Cán bộ phụ trách thiếu nhi góp ý xây dựng dự thảo báo cáo Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI
23:21 07/05/2017 1819
Hoạt động Hội, Đội Web.ĐTN: Sáng 07/5, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức hội nghị góp ý vào dự thảo báo cáo Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI cán bộ phụ trách thiếu nhi. Đồng chí Nguyễn Long Hải - Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương chủ trì hội nghị.
Hội nghị đã tập trung lấy ý kiến các đại biểu về các nội dung: Cho ý kiến góp ý vào kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022, xác định các thành công chính, nguyên nhân, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ trước; Chi ý kiến vào chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong công tác Đoàn và phong trào thiếu nhi giai đoạn 2017 - 2022; Phân tích, đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác phụ trách Đội, chăm sóc giáo dục thiếu niên, nhi đồng nhiệm kỳ 2012 - 2017; Tập trung trí tuệ đề xuất nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong bối cảnh , tình hình nhiệm kỳ tới, đặc biệt đóng góp các ý kiến và giải pháp nhằm xác định các trọng tâm phong trào lớn xuyên suốt nhiệm kỳ, việc đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức Đội, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ; công tác tham mưu phối hợp xây dựng, thực hiện cơ chế chính sách và các điều kiện nguồn lực tăng cường thúc đẩy công tác Đội và phong trào thiếu nhi, các giải pháp mới trong phát huy vai trò Đoàn phụ trách Đội...
Quang cảnh hội nghị |
Tại Hội nghị, vấn đề xây dựng kỹ năng, đồng hành, hỗ trợ các thiếu nhi phòng chống đuối nước, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích được các đại biểu bàn luận sôi nổi.
TS Nguyễn Hữu Mười, Hiệu trưởng trường đội Lê Duẩn giáo dục kỹ năng cho các em là vấn đề luôn được trường Đội Lê Duẩn quan tâm phát triển. Hiện, trường Đội Lê Duẩn đang triển khai mô hình “Cuộc sống quanh em”, nhằm xây dựng kỹ năng sống (bao gồm những kỹ năng bảo vệ bản thân trước các tình huống: Điện giật, đuối nước, băng bó vết thương và giá trị sống cho các em (ước mơ của em, tình yêu gia đình, nụ cười của em, sống lạc quan). Theo TS Nguyễn Văn Mười, giá trị sống là nền tảng của kỹ năng sống. Gia đình, nhà trường và xã hội biết dạy, bồi đắp hàng ngày cho các em những giá trị sống tốt đẹp sẽ giúp các em hình thành những kỹ năng sống, làm chủ trước mọi biến động của cuộc sống.
Đồng tình với TS Mười, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) thẳng thắn cho rằng, đoàn thanh niên, trong đó có cán bộ Đội chưa thực sự tích cực, phát huy được vai trò của mình trong việc phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, đuối nước. Theo ông Nam, điều đó một phần xuất phát từ việc Đoàn chưa phát huy đầy đủ vai trò giám sát, phản biện xã hội của mình để kêu gọi các cấp, ban ngành cũng đồng hành, chung tay giải quyết các vấn đề liên quan thanh thiếu nhi.
Bày tỏ trăn trở về các chỉ tiêu báo cáo đưa ra, đồng chí Hồng Nhung - Hội đồng Đội tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn sẽ có 1 chỉ tiêu dành cho thiếu nhi bám sát 2 đề án "Nâng cao năng lực tiếng Anh" và "Phòng chống tai nạn đuối nước trong trẻ em" trên tổng số 11 chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, chị Nhung cũng kiến nghị báo cáo nên bổ sung thêm 1 đề án dành cho thanh niên tình nguyện để thúc đẩy và hỗ trợ phong trào này là một trong các đề án trọng điểm.
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị |
Hội nghị cũng nhân được nhiều ý kiến thể hiện sự trăn trở, hiến kế để các em thiếu nhi sử dụng mạng xã hội một cách trong sáng, lành mạnh. Cô giáo Nguyễn Thị Hương - Tổng phụ trách Liên đội trường THCS Dương Liễu, Hoài Đức (Hà Nội) cho rằng, hiện facebook gần như “phủ sóng” giới trẻ, thế nhưng thực tế tổ chức Đoàn chưa có mô hình hoạt động nào liên quan đến mạng xã hội. Theo Tổng phụ trách Liên đội trường THCS Dương Liễu, giúp các em làm chủ bản thân, sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh là việc không hề đơn giản. Bởi mạng xã hội là một thế giới phức tạp, các em còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm. Vì thế khi gặp những “cú sốc” từ mạng xã hội nhiều em đã không vượt qua được, thực tế đã cho thấy nhiều vụ tự tử của học sinh xuất phát từ những tác động tiêu cực của mạng xã hội. “Vì vậy tôi mong muốn Đoàn thanh niên phối hợp với các ban ngành liên quan lập trang web có sự hỗ trợ của các chuyên gia thuộc các lĩnh vực đặc biệt là chuyên gia tâm lý, để khi các em gặp bất cứ chuyện gì trên mạng xã hội, các em đều có thể vào trang web này tìm sự hỗ trợ, tư vấn, tháo gỡ từ các chuyên gia. Từ đó sẽ hạn chế được những hậu quả đáng tiếc cho các em”.
Thẳng thắn chia sẻ tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn - nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương đánh giá nội dung dự thảo báo cáo chính trị ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022 chưa thật sự phù hợp và đổi mới lắm, đặc biệt là giáo dục chính trị. Báo cáo chưa đề cập việc giáo dục thiếu nhi hội nhập Quốc tế. “Trong thời đại bùng nổ thông tin, hội nhập quốc tế sâu rộng, phải làm sao để thiếu nhi tham gia, hòa nhập với cộng đồng, thế giới một cách tốt nhất. Giúp các em có kiến thức, sự tự tin, tự lập khi vươn ra biển lớn” - đồng chí Nguyễn Văn Sơn nói.