Thanh niên Chăm làm kinh tế giỏi
08:45 26/10/2021 1506
Nhịp sống trẻ ĐTN: Với số vốn ban đầu chỉ 20 triệu đồng, nhưng với tinh thần dám nghĩ dám làm, thanh niên trẻ Lựu Trọng Sư, người Chăm ở thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã phát triển mô hình nuôi dê đạt hiệu quả cao, trở thành mô hình kinh tế tiêu biểu tại địa phương.
Lựu Trọng Sư cho biết, nuôi dê không quá vất vả do sức đề kháng cao, ít bệnh. Chỉ cần chuồng trại bảo đảm vệ sinh, định kỳ tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm.
Chuồng dê cách nơi chăn thả khoảng 2 cây số. Chuồng được làm đơn giản, tận dụng từ những tấm tôn cũ, một ít lưới thép và gỗ tạp. Sư thông thạo từ kỹ thuật làm chuồng đảm bảo tiêu chí là cao, thoáng mát tránh nắng nóng trực tiếp, ẩm ướt vì dễ gây bệnh. Để nuôi dê đạt hiệu quả cao, ngoài am hiểu đặc điểm của loài dê thì Sư thường xuyên theo dõi đàn dê mỗi ngày. Đàn dê lùa vào chuồng liền được cho ăn thêm cám, uống nước muối. Người thanh niên trẻ này chia sẻ thêm: “Một số bệnh dê thường gặp là cảm, sổ mũi, sán lá gan, đau chân… những bệnh này dễ chữa trị. Hễ thấy con nào đôi mắt mí sập xuống, mặt không sáng, chán ăn nằm là phải mua thuốc điều trị ngay, nếu lơ là, dê hễ bệnh là chết rất nhanh”. Sư còn khá “mát tay” trong nghề nuôi loài vật này, em tự phối giống hiệu quả. Đàn dê sinh sản nhanh, mỗi lần phối giống đều có sổ ghi chép cẩn thận thời gian phối và sinh sản của dê, đặc biệt không dùng dê giống cận huyết.
Lựu Trọng Sư (sinh năm 1996), là bộ đội xuất ngũ. Năm 2019, em bắt đầu nuôi dê từ số vốn 20 triệu đồng. “Số vốn tự có lúc ấy em chỉ mua được 18 con dê, rồi vay mượn gia đình, bạn bè mua thêm tất thảy đàn 34 con. Dê sinh sản nhanh, đàn dê nhiều nhất có lúc lên khoảng 200 con”, Sư nhớ lại.
Hiện nay, dê giống nuôi từ 2 - 3 tháng tuổi, cân nặng 16 - 25 kg/con là có thể xuất chuồng, còn dê thịt đạt trọng lượng 14 - 15 kg giá bán dê thịt vào khoảng 2 - 2,2 triệu đồng/con. Giá bán cho thương lái dao động từ 195.000 – 200.000 đồng/kg dê thịt cho thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 2 lao động địa phương. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng tình hình dịch Covid - 19, các quán ăn, nhà hàng đóng cửa nên nguồn thu nhập cũng giảm hơn mọi năm, Sư tự chăn thả để lấy công làm lời.
Người thanh niên trẻ luôn tự hào những năm tháng trong môi trường quân đội đã rèn luyện cho em bản lĩnh dám nghĩ, dám làm cho đến tính cách, tác phong trong làm việc cũng như cuộc sống. Bởi vậy, đã làm việc gì Sư cũng tự đặt mục tiêu rồi cố gắng làm cho bằng được. Mong muốn của Sư là một ngày không xa sẽ mở rộng lên thành trang trại quy mô lớn. Thực tế, hiện nay việc tiếp cận nguồn vay vốn của thanh niên còn khó khăn vì không có tài sản thế chấp. Với sự nhanh nhạy nên chăn nuôi dê hiệu quả, trang trại nhỏ của Sư là điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận nguồn vốn vay. Năm 2020, khi được Huyện đoàn Tuy Phong giải quyết vay vốn hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên số tiền 150 triệu đồng, em mạnh dạn mở rộng thêm chuồng trại nuôi dê và mua thêm 9 con bò, trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng.
Anh Phan Hoài Bảo - Bí thư Huyện đoàn Tuy Phong cho biết: “Trang trại của Sư là một trong số các mô hình thanh niên phát triển kinh tế hiệu quả. Mới đây, chúng tôi hỗ trợ Sư 150 liều vắc xin lở mồm long móng phòng bệnh cho đàn dê, bò. Ngoài ra, tạo điều kiện cho em tham gia các lớp học nghề, lớp khởi nghiệp sáng tạo, các hội thi dân tộc tôn giáo để bổ sung kiến thức”. Sư được tuyên dương là thanh niên dân tộc tôn giáo tiêu biểu của tỉnh, thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện./.