16 ý tưởng có tính khả thi cao cho ngành giáo dục

10:08 05/01/2017     1326

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Trong số 16 công trình xuất sắc nhất vừa được công bố của chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục", có đến 9/16 công trình là các sáng chế dụng cụ đồ dùng học tập, 06 công trình còn lại là các ý tưởng về phương pháp học và nghiên cứu giáo dục.
Theo thông tin từ chương trình, dựa theo 02 tiêu chí là tính mới (chưa được công bố bởi tổ chức/cá nhân nào) và tính khả thi (có khả năng ứng dụng và nhân rộng trong thực tiễn cao), từ hơn 260 công trình tham gia dự thi, ban giám khảo đã lựa chọn 16 công trình xuất sắc nhất của Tri thức trẻ vì giáo dục 2016.
Công trình “Bộ bàn ghế học sinh với 15 ứng dụng thông minh” của tác giả Đoàn Trần Đức Hải – một tác giả công tác ngoài ngành giáo dục cũng góp mặt trong vòng chung kết
Công trình “Bộ bàn ghế học sinh với 15 ứng dụng thông minh” của tác giả Đoàn Trần Đức Hải – một tác giả công tác ngoài ngành giáo dục cũng góp mặt trong vòng chung kết


Theo đánh giá của ban giám khảo, điểm nổi bật của các công trình lọt vào chung kết là đều có tính khả thi và với khả năng nhận rộng trong thực tế cao nếu nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Thêm vào đó, với 9/15 công trình thuộc lĩnh vực sáng chế dụng cụ học tập/thí nghiệm, Tri thức trẻ vì giáo dục hi vọng rằng các ý tưởng từ chương trình sẽ góp phần giải bài toán khó “học chay” của ngành giáo dục hiện nay.

Ban giám khảo sơ khảo cuộc thi cho biết thêm rằng trong số 260 công trình dự thi, nhiều bài dự thi có chất lượng cao nhưng không thể đi sâu vào vòng chung kết vì vi phạm tính mới, tức là đã được công bố bởi các tổ chức/cá nhân.

Đáng chú ý, các tác giả của 15 công trình vào vòng chung kết không chỉ là giáo viên, học sinh mà còn là các trí thức trẻ đang công tác ngoài ngành giáo dục. Mỗi công trình vào vòng chung kết sẽ nhận giải thưởng 10 triệu đồng/công trình.

Vào ngày 13/11 tại Hà Nội, tác giả của 16 công trình xuất sắc nhất cuộc thi sẽ có buổi thuyết trình và phản biện trước ban giám khảo chung khảo. Dựa vào buổi phản biện này, ban giám khảo sẽ chọn tối đa 05 công trình tiêu biểu nhất với giải thưởng trị giá 100 triệu đồng/giải.

Ban giám khảo uy tín của vòng chung khảo cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục 2016  bao gồm: Ông Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Nguyễn Sỹ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Ông Trần Quang Quý, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Ông Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội; Bà Tạ Bích Loan, Trưởng Ban Thanh thiếu niên VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam.

Đại diện Ban tổ chức chương trình, Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa - Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long cho biết 260 bài dự thi gửi về ngay trong năm đầu tiên là một tín hiệu rất đáng mừng và tích cực. Mừng vì dù chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục chỉ mới được tổ chức trong năm đầu tiên nhưng đã đón nhận được sự tham gia, hưởng ứng ngay từ đầu của cộng đồng và xã hội. Tích cực vì đây là cơ hội để tri thức trẻ thể hiện tâm huyết của mình đối với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt trước những vấn đề nóng của giáo dục hiện nay rất cần được giải quyết trên cơ sở khoa học và có sự nghiên cứu thấu đáo.

Lễ tổng kết và trao giải chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục 2016 sẽ diễn ra vào ngày 14/11/2016 tại Hà Nội. Trong chuỗi hoạt động của lễ trao giải, các tác giả của 16 công trình lọt vào vòng chung kết sẽ có cơ hội gặp mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo để thể hiện nguyện vọng và đề xuất ý kiến đóng góp cho ngành giáo dục.

Danh sách 16 công trình được chọn vào vòng chung kết Tri thức trẻ vì giáo dục 2016 (theo thứ tự ngẫu nhiên) bao gồm:

1. Áo kiến thức  - Tác giả/nhóm tác giả: Ma Quốc Đảo
2. Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học   - Tác giả/nhóm tác giả: Lê Thị Bé Nhung
3. Bộ tiêu bản phục vụ giảng dạy môn sinh học ở trường Trung Học Phổ Thông (THPT) - Tác giả/nhóm tác giả: Vũ Thị Bích Huyền
4. Công cụ giám sát học tập Supervicon phục vụ quản lý và đánh giá chất lượng giờ học - Tác giả/nhóm tác giả: Nguyễn Minh Quang
5. Vận dụng tối ưu dạy học tích hợp định hướng phát triển năng lực người học - Tác giả/nhóm tác giả: Nguyễn Anh Đức
6. Ứng dụng Công nghệ mô phỏng Thực tại ảo 3D xây dựng hệ thống hỗ trợ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu cho Sinh viên và Giảng viên khối ngành khoa học sức khỏe - Tác giả/nhóm tác giả: Lê Văn Chung
7. Nghiên cứu chiết tách Anthocyanin từ hoa dâm bụt ứng dụng làm giấy chỉ thị an toàn trong phân tích hóa học - Tác giả/nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thùy Linh
8. Phần mềm "Trợ thủ học tập" ứng dụng trên di động - Tác giả/nhóm tác giả: Phạm Nguyễn Anh Ngữ
9. Thiết kế, chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học Vật lý ở trường phổ thông - Tác giả/nhóm tác giả: Nguyễn Quốc Huy
10. Nghiên cứu xây dựng hệ thống các bài thực hành hóa học ở trường THPT theo mô hình định hướng sản phẩm - Tác giả/nhóm tác giả: ThS Đặng Thị Thu Minh
11. Hệ thống báo kết quả tự động phục vụ bài bắn chuyên ngành Cảnh sát đặc nhiệm - Tác giả/nhóm tác giả: Trương Đức Thuận
12. Bộ bàn ghế học sinh với các ứng dụng thông minh - Tác giả/nhóm tác giả: Đoàn Trần Đức Hải
13. Ứng phó biến đổi khí hậu - mô hình dạy và học định hướng phát triển bền vững - Tác giả/nhóm tác giả: Vũ Bích Phương
14. Xây dựng học liệu tiếng anh chủ đề bảo vệ tài nguyên môi trường biển hải đảo - Tác giả/nhóm tác giả: Phạm Ngọc Đức
15. Mô hình xây dựng CLB Tim mạch định hướng chuyên khoa cho sinh viên Y Dược - Tác giả/nhóm tác giả: Thừa Thiên Huế
16. Máy tính bỏ túi - Tác giả/nhóm tác giả: Hồ Hoàng Nam - Tỉnh Bình Phước