Chung kết Cuộc thi Tìm kiếm đại sứ truyền thông khoa học - FameLab lần thứ ba

17:11 26/04/2017     1114

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Với bài thuyết trình đầy ấn tượng và màn trả lời câu hỏi đầy sức thuyết phục, thí sinh nữ Phạm Hà My đã chiến thắng xuất sắc giành giải nhất tại đêm Chung kết Cuộc thi Tìm kiếm đại sứ truyền thông khoa học - FameLab lần thứ ba tại Việt Nam.
Ngày 25/4, tại Hà Nội diễn ra đêm chung kết cuộc thi Tìm kiếm đại sứ truyền thông khoa học - FameLab lần thứ ba tại Việt Nam với tên gọi “Tìm kiếm đại sứ truyền thông khoa học” với sự tham gia của 12 thí sinh xuất sắc tại cuộc thi.
0
Ban tổ chức trao giải cho các thí sinh tại đêm chung kết

FameLab năm 2017 được tổ chức tại Việt Nam với sự đồng hành của tổ chức EURAXESS, Hội đồng Anh tại Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Đây là cuộc thi thuyết trình về khoa học, được bắt đầu từ năm 2015 tại Liên Hiệp Vương Quốc Anh trong liên hoan khoa học Cheltenham Science Festival.

Các bài dự thi của thí sinh được Ban tổ chức phân loại và gửi đến các chuyên gia góp ý, hoàn thiện trên cơ sở các tiêu chí của cuộc thi là tìm kiếm đại sứ truyền thông khoa học, đưa khoa học trỏe nên gần gũi với cộng đồng. Trải qua vòng sơ khảo, 18 thí sinh xuất sắc nhất đã được lựa chọn tham gia Vòng Tập huấn từ ngày 15 đến ngày 18/4 tại ĐH Quốc gia Hà Nội được các chuyên gia của Hội đồng Anh, giảng viên của ĐH Quốc gia Hà Nội hỗ trợ, trợ giúp hướng dẫn nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết nhất cho việc truyền thông khoa học. Kết thúc khóa tập huấn, 12 thí sinh xuất sắc nhất đến từ mọi miền Tổ quốc đã được lựa chọn tại đêm chung kết.

Tại đây, 12 thí sinh đã thể hiện khả năng thuyết trình về một chủ đề công nghệ, khoa học, kỹ thuật cũng như thuyết phục Ban Giám khảo chọn mình là người chiến thắng. Ba vị giám khảo nắm quyền quyết định tấm vé đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi FameLab thế giới bao gồm: Nhà báo TS. Tạ Bích Loan, GS.TS. Mai Trọng Nhuận, TS. Lê Anh Vinh.

Chủ đề thuyết trình của các thí sinh hết sức đa dạng, từ những công nghệ hiện đại như phương pháp ngăn chặn ung thư, cách phòng chống bệnh sốt rét, cách sử dụng kháng sinh, công nghệ in sinh học... tới những điều bình thường nhất trong cuộc sống như tình yêu, trắc nghiệm tâm lý...

Với đề tài Tiêm vắc–xin cho muỗi được thí sinh Phạm Hà My – Chuyên viên nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford tại Việt Nam trình bày một cách hài hước, nhẹ nhàng, đưa những kiến thức kĩ thuật đến gần hơn với khán giả phổ thông.
5
Phạm Hà My trình bày đề tài Tiêm vaccine cho muỗi tại đêm chung kết

Theo Hà My, con muỗi vằn có mang trong mình “vi khuẩn bỏng ngô”, có khả năng ức chế sự phát triển của vi rút sốt xuất huyết. Nếu như điều chế thành công vắc xin từ vi khuẩn bỏng ngô và tiêm cho loài muỗi vằn, chúng ta có thể kiểm soát và tiêu diệt virút sốt xuất huyết, con muỗi vằn không còn là vật trung gian truyền bệnh nữa. Nghiên cứu này đã được thử nghiệm ở đảo Trí Nguyên (Khánh Hòa, Việt Nam) và thành công.

Với bài thuyết trình đầy ấn tượng và màn trả lời câu hỏi đầy sức thuyết phục, thí sinh Phạm Hà My đã giành chiến thắng trong cuộc thi để giành tấm vé tới Vương quốc Anh tham dự vòng chung kết toàn cầu FameLab International Final tại Liên hoan Khoa học Cheltenham vào tháng 6/2017.

Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao Giải Nhì: Nguyễn Thị Hải Hoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐH Quốc gia Hà Nội với đề tài " Phương pháp điều trị ung thư bằng nhiệt từ trị"; Giải Ba: Trịnh Bá Thông, Sinh viên trường ĐH Sư Phạm, ĐH Thái Nguyên với đề tài " Ứng dụng các hạt nano quang học trong đánh dấu y sinh các tế bào ung thư và Lê Văn Đây sinh viên trường Đh Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng với đề tài" Định vị người cao tuổi".  Thí sinh được yêu thích nhất: Hoàng Tiến Đạt và Đặng Minh Trang