Bình Định: Nhen lên khát vọng hoàn lương

16:43 13/10/2015     1366

Hoạt động Hội, Đội   Web.ĐTN: Những nụ cười của thanh niên hoàn lương, giọt nước mắt chảy dài trên má của phạm nhân khi kể câu chuyện đời mình đã khiến cho cả hội trường vỡ òa cảm xúc. Họ đã tạo dư âm vui, buồn, nuối tiếc, mong đợi để có thể hoàn lương, trở thành công dân có ích.
Ngày 10/10, tại Trại giam Kim Sơn (huyện Hoài Ân), Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bình Định phối hợp với Trại giam Kim Sơn tổ chức chương trình tọa đàm “Vì tương lai tươi đẹp” và chuỗi hoạt động của Ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi” đã nhen lên khát vọng hoàn lương cho gần 350 thanh niên lầm lỡ, hoàn lương tham gia chương trình.

Nẻo sáng hoàn lương

Vừa vào đến Trại giam Kim Sơn, anh Lương Xuân Tài (SN 1987, ở thôn An Lương, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) đã chủ động tìm các cán bộ từng giúp anh cải tạo tốt, được ra tù trước thời hạn để hỏi thăm, trò chuyện.

Khác với vẻ bề ngoài khá “ngầu”, Tài nói chuyện hiền lành, chân chất: “Hồi đó, tôi có tính sĩ diện cao, chỉ vì những câu nói khích bác, chê bai trong bữa nhậu nên đã xảy ra đánh nhau và bị xử phạt 15 tháng tù vì tội cố ý gây thương tích. Lúc đầu, tôi rất căm hận những người đã xô đẩy tôi vào tù. Nhưng mỗi lần gặp ba mẹ, vợ đến thăm nuôi, tôi mới hiểu hết tình yêu thương, sự mong đợi của người thân dành cho mình.

t
Giao lưu tại tọa đàm với các vị khách mời

Từ đó, tôi phấn đấu cải tạo tốt và được ra tù trước thời hạn 3 tháng vào cuối năm 2013”. Với lý lịch có tì vết, Tài khó khăn hòa nhập cộng đồng vì mọi người e dè, nghi kỵ, không dám tới tiệm sửa xe của anh. Vượt qua mặc cảm, Tài cố gắng sửa xe với giá rẻ, nhiệt tình, chất lượng nhất để dần dần lấy niềm tin của bà con thôn xóm. Để rồi giờ đây, anh có thể kiếm được trung bình 500 ngàn đồng/ngày, ổn định cuộc sống, nuôi vợ con.

Trước hơn 300 phạm nhân trong đồng phục sọc trắng - đen ngồi phía dưới, anh Tài đã chia sẻ: “Con đường hòa nhập cộng đồng khi ra trại sẽ khó khăn, nhưng tôi cũng như các bạn hãy kiên nhẫn, tự tin ở bản thân, cố gắng hết sức để có được sự tin tưởng, yêu thương, giúp đỡ của mọi người”.

Không có gia đình hỗ trợ như Tài, anh Nguyễn Trùng Dương (SN 1993, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) ra đời bươn chải từ năm 15 tuổi với nghề làm bảng hiệu, quảng cáo ở TP Hồ Chí Minh. 18 tuổi, trở về TP Quy Nhơn làm thuê, trong lúc bốc đồng, Dương phạm tội trộm cắp, bị xử 13 tháng tù giam. Năm 2013, Dương ra tù, quay lại với nghề cũ và nỗ lực mở công ty chuyên làm bảng hiệu, quảng cáo Dương Gia ở TP Quy Nhơn.

Dương trông từng trải hơn so với tuổi 22 của mình, mạnh dạn nhắn nhủ: “Tôi đã đạp đổ được rào cản của sự miệt thị bằng việc cố gắng tham gia công tác Đoàn - Hội ở địa phương để thể hiện mình, tìm cơ hội giao lưu, tìm khách hàng. Tôi đã nỗ lực vươn lên bằng chính đôi chân để tự chăm lo bản thân và còn giúp đỡ gia đình, nuôi các em. Các bạn hãy cải tạo tốt, khi ra tù, nếu khó khăn, các bạn hãy tìm đến công ty, tôi sẽ hỗ trợ việc làm hoặc tư vấn hết mình”.

Dương vừa dứt lời, tiếng vỗ tay tán thưởng của phạm nhân vang khắp hội trường. Nhiều người nở nụ cười, bừng lên niềm hy vọng sẽ có tương lai như Dương và Tài cùng các thanh niên hoàn lương đang có mặt ở buổi tọa đàm.

Dệt ước mơ từ trong trại giam


Những giọt nước mắt hối hận của phạm nhân Bùi Hoài Thanh Tùng (SN 1980, ở Đức Phổ, Quảng Ngãi) khi chia sẻ nỗi đau vì vướng phải ma túy khiến cho nhiều phạm nhân và những người tham dự buổi tọa đàm thổn thức.

Dù có công việc ổn định tại một công ty lớn ở tỉnh Quảng Ngãi nhưng do nghiện ngập, Tùng trở thành tội phạm mua bán ma túy, bị xử phạt 9 năm tù. Vào trại, Tùng bất mãn nên tự tử, nhưng không chết mà bị thương nặng.

Tùng kể: “Cuộc đời tôi thay đổi nhờ vào cán bộ quản giáo Bùi Văn Hưng. Khi được chữa trị, cán bộ liên hệ để cả gia đình kịp thời vào thăm tôi. Cán bộ khuyên tôi đừng ích kỷ, hãy nghĩ về cha mẹ già yếu, vợ và đứa con gái nhỏ đang mong chờ tôi trở về.

Hình ảnh cán bộ Hưng đưa bánh và hộp sữa cho con gái được vợ ẵm trên tay, hình ảnh cha mẹ già yếu rớt nước mắt hỏi han con, khiến tôi xúc động. Rồi tiếng bi bô của con gái vừa lên 4 hỏi “Ba ơi, chú này (cán bộ quản giáo Bùi Văn Hưng) cho con sữa, bánh nè, ba ăn với con. Ba giận con, không thương con nữa hay sao mà 2 năm nay, sinh nhật con, con hổng thấy ba về?” đã làm tôi đứt từng khúc ruột”.

g
Hội LHTN Việt Nam tỉnh tặng quà cho phạm nhân tại chương trình Tọa đàm "Vì tương lai tươi đẹp"

Vào trại, Tùng được tham gia vẽ tranh cổ động, được tạo điều kiện để vẽ, đọc các sách hội họa, đánh thức ước mơ thuở nhỏ của mình. Và phạm nhân này đang nuôi ước mơ, khi ra tù sẽ mở xưởng vẽ để được sống với niềm đam mê của mình và giúp đỡ kinh tế cho gia đình, coi đó là món quà trả nợ ân tình với các cán bộ ở đây. 

Nhờ cán bộ ở Trại giam Kim Sơn giúp đỡ, tôi được trò chuyện với phạm nhân Nguyễn Công Trí (SN 1981, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), phạm tội giết người, bị phạt 17 năm tù. Trí đã cải tạo khá tốt và gần hết thời gian thụ án. Trí chia sẻ: “Dù được cán bộ tư vấn, động viên và trong trại được trang bị kiến thức pháp luật, chăm sóc sức khỏe cũng như học nghề mộc, nhưng vì ở trong trại quá lâu, tôi lo lắng nhất là khó hòa nhập với cộng đồng. Khi nghe lời chia sẻ của thanh niên hoàn lương ở buổi tọa đàm, các cán bộ, lãnh đạo và tổ chức Hội LHTN Việt Nam tỉnh, tôi mới biết có nhiều sự trợ giúp ở cộng đồng dành cho thanh niên hoàn lương. Tôi chỉ mong rằng, khi ra tù sẽ được giúp đỡ tìm việc làm và trở thành công dân tốt”.

Điểm tựa cho thanh niên lầm lỡ

Trong 5 năm 2011 - 2015, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bình Định đã phối hợp với Trại giam Kim Sơn đã tổ chức 56 lớp học tái hòa nhập cộng đồng cho 3.855 phạm nhân; 02 lớp sơ cấp nghề cơ khí, hàn với 30 phạm nhân học nghề; hơn 100 thanh niên mãn hạn tù trở về tham gia các hoạt động do Hội LHTN Việt Nam các cấp tổ chức.

Ngoài ra, 02 đơn vị còn tổ chức khám bệnh, phát thuốc cho phạm nhân và tư vấn pháp luật, sức khỏe, các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao...

Đại tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám thị Trại giam Kim Sơn, cho biết: “Dù cán bộ trong trại nỗ lực nhưng công tác giáo dục phạm nhân rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và chia sẻ của xã hội. Điều này là hết sức cần thiết và có tác động lớn đến quá trình cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng, tránh tái phạm, nhất là phạm nhân trẻ”.

Anh Lương Đình Tiên, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho biết: “Với nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao, trong nhiều năm qua, các cấp bộ Đoàn, Hội từ cấp tỉnh đến cơ sở triển khai nhiều hoạt động cụ thể trong giúp đỡ thanh thiếu niên hoàn lương tiến bộ; có thanh niên sau thời gian phấn đấu nỗ lực tích cực tham gia phong trào, hoạt động do Đoàn, Hội các cấp tổ chức. Trong thời gian tới, Hội LHTN Việt Nam các cấp tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện nhiều hoạt động hơn nữa để tạo chỗ dựa cho thanh niên vi phạm pháp luật trên bước đường hoàn lương, như đáp ứng các nhu cầu học nghề của phạm nhân và tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn khi họ mãn hạn tù”.

Những câu chuyện được chia sẻ ở lễ tuyên dương thanh niên hoàn lương điển hình tại Trại giam Kim Sơn, đối với các phạm nhân, có lẽ là giáo trình sống động nhất về bài học vượt qua mặc cảm, nỗ lực bản thân, tin tưởng và hy vọng vào tương lai để làm lại cuộc đời sau lần vấp ngã.

Tọa đàm khép lại nhưng những thông điệp, bài học sâu sắc từ chương trình vẫn còn đó và tiếp tục lan tỏa, góp phần làm cho Ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi” và các hoạt động chào mừng 59 năm ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam tỉnh (15/10/1956 - 15/10/2015) tại Bình Định thêm ý nghĩa.

Với điểm mới là hướng về các đối tượng thanh niên yếu thế, thanh niên đặc thù như thanh niên khuyết tật, thanh niên lầm lỡ, hoàn lương, thanh niên dân tộc thiếu số, các hoạt động chào mừng ngày truyền thống Hội do Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức không chỉ tuyên truyền sâu rộng đến hội viên, thanh niên và nhân dân về truyền thống của thanh niên Việt Nam, của Hội LHTN Việt Nam mà còn thiết thực hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho đa dạng đối tượng thanh niên, thực hiện tốt vai trò đoàn kết, tập hợp thanh niên của các cấp Hội trong tỉnh.