Giáo sư đoạt giải Nobel Vật lý nói chuyện với sinh viên Thủ đô Hà Nội

09:28 01/08/2017     1516

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Chiều 31-7 tại Trường ĐH Quốc gia Hà Nội, GS. Gerard t' Hooft (71 tuổi, người Hà Lan) đoạt Giải Nobel Vật lý năm 1999 đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với hơn với 600 học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội
Cuộc gặp gỡ do Trung ương Hội sinh viên Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức nhằm hỗ trợ sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện để sinh viên Việt Nam được kết nối, giao lưu với chuyên gia, nhà khoa học uy tín trên thế giới.

G
GS Gerardus’t Hooft (71 tuổi) là nhà vật lý lý thuyết, giảng dạy, nghiên cứu tại Đại Học Utrecht (Hà Lan) trò chuyện với các bạn học sinh, sinh viên tại chương trình

Với chủ đề “Vai trò của các lỗ đen trong sự hiểu biết của chúng ta về thế giới Vật lý”, tại buổi giao lưu, nói chuyện với sinh viên Thủ đô, GS. Gerard t' Hooft đã đưa các bạn trẻ đến với những nghiên cứu mới mẻ về khoa học, kiến thức về lỗ đen (còn gọi là hố đen).

Theo nghiên cứu, các lỗ đen có thể được hình thành từ sự co sụp hấp dẫn của một ngôi sao nặng, hoặc sự va chạm giữa các vật thể nặng. Những sự kiện này rất dữ dội, làm thay đổi cấu trúc không gian và thời gian. Do đó lỗ đen đóng vai trò như các đèn hiệu báo tin về các điều kiện trong vũ trụ rất xa với chúng ta.

Ngoài ra, các lỗ đen có thể được hiểu như các đốm hấp dẫn và các nhà Vật lý đặt câu hỏi: Các đốm hấp dẫn này tương tác thế nào với các vậy thể rất nhỏ như nguyên tử và các hạt nhỏ hơn nguyên tử? Liệu bạn gửi tín hiệu tới lỗ đen, liệu nó có phản hồi lại? Nhiều câu hỏi làm đau đầu các nhà Vật lý đi tìm câu trả lời, giúp chúng ta học thêm được nhiều điều mới mẻ về không gian, thời gian và vật chất.

Thông qua chương trình, các bạn học sinh, sinh viên sẽ được vun đắp tình yêu đối với khoa học nói chung và đối với khoa học thiên văn, vũ trụ nói riêng, ngành khoa học nhận được sự quan tâm rất lớn của nhiều bạn trẻ. Những chia sẻ của GS. Gerard t' Hooft sẽ là nguồn cảm hứng cho đam mê khoa học của các bạn, tạo động lực giúp các bạn học sinh, sinh viên tiếp tục học tập, rèn luyện và phấn đấu để trở thành những nhà khoa học tương lai, đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước.

Thông qua cuộc gặp gỡ, trò chuyện, Ban tổ chức hi vọng trong thời gian tới, các bạn học sinh, sinh viên có nhiều cơ hội gặp gỡ, nói chuyện với các nhà khoa học tầm cỡ thế giới. Qua đó, tiếp tục được bồi đắp niềm đam mê với khoa học, đóng góp vào sự phát triển tri thức của Việt Nam và thế giới, để tương lai nước ta có thêm nhiều Tạ Quang Bửu, Ngô Bảo Châu, Trần Thanh Vân... đưa tri thức Việt Nam đồng hành cùng các nhà khoa học tầm cỡ thế giới.

GS Gerardus’t Hooft (71 tuổi) là nhà vật lý lý thuyết, giảng dạy, nghiên cứu tại Đại Học Utrecht (Hà Lan).

Năm 1999, ông cùng thầy hướng dẫn của mình là GS Martinus J.G.Veltman nhận giải thưởng Nobel Vật lý cho công trình nghiên cứu về “Cấu trúc lượng tử trong các tương tác điện yếu”. Đây là công trình xây dựng nền tảng toán học vững chắc cho lý thuyết vật lý về các hạt cơ bản.

Trong sự nghiệp khoa học của mình, GS Gerardus’t Hooft còn đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực: Lý thuyết trường chuẩn trong vật lý hạt cơ bản, lý thuyết về hấp dẫn lượng tử và các hố đen trong vũ trụ, nghiên cứu về các cơ sở nền tảng trong cơ học lượng tử.

Các tác phẩm của ông đã tập trung lý thuyết đo, các lỗ đen, trọng lực lượng tử và các khía cạnh cơ bản của cơ học lượng tử. Đóng góp của ông cho vật lý bao gồm một bằng chứng về các lý thuyết đo được đều có thể tái chuẩn hóa, chuẩn theo chiều không gian và tuân theo nguyên tắc holographic.

Ngoài giải Nobel, ông còn nhận được rất nhiều giải thưởng, gồm:

Năm 1981: ông cùng với Victor F. Weisskopf và Freeman J. Dyson nhận giải thưởng Woft trong vật lý vì những đóng góp cho vật lý lý thuyết, đặc biệt là sự phát triển và ứng dụng của thuyết lượng tử.

Năm 1995, ông trở thành một trong những người đầu tiên nhận giải thưởng Spinozapremie, phần thưởng cao quý nhất dành cho các nhà khoa học Hà Lan. Cùng năm đó, ông nhận huy chương Franklin.