Thầy, cô giáo chia sẻ kinh nghiệm dạy học trong điều kiện khó khăn

19:42 19/11/2021     2775

Hoạt động Hội, Đội   ĐTN: Ngày 19/11/2021, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Tập đoàn Thiên Long tổ chức diễn đàn “Áp dụng công nghệ đổi mới việc dạy và học cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn”. Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Chia sẻ cùng Thầy cô” năm 2021.

Dự và chủ trì Diễn đàn có đồng chí Nguyễn Kim Quy, Ủy viên BTV Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam và ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long; đặc biệt là sự có mặt của các thầy cô giáo tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021.

 

Đồng chí Nguyễn Kim Quy, Ủy viên BTV Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

 

Phát biểu đề dẫn Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Kim Quy, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết, trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua, công tác giảng dạy của thầy cô đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa phải dạy trực tuyến. Để thích ứng được với việc dạy học trực tuyến, các thầy cô giáo đã phải rất nỗ lực, khắc phục những khó khăn vất vả, thiếu thốn trang thiết bị, soạn giáo án điện tử…. để có thể giúp các em học sinh có thể tiếp thu được kiến thức một cách tốt nhất.

Để đồng hành cùng các thầy cô, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các em học sinh ở những vùng khó khăn. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn, Hội cũng phối hợp cùng các cấp, ngành, các đơn vị có nhiều giải pháp, hoạt động hỗ trợ như chương trình: Sóng và máy tính cho em; Nối vòng tay thương…

Thông qua Diễn đàn, Ban Tổ chức mong muốn các thầy cô giáo chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của mình trong quá trình giảng dạy, việc áp dụng công nghệ thông tin vào dạy và học gặp những khó khăn như thế nào….

 

Quang cảnh diễn đàn.

 

Tại diễn đàn, các thầy cô giáo đã trao đổi về ý kiến, tâm huyết trong công tác giảng dạy, cũng chia sẻ những khó khăn, vất vả và sự thiếu thốn của các em học sinh nơi mình đang công tác.

Thầy Bùi Minh Đức, Giáo viên trường TH&THCS Phú Lương, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình chia sẻ: Nơi thầy dạy là một huyện vùng núi, người dân gặp nhiều khó khăn về kinh tế, trang thiết bị dạy và học còn nhiều thiếu thốn. Chính vì vậy, môn Tin học mà thầy giảng dạy, học sinh tiếp cận rất rụt rè, lần đầu tiên ngồi trước máy tính còn sợ bàn phím, không dám ngồi gần. “Ngay cả với thầy cô việc tiếp cận phương pháp giảng dạy mới cũng còn bỡ ngỡ, nhất là giáo viên có tuổi”, thầy Đức nói

 

Các thầy, cô giáo chia sẻ tại diễn đàn.

 

Để khắc phục điều này, thầy Đức đã áp dụng các phần mềm, trò chơi để học sinh hết sợ, hứng thú học và tiếp cận. Soạn các bài giảng chất lượng để học sinh có thể tiếp cận được một cách nhanh chóng….

Còn đối với thầy Trang Thành Giá, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau: Học sinh vùng sâu, vùng xa, địa bàn sông nước khi dịch bệnh xảy ra học sinh thiếu thiết bị học tập, đặc biệt là máy tính, chủ yếu học trên điện thoại, chữ nhỏ, khó tập trung dễ bị các tật về mắt; sóng chập chờn nhiều khi tiếp cận được thì hết giờ. Bên cạnh đó, trình độ của phụ huynh cũng hạn chế, nhiều gia đình giao con cho ông bà quản lý để làm ăn xa nên thiếu sát sao trong việc kèm cặp con em trong học tập dẫn đến các em sao nhãng trong việc học tập. Nhiều thầy cô phải chuyển việc dạy học sang buổi tối để các bậc phụ huynh có thời gian giám sát việc học của các em. Chính vì vậy nên thời gian dành cho các thầy cô lại càng phải rút gọn. Điều thầy Giá trăn trở nhất là sự tương tác gần như không có.

Cô giáo Trần Thị Kim Hòa, Trường PTDT Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám, xã Krong, huyện Kbang, Gia Lai chia sẻ: Là xã vùng 3, với 96% học sinh dân tộc Ba Na, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Học sinh của chúng tôi quần áo rách rưới, nhàu nhĩ, khuôn mặt nhem nhuốc, chân cứng hơn đá sỏi nhưng em nào cũng đáng yêu, ánh mắt ngây thơ vô cùng. Các em không có cặp và cũng chẳng có bút, vở. Đồ dùng học tập các em gói trong túi nilon, còn bút, vở thì chỉ biết chờ nhà trường, các cô hỗ trợ.

“Đôi lúc, nhà trường không còn kinh phí, buộc phải đề nghị phụ huynh chủ động mua bút cho con em. Nhưng mỗi khi trò chuyện, thấy phụ huynh lục tìm mãi mới thấy tờ 5, 10 nghìn nhàu nhĩ ở đáy túi áo, quần, giáo viên chúng tôi cũng không nỡ cầm. Bút, vở đã vậy, chiếc cặp đi học càng trở nên xa xỉ với các em”, cô Hòa xúc động chia sẻ

Gia đình có 2 con nhỏ, chồng lại thường đi công tác xa, cho nên hằng ngày cô Trần Thị Kim Hòa phải vượt hơn 80km để vừa giảng dạy, vừa chăm con. Từ khi trường chuyển mô hình bán trú, cô thường phải mang con đi gửi để ở lại với học sinh.

Dịch bệnh bùng phát, cô trò trường Lê Văn Tám lại đối mặt thêm nhiều khó khăn hơn nữa. Việc học trực tuyến hầu như không thể triển khai vì điều kiện quá thiếu thốn, cô Trần Thị Kim Hòa và các đồng nghiệp nghĩ ra cách giao phiếu bài tập đến từng buôn làng cho học sinh ôn luyện.

“Thực tế, các buôn làng cách nhau rất xa. Các em học sinh lại thường theo bố mẹ đi làm rẫy chứ cũng không ở nhà. Việc liên hệ với phụ huynh hầu như không thể thực hiện được. Chúng tôi lại băng rừng, vượt núi đến kèm cặp, không để các em bỏ học”, cô Hòa kể lại.

 

Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Tập đoàn Thiên Long đã trao sổ tiết kiệm tặng 50 thầy cô giáo.

 

Ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long cho biết: Thầy cô vốn đã quen với phấn trắng, bảng đen nhưng dịch bệnh đã khiến cho việc dạy và học có nhiều thay đổi. Chính vì vậy, Tập đoàn Thiên Long sẽ luôn đồng hành để tiếp tục hỗ trợ cho các thầy cô, nhất là việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy.

 

Tại Diễn đàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Tập đoàn Thiên Long đã trao sổ tiết kiệm tặng 50 thầy cô giáo tham gia chương trình, mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng.

Bảo Anh