Tọa đàm “Giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng”

18:56 29/09/2022     3846

Hoạt động Hội, Đội   ĐTN: Trong khuôn khổ chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” năm 2022, sáng 29/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng”.

 

 

Đồng chí Nguyễn Trung Tâm, Ủy viên Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam nhấn mạnh, Tọa đàm là hoạt động quan trọng để 50 gương mặt thanh niên khuyết tật tiêu biểu đại diện cho cộng đồng người khuyết tật trẻ cùng chia sẻ câu chuyện về những khó khăn mà họ đã, đang gặp phải và cùng nhau đưa ra những đề xuất, kiến nghị, giải pháp cụ thể, hiệu quả nhằm góp phần tạo môi trường thuận lợi để thanh niên khuyết tật được hòa nhập cộng đồng, phát huy khả năng, sự cống hiến của mình cho xã hội.

Tại tọa đàm, các đại biểu thanh niên khuyết tật đã chia sẻ thực trạng, khó khăn trong quá trình hòa nhập cộng đồng của thanh niên khuyết tật. Cho rằng nhiều người khuyết tật có cuộc sống khó khăn, chưa nhiều người khuyết tật được đào tạo nghề và có việc làm ổn định, chị Trần Thị Thuần, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc, ở Hà Nội chia sẻ: cần xây dựng các mô hình giáo dục hòa nhập và hòa nhập xã hội của người khuyết tật, cũng như đào tạo việc làm phù hợp với từng dạng khuyết tật: Người khuyết tật bị hạn chế về sức khỏe là khó khăn hàng đầu để họ có được công việc tốt, thứ 2 là khó khăn đó là dạng tật. các bạn tật trí não thì không thể làm công việc tinh xảo, như vậy công việc sắp xếp cho các bạn phải là công việc dập khuôn, các công việc dễ bắt chước. còn đối với các bạn khuyết tật vận động các bạn nhanh nhạy hơn thì nhưng cực kỳ kém về sức khỏe lại phải tạo làm sao cho các banj công việc phù hợp, nhẹ nhàng nhưng cũng có thể yêu cầu kỹ thuật cao. 

Chia sẻ tại Tọa đàm, chị Phạm Thị Hồng Mai cho biết, chị sinh ra không may mắn bị khiếm khuyết đôi bàn tay trái. Nhưng bằng nghị lực, sự quyết tâm, chị Mai đã quên đi nỗi mặc cảm bản thân, sống và làm việc như những người bình thường khác. Hiện chị đang công tác tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Chị Mai cho rằng, đối với người khuyết tật, trong cuộc sống ít người dành cho họ niềm tin, chưa thực sự thấu hiểu và thường nhìn họ với ánh mắt thương cảm. Bên cạnh đó, bản thân nhiều người khuyết tật còn thấy mặc cảm, tự ti và rất ít khi tham gia các hoạt động của xã hội, thường sống khép mình.

 

 

Theo chị Phạm Thị Hồng Mai, hòa nhập xã hội là quá trình mà những người trong nhóm xã hội yếu thế, những người đang “tách biệt” có thể sống, giao tiếp, sinh hoạt, học tập và làm việc hòa hợp với những người bình thường mà không có bất kỳ khó khăn hay phân biệt đối xử nào.

Với tư cách là người đang công tác Đoàn tại một trường đại học, chị Mai đưa ra một số kiến nghị nhằm giúp sinh viên khuyết tật hòa nhập hơn, trong đó quan trọng là sự giúp đỡ từ cộng đồng xung quanh, như việc quan tâm hỗ trợ nhiều học bổng khuyến học cho các sinh viên khuyết tật, đặc biệt là các sinh viên khuyết tật có thành tích học tập tốt để có thể giúp các bạn vững tin hơn vào cuộc sống. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức cần tạo điều kiện hơn nữa cho sinh viên khiếm khuyết ra trường có thể đi làm như những người bình thường khác mà không có sự kỳ thị về ngoại hình của họ.

Cũng tại tọa đàm nhiều ý kiến cho rằng: vấn đề giáo dục và các dịch vụ công chưa có sẵn và cũng chưa tiếp cận đối với người khuyết tật. Người khuyết tật khó tiếp cận các cơ sở hạ tầng như nhà vệ sinh trong bệnh viện hoặc trạm xe buýt, hoặc trường học. Hơn nữa, việc tiếp cận với các vấn đề trợ giúp như chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng... còn nhiều bất cập. Các đại biểu cho rằng cần tuyên truyền cho cộng đồng nâng cao nhận thức về quyền và khả năng của người khuyết tật. Nghiêm Thu Loan, ở Hà Nội, khuyết tật khiếm thị, Sáng lập Câu lạc bộ Step, hành động vì người khiếm thị chia sẻ: 

Trong luật quy định các bạn quá 3 tuổi không được tham gia vào chương trình học chính quy, tức là các bạn vẫn được tới trường, học nghề nhưng không được tham gia vào giáo dục chính quy. Tuy nhiên sức khỏe yếu, các bạn phải trải qua lớp tiền hòa nhập, đối với các bạn thể chất yếu thì phải mất 1-3 năm nên rất khó để các bạn có thể đi học đúng tuổi. em mong chính sách được điều chỉnh mỗi bạn nhỏ khuyết tật đều có cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng. 

Tại tọa đàm, các đại biểu khuyết tật cũng đã lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý về cơ chế chính sách đối với người khuyết tật và thanh niên khuyết tật; Giải pháp đổi mới công nghệ để người khuyết tật hòa nhập xã hội.

Bảo Anh