'Mê trận' phòng trọ với tân sinh viên
09:54 11/09/2015 1191
Hoạt động Hội, Đội Đến hẹn lại lên, cứ vào thời điểm đầu năm học mới, tại các thành phố lớn lại xuất hiện tình trạng “sốt” nhà trọ cho sinh viên (SV). Nhiều khu vực ở Hà Nội, TPHCM dù phòng trọ chật chội, ẩm thấp nhưng nhiều chủ nhà vẫn tìm mọi cách để đẩy giá, vòi tiền SV.
Sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Hoa đang liên hệ với thông tin cho thuê nhà trọ được dán trên tủ phân phối điện hạ thế. Ảnh: P.V. |
Hà Nội: Nửa tấn lúa bằng một tháng tiền phòng
Vào đầu năm học mới, nhiều tân SV từ các vùng quê khác nhau về Hà Nội học tập nháo nhác tìm phòng trọ. Theo khảo sát của PV Tiền Phong trên địa bàn các quận, huyện: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Cổ Nhuế, Gia Lâm... KTX các trường ĐH, CĐ đều trong tình trạng quá tải. Nguyễn Hải Anh, quê Nghệ An, SV năm nhất Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG HN) đang cùng chị gái tìm phòng trọ quanh trường. Hải Anh cho biết, vào nhập học, cô đang ở nhờ nhà chị ở Hà Đông. Sau 2 ngày tìm kiếm, Hải Anh vẫn chưa tìm được chỗ trọ.
“Có được một chỗ ở trong KTX là mong muốn của nhiều SV xa quê vì giá cả hợp lý, các dịch vụ thiết yếu đi kèm luôn được bảo đảm. Nhưng do các phòng ở trong KTX chỉ đủ chỗ cho những SV thuộc diện chính sách nên tôi dù quê xa vẫn phải tự đi thuê nhà. “Các phòng trọ ở gần trường tôi xem giá từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng, chưa kể điện nước. Tính ra hơn cả nửa tấn lúa bố mẹ làm vất vả ở quê mới đủ thuê trọ một tháng”, Hải Anh cho biết.
Sinh ra trong gia đình nghèo ở Hà Tĩnh, bố mẹ Hoàng Anh Vũ phải cùng lúc nuôi hai anh em ăn học ĐH, nên Vũ, sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH Điện lực Hà Nội chọn ở phòng trọ là gác lửng ở hành lang cầu thang tầng 2 của căn nhà 3 tầng (phường Cổ Nhuế 2). “Phòng này thuê 900 nghìn đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nước, phòng trọ ở xa trường, chật chội, chỉ để được một chiếc phản nhỏ và bàn học là chật cứng. Em ở cùng với bạn cho đỡ tốn tiền, vì gia đình chỉ có thể chu cấp được 1,5 triệu đồng/tháng”, Vũ bộc bạch.
“Tôi tưởng người thanh niên là chủ nhà nên đồng ý đi theo đến khu trọ. Nhưng đến xem phòng trọ xa trường, lụp xụp nên không thuê. Ra về, người thanh niên đòi 300 nghìn tiền công môi giới. Bị mất tiền oan mà phòng thì vẫn chưa thuê được”Đào Thị Huê, SV năm thứ nhất Trường ĐH Công Đoàn Hà Nội
Những SV đi thuê nhà, hầu hết lần đầu tiên đặt chân đến Thủ đô nên chuyện bị chủ nhà trọ bắt chẹt, nâng giá là không hiếm. Tình trạng bị lừa, mất tiền oan cho “cò” cũng diễn ra thường xuyên. Đào Thị Huệ, SV năm thứ nhất Trường ĐH Công đoàn Hà Nội cho biết, được thông tin trên tờ rơi “có phòng trọ cho thuê với giá 1,1 triệu đồng” kèm theo số điện thoại. Khi gọi điện thì một thanh niên đến đưa cô đi xem nhà. “Tôi tưởng người thanh niên là chủ nhà nên đồng ý đi theo đến khu trọ. Nhưng đến xem phòng trọ xa trường, lụp xụp nên không thuê. Ra về, người thanh niên đòi 300 nghìn tiền công môi giới. Bị mất tiền oan mà phòng thì vẫn chưa thuê được”, Huệ búc xúc.
Vừa thuê được phòng trọ, nhưng Nguyễn Quang Đại, SV năm thứ nhất Học viện Nông nghiệp rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười”. “Khi thuê phòng bà chủ bảo đóng tiền theo từng tháng. Thấy phòng giá cả hợp lý, mình đồng ý thuê và đóng trước 2 triệu đồng tiền đặt cọc phòng theo yêu cầu của chủ nhà. Nhưng vừa đến ở, chủ nhà lật lọng bắt phải ký hợp đồng tiền phòng đóng 6 tháng một lần. Tôi không đồng ý, bà chủ nhà bảo thế phải dọn đồ ra khỏi phòng và mất luôn tiền đặt cọc. Nhưng nếu đóng 6 tháng liền, gia đình làm nông lấy đâu ra tiền”, Đại nói.
'Mê trận' phòng trọ với tân sinh viên - ảnh 1 Sinh viên tình nguyện tìm địa điểm trọ cho tân sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu. |
TPHCM: Nhiều kiểu dẫn dụ, lừa đảo
Khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 hằng năm là thời điểm SV năm thứ nhất bước vào năm học mới ở THPCM. Các chỗ trọ ở gần các trường ĐH, CĐ như Thủ Đức, quận 9, Gò Vấp, Bình Thạnh, quận 10… đều chật cứng người thuê. Nắm được nhu cầu thuê phòng trọ tăng cao, các chủ nhà trọ cũng bắt đầu nâng giá, khiến “cuộc chiến tìm phòng trọ” của tân SV diễn ra gay gắt. Cùng với đó, xuất hiện tình trạng lừa đảo người thuê phòng.
Tại khu vực quận 5, quận 10, từ phòng cũ nát đến phòng mới xây, phòng to đến phòng nhỏ giá thuê đều tăng. Trong khi đó, khu vực gần Trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật, ĐH Ngân hàng, hầu hết các dãy trọ đều kín chỗ, ở đâu chủ trọ cũng lắc đầu hết phòng. Nhiều SV cho rằng, đa phần các dãy trọ đều còn dư phòng, nhưng chủ trọ không cho thuê để tạo cơn “sốt phòng trọ” nhằm tăng giá thuê.
Theo phản ánh của nhiều SV, hiện nay tại TPHCM đã xuất hiện nhiều kiểu dẫn dụ, lừa đảo để gạt tiền SV. Khi SV có nhu cầu tìm nhà trọ, cò (thường là xe ôm móc nối với chủ trọ) sẽ dẫn SV tới nhà trọ để thu khoản phí dẫn đường từ 50 -100 ngàn đồng/lượt. Đóng tiền xong, mỗi nhóm SV có một người đưa đi tìm phòng, đi qua nhiều con hẻm chằng chịt, có nơi báo “vừa hết phòng”, nơi thì bảo “nếu người mới vào chỉ ở ghép cùng 5-6 SV khác, hơi chật ”, thế là nhiều SV chán và bỏ cuộc, một số SV khác chịu đi theo các cò tìm mãi nhưng không tìm được phòng cũng nản và “rơi rụng” dần. Tiền đã vào túi cò, còn SV vẫn phải tiếp tục đi tìm phòng trọ.
Còn nhiều chỗ trọ trong ký túc xá
Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng CTSV – ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết, năm học 2015-2016, trường đã bố trí hơn 1.600 chỗ ở cho sinh viên, thời điểm hiện tại, còn trống khoảng gần 150 chỗ. Trường có 5 tòa nhà KTX, trong đó, miễn phí tiền thuê trọ cho tòa nhà có lưu học sinh ở, bốn tòa còn lại chia theo hai mức thu dựa trên cơ sở vật chất. Đối với tòa nhà cơ sở vật chất còn mới, mức thu là 90 ngàn đồng/tháng/SV; tòa nhà lâu năm là 65 ngàn đồng/tháng/SV.
Năm nay, việc thu tiền trọ KTX theo kỳ học, chứ không theo năm như các năm trước để sinh viên không quá áp lực. Để tạo điều kiện tối đa cho việc học tập của SV, năm nay trường ĐHBK đã liên kết với VNPT nối mạng wifi miễn phí cho toàn bộ 5 tòa nhà. “Trong những ngày cao điểm này, chúng tôi đang rà soát những SV có hoàn cảnh khó khăn để có những chính sách hỗ trợ kịp thời như đề xuất ưu tiên phòng và miễn giảm tiền trọ KTX cho những em đặc biệt khó khăn, xin các suất học bổng”.
Ông Phạm Ngọc Đông, Trưởng ban CTSV ĐH Kiến trúc Đà Nẵng cho biết, Đoàn Trường ĐH Kiến trúc đã tổ chức đội tình nguyện viên gồm 40 thành viên túc trực ở trường tại những ngày cao điểm từ 1-10/9. Các tình nguyện viên có trách nhiệm chở SV đi tìm được chỗ trọ giá rẻ và hướng dẫn làm các thủ tục ở tại KTX. “Tính đến thời điểm 5/9, đã có 527 SV đến ở, chủ yếu ở cơ sở phía Đông với chi phí 85 ngàn đồng/ tháng/SV. Hiện có hơn một ngàn chỗ ở KTX đang trống, sẵn sàng đón tiếp SV”, ông Đông cho biết.
ĐH Quốc gia TPHCM dự kiến đưa vào sử dụng thêm các tòa nhà mới ở khu A mở rộng với sức chứa hơn 6.000 SV, nâng tổng số chỗ ở cho SV toàn KTX hơn 25.000 người ở cả hai khu A và B. ĐH Nông lâm TPHCM, cũng đảm bảo chỗ ở cho hơn 1.300 tân SV trong tổng số 3.800 chỗ toàn KTX. Hai trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM và ĐH Giao thông vận tải (cơ sở 2, TPHCM) cũng dành hơn 1.000 chỗ cho các bạn tân SV. ĐH Ngân hàng TPHCM, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM quỹ chỗ KTX dành cho tân SV cũng khá lớn, từ 500 - 800 chỗ. KTX Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng đã dành hơn 950 chỗ cho tân SV của trường, chiếm 47% quỹ chỗ toàn KTX.