Trung ương Hội LHTN Việt Nam tập huấn phương pháp thực hiện khảo sát về thẻ chấm điểm của người dân
13:31 19/03/2016 1151
Hoạt động Hội, Đội Web.ĐTN: Sáng ngày 18/3, Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hậu Giang tổ chức tập huấn phương pháp thực hiện khảo sát về thẻ chấm điểm của người dân.
Dự án “Thẻ chấm điểm của người dân” thuộc dự án “Nước sạch và vệ sinh môi trường dựa trên kết quả đầu ra” (WASHOBA) sẽ tiến hành khảo sát ý kiến phản hồi của người dân liên quan đến chất lượng dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn. Đồng thời, tham gia thúc đẩy, cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý, chức năng liên quan đến dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường ở địa phương, góp phần tham gia có hiệu quả Cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Anh Nguyễn Bá Tĩnh - Ủy viên Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam phát biểu tại buổi tập huấn |
Trong năm 2016, Dự án sẽ được triển khai từ tháng 3 đến tháng 6/2016 trên địa bàn 05 tỉnh Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hậu Giang. Dự án được chia thành 02 giai đoạn: từ tháng 3–4/2016 thu thập phiếu khảo sát, nhập dữ liệu khảo sát và phân tích kết quả; từ tháng 5–6/2016 tổng hợp báo cáo các tỉnh, tổ chức Hội nghị tổng kết hợp phần thẻ Chấm điểm người dân tại Hà Nội.
Buổi tập huấn đầu tiên tổ chức tại tỉnh Hậu Giang sẽ trang bị cho các bạn tình nguyện viên các kiến thức như: một số quy tắc khi tham gia phỏng vấn; tập huấn bảng hỏi phần thông tin chung, phần câu hỏi cho đối tượng là hộ không dùng nước máy/nước sạch, phần câu hỏi cho đối tượng dùng nước sạch/nước máy, phần câu hỏi về vệ sinh; trao đổi, giải đáp và phỏng vấn thử mẫu.
Theo chương trình, 10 bạn tình nguyện viên sẽ thực hiện phỏng vấn và nhập liệu 1.000 phiếu khảo sát thẻ chấm điểm của người dân trên 1.000 hộ gia đình thuộc 40 xã, thị trấn của 05 huyện trong toàn tỉnh Hậu Giang được lựa chọn theo các tiêu chí sau: tất cả các xã, thị trấn được chọn phải là vùng nông thôn nghèo ở các huyện khác nhau; các xã, thị trấn có dân số đông sẽ được ưu tiên chọn trước, đảm bảo các xã, thị trấn được chọn là đại diện cho các khu kinh tế nông nghiệp và đặc điểm địa hình tự nhiên khác nhau của tỉnh; tối thiểu 50% số xã, thị trấn được chọn đã được cung cấp hệ thống nước sạch sinh hoạt.
Chiều cùng ngày, các tình nguyện viên đã đi thực hành phỏng vấn thử ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy.