Chuẩn nghề nghiệp Giảng viên Sư phạm: Hành trình và đích đến

16:18 05/03/2018     503

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Như chúng ta đã biết, nghề Sư phạm là một nghề cao quý của xã hội, trước sự đổi mới không ngừng của việc dạy và học. Những năm qua, Bộ Giáo dục Đào tạo đã không ngừng đầu tư, đổi mới và thi hành những chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên ở các cơ sở đào tạo ngành Sư phạm.
Ban Biên tập xin giới thiệu bài viết của 01 sinh viên đánh giá về chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm.

Đây là một nội dung thể hiện suy nghĩ của sinh viên đối với việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư ban hành chuẩn Giảng viên sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 26/2/2018,về Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm. Quy định này áp dụng đối với giảng viên các trường ĐH Sư phạm, CĐ Sư phạm (gọi chung là cơ sở đào tạo giáo viên) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Với quyết tâm xây dựng ngành Sư phạm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, trong nhiều năm qua, Bộ Giáo dục Đào tạo đã không ngừng đầu tư, đổi mới và thi hành những chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên ở các cơ sở đào tạo ngành Sư phạm. Trong đó, Bộ Giáo dục Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư quy định Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm. Quy định này áp dụng đối với giảng viên các trường ĐH Sư phạm, CĐ Sư phạm và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Cùng với đó, Dự thảo đã đưa ra 5 tiêu chuẩn, 18 tiêu chí cho giảng viên sư phạm. Đây thực sự là một việc làm khoa học và ý nghĩa. Từ bộ chuẩn này, chúng ta có thể hình dung đầy đủ, toàn diện về giảng viên sư phạm với những tiêu chuẩn về phẩm chất nghề nghiệp, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực nghiên cứu khoa học, xây dựng môi trường dân chủ và năng lực phát triển quan hệ xã hội.

Bản thân là một sinh viên ngành sư phạm đã được đi tình nguyện và thực tập đứng lớp, Ngọc Yến hiểu và cũng đánh giá cao về dự thảo: “Là một sinh viên sư phạm, tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của dự thảo và mong muốn dự thảo sớm được thực hiện, bởi chuẩn giảng viên sư phạm với những tiêu chuẩn, tiêu chí, cách đánh giá rõ ràng, cụ thể chính là một giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, yếu tố cơ bản để thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng”, Ngọc Yên chia sẻ.

Đánh giá về các tiêu chuẩn, tiêu chí, đặc biệt là các mức phát triển năng lực được đưa ra rất hợp lý và sát với tình hình thực tế, Nguyễn Thị Ngọc Yến cho rằng: Các tiêu chuẩn này sẽ là thước đo đánh giá chất lượng của một giảng viên đúng nhất và hiệu quả nhất. Thông qua kết quả đánh giá, cơ sở đào tạo có thể nhận định chính xác, sàng lọc được những giảng viên có thể đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn về năng lực, phẩm chất, giúp môi trường đào tạo sư phạm thực sự đạt chất lượng cao.

“Đọc bộ chuẩn này, tôi rất tâm đắc với tiêu chuẩn 4 và 5: xây dựng môi trường dân chủ và năng lực phát triển quan hệ xã hội Có thể nói 2 tiêu chuẩn này thể hiện đầy đủ vai trò toàn diện của giảng viên sư phạm trong nhà trường và xã hội. Nếu tiêu chuẩn 4 nhấn mạnh mối quan hệ của giảng viên với cơ sở đào tạo, với người học, đặc biệt chú trọng việc tạo ra một môi trường sư phạm thực sự dân chủ và sáng tạo thì tiêu chuẩn 5 đánh giá vai trò của giảng viên trong xã hội, đặc biệt đối với giáo dục phổ thông và các tổ chức nghề nghiệp”, Ngọc Yến nói.
Chương trình “Tặng hoa nhà giáo vùng cao” của giảng viên và sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên tại Đồng Văn, Hà Giang.
Chương trình “Tặng hoa nhà giáo vùng cao” của giảng viên và sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên tại Đồng Văn, Hà Giang.

Là sinh viên đang theo học ngành sư phạm tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, bản thân Ngọc Yến cho rằng: Ban Giám hiệu nhà trường trong nhiều năm qua đã tích cực, chủ động đổi mới chương trình, nội dung đào tạo. Sinh viên được tham gia vào quá trình đào tạo, đặc biệt được học tập trong một môi trường dân chủ và sáng tạo.

“Chúng tôi được học tập, làm việc với nhiều giảng viên năng động, tâm huyết với những phương pháp dạy học mới mẻ, hiệu quả. Chúng tôi được chủ động đề xuất, chủ động học tập, chủ động tạo cơ hội cho mình trong quá trình học và nghiên cứu. Đặc biệt, nhà trường luôn khuyến khích sinh viên tăng cường trải nghiệm môi trường giáo dục phổ thông để bắt kịp đổi mới chương trình, sách giáo khoa và đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp. Một điều đáng nhớ trong hành trang sinh viên của chúng tôi chính là những hoạt động xã hội ý nghĩa mà sinh viên chúng tôi được tham dự, được tổ chức: chương trình Tặng hoa nhà giáo vùng cao ở Hà Giang, xây tặng trường học tại Điện Biên, Xuân yêu thương tại Cao Bằng… và nhiều hoạt động cộng đồng khác. Trải nghiệm của một sinh viên năm thứ 3 giúp chúng tôi hiểu rằng, các thầy cô đang dẫn dắt chúng tôi trên hành trình trở thành một nhà giáo mẫu mực mà đích đến tôi đọc được đằng sau những con chữ ở chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm. Bởi môi trường sư phạm là nơi đào tạo ra các thế hệ nhà giáo tương lai - những người sẽ ươm mầm và đánh thức hoài bão của bao lớp thế hệ học trò nên hơn ai hết, giảng viên sư phạm thực sự phải là hình ảnh đẹp về người, về nghề”. Ngọc Yến chia sẻ.

Ngay từ những ngày còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường và giờ đã sinh viên năm 03 ngành sư phạm, bản thân Yến luôn ý thức được trách nhiệm của mình. “Hành trình của chúng tôi còn nhiều chông gai, thử thách nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực phấn đấu. Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm là một động lực lớn, giúp chúng tôi định hướng rõ ràng hơn về con đường mình đã chọn và tôi tin, đích đến không còn xa”. Nguyễn Thị Ngọc Yến nhắn nhủ.

Theo đó, chu kỳ đánh giá Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạmnhư sau: Giảng viên thực hiện tự đánh giá hàng năm.

Khoa, bộ môn trực thuộc tổng hợp kết quả tự đánh giá hàng năm của giảng viên trong đơn vị, xác nhận kết quả, gửi bộ phận Tổ chức cán bộ, lưu hồ sơ quản lý giảng viên.

Theo chu kỳ 3 năm, khoa, bộ môn trực thuộc tổ chức đánh giá giảng viên dựa trên những kết quả tự đánh giá của giảng viên và minh chứng mà giảng viên có, tổng hợp kết quả, xếp loại giảng viên, chỉ rõ những mặt mạnh và mặt tồn tại của giảng viên trong đơn vị, xây dựng kế hoạch khắc phục, kế hoạch bồi dưỡng của đơn vị. Trình kết quả đánh giá cho Hội đồng đánh giá cấp trường để xem xét, phê duyệt.

Hội động đánh giá của cơ sở đào tạo giáo viên do Hiệu trưởng làm chủ tịch Hội đồng tổ chức họp đánh giá giảng viên 3 năm một lần. Hội đồng họp, thông qua kết quả đánh giá của các đơn vị, xem xét vấn đề xếp loại giảng viên, thảo luận và biểu quyết phê duyệt kết quả đánh giá, trình Hiệu trưởng phê duyệt.

Về lộ trình thực hiện Chuẩn: Giai đoạn 2018 – 2020: Sử dụng kết quả đánh giá hằng năm để xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cho giảng viên.

Giai đoạn từ 2021 trở đi: Ngoài việc sử dụng kết quả đánh giá hằng năm để xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cho giảng viên, kết quả đánh giá theo chuẩn sẽ được sử dụng để thực hiện cả trong việc tuyển dụng, điều động, luân chuyển giảng viên.

Nguyễn Thị Ngọc Yến, Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên