Phải coi học nghề là rất bình thường
22:23 10/12/2017 1414
Hoạt động Hội, Đội Đối thoại với 125 đại biểu tại diễn đàn khởi nghiệp - việc làm chiều 10-12, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết năm 2018 Bộ này sẽ chọn giáo dục nghề nghiệp là khâu đột phá, với nhiều giải pháp mạnh mẽ…
Không khí diễn đàn về việc làm hào hứng ngay từ đầu khi bộ trưởng Đào Ngọc Dung mở đầu: "Tôi vui, phấn khởi và hạnh phúc khi được gặp gỡ, đối thoại với 125 đại biểu dự ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XI. Đề nghị trao đổi thẳng thắn, những gì ở cơ sở cần đến ngành lao động, cần đến Chính phủ, các bộ ngành thì nêu lên nhằm làm tốt nhất chức trách của mình. Qua đây, góp thêm những sáng kiến, ý tưởng mới để ngành lao động làm tốt nhất".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi tại diễn đàn |
Thanh niên cần vốn, thông tin thị trường
Đại biểu Nguyễn Trung Hiếu (TP.HCM), một chủ trang trại giống thủy sản, cho biết trong lĩnh vực sản xuất giống cá thì diện tích nhỏ hẹp thì khó sản xuất, phát triển nên muốn thuê thêm quỹ đất công để thanh niên (TN) trong lĩnh vực nông nghiệp có thể phát huy năng suất. Mong được hỗ trợ 100% lãi suất khi đi vay ngân hàng. Mong được hợp tác với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực để phát triển nghề ra cả quốc tế.
Đại biểu Trần Thị Hồng Hạnh (Bí thư đoàn xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM), cho rằng SV ra trường thất nghiệp, làm trái ngành nghề đào tạo nên cần được quan tâm hướng nghiệp, tư vấn việc chọn ngành nghề. Cần quan tâm đến việc cập nhật thị trường lao động cho giới trẻ, tư vấn hướng nghiệp…
"Nhiều gameshow giải trí trên truyền hình, thì cũng nên có thêm nhiều sân chơi bổ ích để giới trẻ học hỏi, hay có thông tin thị trường…" - đại biểu nữ đoàn TP.HCM nêu ý kiến.
Đại biểu Thân Trung Kiên, phó bí thư tỉnh đoàn Bắc Giang, phát biểu ý kiến |
Đại biểu Thân Trung Kiên, phó bí thư tỉnh đoàn Bắc Giang cho biết thanh niên nông thôn rất khó trong tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm. Vì thế đại biểu Kiên đề nghị Bộ LĐTB&XH và Ngân hàng Chính sách xã hội tạo một kênh vốn để đoàn được bố trí giải ngân mà không phụ thuộc vào trung ương nữa.
Đại biểu Nguyễn Văn Linh, Phó bí thư thị đoàn Mường Lay (Điện Biên), cho biết việc dạy nghề cho học sinh hiện chỉ là "thầy đọc trò chép", dạy và học không bám vào thực tiễn, nên cần tăng chất lượng dạy nghề, giáo dục định hướng...
Trước các thắc mắc, câu hỏi của thanh niên, đồng chí Nguyễn Thế Phương, thứ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư, cho rằng khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo đang được xúc tiến mạnh mẽ để đưa vào hiện thực. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hay nghị quyết của Chính phủ cũng đã quan tâm đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, với những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ cho khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo.
Để giúp thanh niên kỹ năng, kinh nghiệm, vốn thì Chính phủ cũng đã có định hướng trong việc thúc đẩy thành lập các mạng lưới cố vấn, tư vấn, cung cấp các dịch vụ về quản trị cho doanh nghiệp. Các bộ, cơ quan ngang bộ cũng phải xây dựng mạng lưới để tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ KH&&ĐT cũng đang có dự thảo về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua hệ thống mạng lưới tư vấn này. Các tổ chức tư vấn sẽ được công bố công khai trên các trang thông tin của Chính phủ, Bộ KH&ĐT.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương trả lời tại diễn đàn |
Giảm lý thuyết, tăng thực hành
Có quá nhiều cánh tay giơ lên đặt câu hỏi, vì thế những người chủ trì giải đáp một mạch không nghỉ giải lao.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng thanh niên bây giờ phải có việc làm, có thu nhập chính đáng, phải được vui chơi và phát triển. Tổng thể thì thanh niên phải học tập, rèn đức luyện tài, lập thân kiến quốc.
"Tâm lý chung của giới trẻ là học ĐH, cái đó chính đáng, cần khuyến khích, nhưng phải căn cứ xem mình có năng lực không, điều kiện kinh tế có cho phép không?"
Bộ trưởng nêu và ông tự giải thích: "tôi được biết, và điều này báo Tuổi Trẻ cũng từng viết ở TP.HCM có nhiều em đỗ ĐH, nhưng các em lại xuống học nghề du lịch, nấu ăn. Khi đó gia đình phản đối, nhưng nay ủng hộ vì các bạn đó chọn nghề đúng, nên học nghề có đam mê, đạt thành tích, thành công trong lĩnh vực. Học ĐH là chính đáng nhưng không phải là con đường duy nhất lập thân lập nghiệp. Tôi mong cán bộ đoàn tuyên truyền cho học sinh là học tập suốt đời, nhưng phải chú trọng khâu chọn nghề, vì nghề theo mình cả đời".
Bộ trưởng Dung cho biết bộ này xác định 2018 sẽ là đột phá của ngành lao động trong giáo dục nghề nghiệp. Bộ đang lấy ý kiến về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục với 10 giải pháp lớn.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, giáo dục nghề nghiệp trong năm 2018 sẽ là khâu đột phá của ngành lao động. Ảnh TTO |
Các giải pháp sẽ tập trung để thu hút đông học sinh vào các trường nghề chứ không chỉ con số 2 triệu học viên/năm như hiện nay. "Học nghề thì ra trường phải có việc làm, có thu nhập, và học nghề được liên thông lên bậc cao hơn"-ông Dũng nói.
Bộ trưởng Dung nhấn mạnh: làm sao để xã hội coi giáo dục nghề nghiệp là rất bình thường, chứ như bây giờ, có chuyện một Công ty Nhật vào tuyển người ở Quảng Ngãi. Hơn 200 người thi tuyển, trong đó có nhiều người có bằng ĐH, thậm chí có cả thạc sĩ, tiến sĩ. Họ tuyển lấy được 50 người thì có đến 49 người học ở trường nghề Dung Quất, bởi các bạn này đáp ứng được yêu cầu về nghề nghiệp của Nhật Bản.
Từ câu chuyện này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết trong giáo dục nghề nghiệp thời gian tới, "Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH sẽ chỉ đạo để giảm lý thuyết, tăng thực hành. Học viên có ý định ra trường làm ở đâu thì trường giới thiệu về doanh nghiệp đó thực hành thực tập. Sẽ tiến hành giao cho nhà trường được tự chủ trong thuê hiệu trưởng, tự chủ về taì chính. Nhà trường cũng được quyết về chương trình. Giáo viên trường nghề sẽ được đưa ra nước ngoài để đào tạo. Có như vậy mới có những công nhân có trình độ chuyên môn tốt, tay nghề giỏi".