Mỗi cấp bộ Hội cần đổi mới phương thức hoạt động mạnh mẽ hơn

14:00 01/07/2022     1708

Hoạt động Hội, Đội   ĐTN: Phát biểu tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết ĐH Hội LHTN Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đề nghị Hội cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động thông qua nền tảng số, mỗi cấp bộ Hội cần đổi mới phương thức hoạt động mạnh mẽ hơn.

Chiều 30/6 tại Hà Nam, đã diễn ra Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam nhiệm kỳ 2019 – 2024. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn dự và phát biểu chỉ đạo; đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, ngành Trung ương, tỉnh Hà Nam; các đồng chí là Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn ghi nhận những thành công mà nửa nhiệm kỳ Hội đã đạt được và cũng đồng tình với những hạn chế mà các đại biểu đã nêu ra. Đồng thời đề nghị những nhiệm vụ mà Hội cần quan tâm trong nửa cuối nhiệm kỳ. 

 

 

Đồng chí Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Đoàn cần giữ vững vai trò nòng cốt chính trị đối với Hội LHTN Việt Nam. Trong thực tiễn nhiều nơi tổ chức Đoàn không tạo không gian đủ lớn để Hội xuất hiện; không tạo điều kiện và quản lý như cấp dưới. Theo quy định, hàng năm Đoàn phải định hướng và ký hợp tác với Hội; Đoàn giữ vai trò nòng cốt nhưng không làm thay, phải tạo không gian đủ lớn để Hội xuất hiện xã hội độc lập, sáng tạo.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đề nghị Hội cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động thông qua nền tảng số. Mỗi cấp bộ Hội cần đổi mới phương thức hoạt động mạnh mẽ hơn. Đối với các Hội thành viên chỉ hiệp thương thống nhất chương trình hành động chứ không phải ra mệnh lệnh. Cần phải thay đổi tư duy để Hội thành viên càng lớn mạnh, màu sắc đa dạng rực rỡ hơn, đóng góp được nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước. “Cần mở rộng vòng tay của Hội, chơi thêm với những người có ảnh hưởng xã hội, học tập các bậc tiền bối để tổ chức Hội giúp đỡ cho tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn vươn tới tất cả các lực lượng xã hội”, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn phát biểu.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Hội cần quan tâm tập hợp đội ngũ có ảnh hưởng tới thanh niên, xã hội; đồng thời cần quan tâm, suy nghĩ sâu sắc hơn về “con người ảo” trên không gian mạng để tránh tụt hậu, đi sau thanh niên và các tổ đội nhóm do thanh niên thành lập. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm thanh niên tín đồ tôn giáo, dân tộc, thanh niên ở nước ngoài để mở rộng mặt trận tập hợp đoàn kết thanh niên; phải thành lập được Hội Thanh niên khuyết tật, Hội Văn nghệ sĩ trẻ, Hội Trí thức trẻ và khoa học công nghệ…

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cũng đề nghị Hội phải quan tâm đến việc xây dựng Đảng, trong đó cần nắm bắt các yêu cầu của ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XII đặt ra để xây dựng Đoàn, xây dựng Đảng, trong đó cần giới thiệu thanh niên ưu tú để kết nạp Đoàn; tham gia vào phát triển kinh tế phục hồi sau đại dịch....

Kiên trì thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức Hội

Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam đề nghị các đại biểu tiếp thu chỉ đạo của đồng chí Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn để hoàn thiện nội dung các báo cáo trong thời gian tới.

 

 

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương đề nghị các cấp bộ Hội quyết liệt triển khai hiệu quả phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”; tập trung thực hiện các giải pháp đã được xác lập và thống nhất triển khai để phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, có nhiều sáng tạo, tính lan tỏa được mở rộng, tác động tích cực đến nhận thức, ý thức của thanh niên. Tổ chức Hội các cấp cần tiếp tục phát huy tốt vai trò người bạn đồng hành cùng thanh niên trong học tập, nghề nghiệp, việc làm, khởi nghiệp và rèn luyện bản thân. “Cần nâng cao hiệu quả chương trình “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” theo hướng ngày càng hiệu quả, thực chất, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, thanh niên và các nội dung phương hướng đã được trao đổi, thảo luận tại hội nghị này”, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương đề nghị các cấp bộ Hội kiên trì thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức Hội, thực hiện hiệu quả chương trình “Xây dựng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vững mạnh”; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng linh hoạt, đa dạng, điều chỉnh kịp thời với sự vận động, biến đổi nhanh chóng của tình hình thanh niên, đời sống xã hội, xu hướng phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội; Mở rộng công tác đoàn kết tập hợp thanh niên, trọng tâm tiếp tục hướng đến các đối tượng thanh niên đặc thù, quan tâm đối tượng thanh niên yếu thế.

 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào thanh niên giai đoạn 2019 – 2022.

 

“Các cấp bộ Hội cần cụ thể hóa nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp và Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII thông qua việc xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết, kế hoạch công tác Hội và phong trào thanh niên hàng năm tại các cấp bộ Hội", Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam đề nghị.

Nhân dịp này, Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam tặng Bằng khen cho cho 27 tập thể và 16 cá nhân có thành tích xuất sắc công tác Hội và phong trào thanh niên giai đoạn 2019 - 2022; tặng Bằng khen cho 06 tập thể và 09 cá nhân có thành tích đóng góp trong công tác Hội và phong trào thanh niên giai đoạn 2019 - 2022.

 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào thanh niên giai đoạn 2019 – 2022.

Khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích đóng góp trong công tác Hội và phong trào thanh niên giai đoạn 2019 – 2022.

 

Với khẩu hiệu hành động: “Thanh niên Việt Nam yêu nước, sáng tạo, tình nguyện, hội nhập, phát triển”, trong nửa nhiệm kỳ qua các hoạt động, chương trình, phong trào của Hội được triển khai ngày càng thực chất, tạo môi trường tốt cho thanh niên rèn luyện, trải nghiệm, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo. Nhiều chương trình, hoạt động mới được triển khai, có tính lan tỏa rộng. Nhiều nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong thanh niên được phát hiện, tôn vinh lan tỏa, góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp về lớp thanh niên Việt Nam thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, nhiều phong trào thanh niên đã để lại dấu ấn sâu đậm, khơi dậy tình yêu đất nước trong người trẻ. Phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” đã được cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động thiết thực trong đời sống thanh niên. Tiêu biểu như phong trào “Thanh niên Việt Nam sống đẹp, sống có ích”. Các cấp bộ Hội triển khai rộng rãi cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên website, mạng xã hội, fanpage, các bản tin của Hội, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo thanh niên. Thông qua đó, nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, mô hình hay, lối sống đẹp đã được chia sẻ, ghi nhận, biểu dương, từ đó tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho cán bộ, hội viên, thanh niên hướng tới những giá trị sống cao đẹp, sống có lý tưởng, có hoài bão và khát vọng vươn lên. Các cấp bộ Hội đã tổ chức tuyên dương, khen thưởng những thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực.

Cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông” tiếp tục được triển khai rộng khắp, góp phần nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ trong việc xây dựng văn hóa giao thông. Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” được Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức đã khơi dậy tinh thần xung kích, tình nguyện, nhiệt huyết của các giáo viên trẻ, thanh niên tình nguyện về công tác tại vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của Tổ quốc.

Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” đã tìm kiếm, phát hiện, tôn vinh những tấm gương thanh niên khuyết tật, có ý chí vượt lên, chiến thắng số phận và đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển cộng đồng. Thông điệp “Sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực” đã lan tỏa đến đông đảo thanh niên Việt Nam, từng cơ sở Hội, trở thành hoạt động thường xuyên, nhân văn, ý nghĩa.

Đặc biệt, chương trình “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn” đã góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh trong hội viên, thanh niên; đồng thời, tạo sức lan tỏa văn hóa đọc và phát huy tinh thần xung kích của thanh niên trong phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thúc đẩy hình thành xã hội học tập.

Trong phong trao “Thanh niên Việt Nam tình nguyện vì cộng đồng”, thời gian qua tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cấp bộ Hội đã kịp thời tổ chức chuỗi hoạt động hướng về cộng đồng, phát huy tinh thần xung phong tình nguyện của hội viên, thanh niên; tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, phòng, chống dịch Covid-19. Thanh niên đã tham gia đấu tranh, phản bác các tin giả, thông tin độc hại, xuyên tạc và chủ động đăng tải cung cấp, lan tỏa, chia sẻ các thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh; thành lập và duy trì hoạt động đội hình thanh niên tình nguyện ứng phó với dịch bệnh, đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19…; hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng được các cấp bộ Hội triển khai hiệu quả, nội dung đổi mới theo hướng cụ thể, rõ việc, sát với nhu cầu thực tiễn của địa phương, đơn vị. Các hoạt động tình nguyện tham gia đảm bảo an sinh xã hội “Tình nguyện mùa đông”, “Xuân tình nguyện”, “Tháng ba biên giới”... đi vào chiều sâu; hoạt động thăm hỏi, tặng quà, thực hiện các công trình an sinh xã hội góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân được hội viên, thanh niên nhiệt tình hưởng ứng.

Đặc biệt, nhằm khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái”, hỗ trợ các trường học tại vùng khó khăn, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức chương trình “Điều ước cho em” với hoạt động xây dựng và trao tặng các công trình Trường đẹp cho em, Nhà vệ sinh cho em, Nhà bán trú cho em, Bữa ăn trưa cho em. Các cấp bộ Hội xây mới 4.001 và nâng cấp, sửa chữa 3.451 Nhà nhân ái, Nhà bán trú, Trường đẹp cho em, với tổng kinh phí hơn 254 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Hành trình “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”, “Cùng sống khỏe”, “Mang âm nhạc đến bệnh viện”, “Tiếp sức người bệnh” đã huy động được nguồn lực hơn 250 tỉ đồng để khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân và thanh thiếu nhi.

Công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được các cấp bộ Hội đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của thanh niên thông qua cuộc vận động “Thanh niên Việt Nam chống rác thải nhựa”, chiến dịch “Hãy làm sạch biển”. Tổ chức Hội cũng xây dựng và thực hiện các đề án, các mô hình cộng đồng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Phát huy vai trò của thanh niên trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, đồng hành với thanh niên dân tộc thiểu số được các cấp bộ Hội triển khai hiểu quả với nhiều cách làm mới, sáng tạo. Hội đã tổ chức các trò chơi dân gian, lễ hội văn hóa truyền thống; xây dựng và phát triển các đội dân ca, cồng chiêng trẻ; phối hợp tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan các loại hình nghệ thuật, hội thi ẩm thực trong hội viên, thanh niên dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, một dấu ấn nhiệm kỳ này là việc tổ chức phong trào “Mỗi thanh niên 10.000 bước chân mỗi ngày” và chương trình “Những bước chân vì cộng đồng” để kêu gọi cộng đồng, hội viên, thanh niên đi bộ, chạy bộ mỗi ngày vừa rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất vừa gây quỹ ủng hộ chương trình xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng cho 16 dân tộc thiểu số ít người tại Việt Nam.

 

Bảo Anh