Đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã góp ý Văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI

14:38 07/06/2017     1162

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Chiều 6/6, tại Cao Bằng, 160 đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã các tỉnh khu vực Đông Bắc Bộ đã tham gia góp ý xây dựng báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Đồng chí Bùi Quang Huy - Bí thư Trung ương Đoàn chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Bùi Quang Huy - Bí thư Trung ương Đoàn phát biểu định hướng các nội dung góp ý tại Hội nghị
Đồng chí Bùi Quang Huy - Bí thư Trung ương Đoàn phát biểu định hướng các nội dung góp ý tại Hội nghị


Với kinh nghiệm 5 năm công tác tại các xã nghèo thuộc 5 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ và Bắc Giang, các đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã đã tham gia trao đổi, góp ý nhiều nội dung như: nhu cầu, nguyện vọng của trí thức trẻ hiện nay và mong muốn của trí thức trẻ đối với tổ chức Đoàn; phát huy vai trò của thanh niên trong tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng an ninh, xung kích tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn dân cư; giải pháp xây dựng nguồn nhân lực trẻ có chất lượng tại các xã, huyện nghèo; đồng hành với thanh niên nông thôn vùng dân tộc và miền núi trong lập nghiệp; phát huy vai trò của thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; mở rộng mặt trận tập hợp đoàn kết thanh niên tại các xã nghèo, huyện nghèo; phát huy vai trò trí thức trẻ trong tham gia cải cách hành chính...

Phát huy vai trò, tăng cường đoàn kết tập hợp thanh niên

Bạn Hoàng Thị Anh Đào - Phó Chủ tịch xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ cho rằng, tại các xã nghèo, do trình độ dân trí thấp, nhiều người không có việc làm ổn định nên tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông ngày một gia tăng. Việc phát huy vai trò của thanh niên trong tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng an ninh, xung kích tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn dân cư là rất quan trọng, tuy nhiên hoạt động của tổ chức Đoàn - Hội ở những địa bàn này còn hạn chế. "Trung ương Đoàn cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho cán bộ đoàn ở những địa bàn khó khăn để thu hút sinh viên giỏi mới ra trường tham gia công tác Đoàn, Hội nơi đây", Anh Đào đề nghị.
Đại biểu Hoàng Thị Anh Đào mong muốn có cơ chế chính sách thu hút sinh viên giỏi mới ra trường tình nguyện tham gia công tác Đoàn, Hội tại xã nghèo
Đại biểu Hoàng Thị Anh Đào mong muốn có cơ chế chính sách thu hút sinh viên giỏi mới ra trường tình nguyện tham gia công tác Đoàn, Hội tại xã nghèo


Bạn Triệu Thị Múi - Phó Chủ tịch xã Vĩnh Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng chia sẻ, thực tế, các chương trình, hoạt động của Đoàn Thanh niên tại xã chủ yếu là thực hiện chỉ đạo từ Đoàn cấp trên, mà chưa có sự chủ động từ cơ sở do khó khăn cả về con người và kinh phí hoạt động. Đây là những xã nghèo nên việc huy động vốn xã hội hóa là rất khó. Nhiều thanh niên có nhu cầu thực hiện mô hình trang trại theo nhóm 2-3 người hay xây dựng câu lạc bộ đàn tính hát then nhưng không triển khai được do không có kinh phí. Công tác chăm sóc thiếu niên nhi đồng cũng rất hạn chế. Thực tế này rất cần sự quan tâm hơn nữa từ cấp tỉnh và cấp Trung ương.

Bạn Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch xã Thanh Long, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cho rằng, đối với các địa bàn khó khăn, phương thức tập hợp thanh niên tốt nhất là gắn với phát triển kinh tế. Tổ chức Đoàn cần hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để vừa tạo việc làm cho thanh niên, vừa thu hút, tập hợp thanh niên. Trung ương Đoàn cũng cần tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế của thanh niên về nguồn vốn, kiến thức, kinh nghiệm, tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu vào - đầu ra cho sản phẩm...

Từ thực tế tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, bạn Bùi Thị Kim Dung - Phó Chủ tịch xã Cẩm Đàn mong muốn, trong thời gian tới, tổ chức Đoàn sẽ quan tâm hơn tới hoạt động đồng hành với thanh niên trong lập thân lập nghiệp, đặc biệt là tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông. "Ở các thành phố lớn thì hoạt động tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp rất dễ dàng, nhưng đối với các huyện nghèo, xã nghèo thì lại rất khó khăn. Trung ương Đoàn có thể hỗ trợ kết nối với các trường CĐ, ĐH, các chuyên gia tư vấn... để hỗ trợ tỉnh đoàn, huyện đoàn trong hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp giúp học sinh chọn đúng trường, đúng nghề".
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đội viên Dự án tham gia góp ý văn kiên Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI


Để xây dựng nguồn nhân lực trẻ cho xã nghèo, theo bạn Trần Sỹ Trung - Phó Chủ tịch xã Quế Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, trước hết cần xây dựng nguồn nhân lực trẻ tại chỗ bằng cách nâng cao công tác quy hoạch, phát hiện và lựa chọn tài năng trẻ để đào tạo, bồi dưỡng và bố trí công tác. Bên cạnh đó, cần tăng cường các chương trình tình nguyện đưa trí thức trẻ về các xã nghèo, đặc biệt là sinh viên giỏi mới ra trường, nhằm tạo động lực mới cho địa phương.

Ứng dụng CNTT vào hoạt động Đoàn

Dù công tác tại các địa bàn khó khăn, nhưng nhiều đội viên Dự án lại đề nghị đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đặc biệt là mạng xã hội vào hoạt động Đoàn, trong đó có sinh hoạt Chi đoàn.

Bạn Hoàng Thị Nghĩa, Phó Chủ tịch xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cho rằng, thanh niên hiện nay đều sử dụng facebook và điện thoại thông minh, nên cần tính tới việc sử dụng mạng xã hội vào các công tác của Đoàn.

"Với tình trạng nhà ở rải rác, cách xa nhau, công việc làm không cố định nay đây mai đó, việc sinh hoạt chi đoàn qua mạng sẽ dễ dàng hơn. Đoàn viên, thanh niên có thể tiếp cận với thông tin sinh hoạt chi đoàn, các chương trình, hoạt động của Đoàn qua facebook. Tổ chức Đoàn cũng nên xây dựng hệ thống các trang web hoặc hướng dẫn cách truy cập các trang web hữu ích, phục vụ công việc và sản xuất", bạn Hoàng Thị Nghĩa đề xuất.
Bạn Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch xã Thanh Long, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn
Bạn Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch xã Thanh Long, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn góp ý việc áp dụng mạng xã hội vào sinh hoạt chi đoàn


Cùng quan điểm, bạn Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch xã Thanh Long, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn góp ý, việc áp dụng CNTT vào sinh hoạt chi đoàn sẽ giúp cho các bạn ĐVTN đang làm ăn ở xa cũng có thể tham gia và nắm bắt thông tin.

Hoàng Văn Dũng cũng đề nghị, tổ chức Đoàn cần xây dựng các diễn đàn và các trang mạng xã hội hữu ích cho thanh niên, để thanh niên có thể nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiếp cận những thông tin đúng đắn và có thể tham gia trao đổi, đóng góp ý kiến, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình.