Cậu học trò đi bằng đầu gối ước trở thành giáo viên
12:12 13/01/2016 896
Hoạt động Hội, Đội Bị sốt rét dẫn đến dị tật teo cả hai chân, phải đi bằng đầu gối từ năm 3 tuổi, nhưng Hồ Văn Đào vẫn không từ bỏ trường lớp, nuôi ước mơ trở thành giáo viên tin học.
Hồ Văn Đào năm nay 15 tuổi, là học sinh lớp 9 trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Pa Nang (huyện Đăkrông, Quảng Trị). Nhà ở bản Ngược của xã Pa Nang, cách trường 20 km, hành trình đến trường của Đào là cả câu chuyện dài.
Sinh ra trong gia đình dân tộc thiểu số ở xã giáp biên giới Việt - Lào, năm 2 tuổi Đào gặp bất hạnh khi ba mất do tai nạn bom mìn trong lúc lao động. Năm 3 tuổi, Đào bị sốt rét, phải nhập viện. Bệnh tình của em ngày một nặng, các bác sĩ khuyên chuyển lên tuyến trung ương ở TP Huế điều trị. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn buộc gia đình đưa em về tự chữa trị bằng thuốc dân gian.
Sinh ra trong gia đình dân tộc thiểu số ở xã giáp biên giới Việt - Lào, năm 2 tuổi Đào gặp bất hạnh khi ba mất do tai nạn bom mìn trong lúc lao động. Năm 3 tuổi, Đào bị sốt rét, phải nhập viện. Bệnh tình của em ngày một nặng, các bác sĩ khuyên chuyển lên tuyến trung ương ở TP Huế điều trị. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn buộc gia đình đưa em về tự chữa trị bằng thuốc dân gian.
Đào ước mơ trở thành giáo viên tin học |
Sau thời gian dài chữa trị, bệnh sốt rét của Đào thuyên giảm nhưng để lại di chứng khiến 2 chân co quắp, teo cơ, không phát triển. Từ đó, Đào “thấp” hơn bạn cùng lứa một cẳng chân và phải tập đi bằng đầu gối.
Đến tuổi vào lớp 1, gia đình không cho em đến trường vì suy nghĩ đôi chân của em bị tật. Nhìn các bạn bi bô con chữ, nô đùa ở lớp học trong thôn, Đào rất thích nên một mực đòi mẹ đưa đến lớp.
“Tôi bận nương rẫy, không thể đưa con đến lớp hàng ngày nên nghĩ cháu chỉ đi học vài bữa rồi tự nghỉ. Không ngờ cháu học hành cho đến bây giờ”, chị Hồ Thị Mó, mẹ Đào nhớ về lúc chiều lòng con đưa đến lớp.
5 năm tiểu học, Đào tự lết đầu gối đến trường. Lên cấp 2, trường cách nhà 20 km, không thể đi bộ được. Thầy Hồ Ngọc Vương, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Pa Nang, khi vào các thôn bản vận động học sinh đến lớp, nghe kể về hoàn cảnh của Đào, đã xin phép gia đình đón em về ăn ở chung với các thầy ngay tại trường để tiện việc học hành.
Em Hồ Văn Đào tự tin đến lớp cùng bạn bè |
Nhờ đó mà 4 năm qua, Đào trở thành “con nuôi” của các thầy. “Các thầy giúp em tiếp tục đi học nên em nỗ lực học để không phụ ơn thầy cô”, Đào nói. Do không thể đứng và đi lại như bình thường, cậu học trò tự chế đôi dép có 3 quai thắt vào bắp chân và trên đầu gối rồi lết đi khá nhanh.
Năm nào Đào cũng là học sinh khá, nằm trong tốp đầu của lớp và trường. Thầy Lê Thanh Tùng, Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Nhờ sự tận tình chăm sóc của giáo viên, Đào có sự tiến bộ rõ rệt, từ chỗ nhút nhát em đã tự tin hơn, hòa nhập tốt hơn với các bạn”. Thầy Tùng mong muốn Đào được một suất đặc cách vào trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh để theo học tiếp cấp 3.
Chia sẻ về mơ ước, cậu học trò với nước da rám nắng nói: “Em muốn trở thành giáo viên dạy tin học, sau này trở về bản làng, dạy học cho các em nhỏ trong thôn bản”.