. Thế nên các buổi họp mặt về sau, họ cởi mở, thoải mái hơn, người ngoài nhìn vào chẳng biết ai là cán bộ Đoàn, công an, ai là người sau cai cả. Thậm chí nhiều người còn mong tới ngày sinh hoạt để tới dự vì ở đó không chỉ có sự chân thành, mà còn có nhiều trò chơi, tiết mục văn nghệ thú vị nữa. Hiện tại CLB có tới 20 người sau cai.

Vậy Đoàn phường đã duy trì và giúp những thành viên trong CLB bằng cách nào?

Ai cũng cần một cuộc sống ổn định. Chúng tôi nghe họ tâm tình rằng cần việc làm, song mỗi khi bắt đầu đều gặp vô vàn khó khăn, như bị từ chối do từng nghiện, thiếu vốn, không có phương tiện, máy móc… Đoàn đã kết nối với các nguồn vay, các đơn vị chức năng để tạo điều kiện cho họ vay vốn, bảo lãnh xin việc làm. Thậm chí một số trường hợp bí bách về chỗ ở, chúng tôi đã chạy vạy để xin chung cư, làm giúp các thủ tục hành chính. Thấy được sự giúp đỡ tận tình từ CLB, đặc biệt là tìm thấy chiếc cần câu cơm, họ hoàn toàn tin tưởng và gắn bó với CLB năm này qua năm khác. Bây giờ tất cả các thành viên đều nhận sự hỗ trợ rất thiết thực của CLB, người có chỗ ở,  người có việc làm.

Tôi có thể kể ra anh N.C.S. (38 tuổi), được CLB giúp vay gần 20 triệu đồng để sửa nhà cửa và mua dụng cụ làm ăn, về sau còn được hỗ trợ xin mua chung cư dành cho người thu nhập thấp ở quận Cẩm Lệ. Những điển hình như anh tạo ra sức hút cho rất nhiều người trở về sau cai nghiện.

Sức hút chị nói ở đây được hiểu như thế nào?

Họ là những tấm gương rõ ràng trước mắt mà bất cứ ai tham gia vào CLB cũng cố gắng để đạt được. Không chỉ thế, chúng tôi còn vận động các cá nhân tiến bộ này làm tuyên truyền viên, làm“đại sứ” đến những buổi gặp gỡ để thổi luồng sinh khí quyết tâm vào những người đang loay hoay trên đường về bến thiện. Không gì tuyệt vời hơn những “người trong cuộc” chia sẻ, khích lệ nhau. Chính nhờ điều đó, CLB Tương Lai Xanh 5 năm qua hoạt động rất hiệu quả, ngày một đông và ngọn lửa trong mỗi người chưa bao giờ lụi tắt.

Từ CLB này, chị rút ra được bài học gì trong cách vận động, tập hợp và giúp đỡ những người lầm lỡ?


Tất cả quy về một chữ tâm. Nếu không có tâm thì chưa kịp bắt đầu thôi cũng đủ nản. Bởi công việc này tốn thời gian, tốn công sức, đau đầu suy tính nhưng chẳng có bất kỳ một nguồn kinh phí hỗ trợ nào.  Có nhiều trường hợp mới gặp lần đầu, nhìn mặt họ rất “hung”, mình mẩy xăm trổ trông rất đáng sợ nhưng chúng tôi tự đặt câu hỏi: nếu mình bỏ cuộc thì tương lai của họ sẽ về đâu, người thân họ thế nào? Vậy nên chúng tôi giúp họ bằng mọi cách có thể.

Với những người đang trên đường hoàn lương, cứ “nhàn cư” thì “vi bất thiện”. Muốn họ thoát nghiện, thoát tệ nạn bền vững thì phải cho họ một việc làm. Có lao động, có thu nhập sẽ mở lối về nẻo thiện thênh thang hơn.

Cảm ơn chị./.