Lặng thầm ươm những 'mầm xanh' cho bản làng

10:20 21/11/2024     211

Nhịp sống trẻ   Một người là “mẹ đỡ đầu” của những đứa trẻ dân tộc Co, chăm lo từng bữa cơm, từng con chữ. Một người rong ruổi khắp các bản làng, mang kiến thức, cơ hội cho người nghèo tiếp cận vốn vi mô... Những hành trình thầm lặng ấy đã góp phần tô thắm vẻ đẹp của "nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý".

Mẹ "đỡ đầu" của những đứa trẻ dân tộc Co

Giúp học trò bị mắc bệnh tim có cơ hội sống tiếp, "bám bản" học tiếng dân tộc để giảng dạy và vận động trẻ em dân tộc Co đi học trở lại... là những nhiệm vụ luôn song hành trên hành trình gieo chữ cho các em học sinh tại trường Tiểu học Trà Phong (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) của cô giáo Lê Thị Thanh Ngân.

 

Được bố trí công tác tại điểm trường lẻ thuộc trường Tiểu học Trà Phong (xã Trà Phong, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi), trong suốt 7 năm "cắm bản", cô giáo Lê Thị Thanh Ngân như một "chỗ dựa" cho những đứa trẻ dân tộc Co. Từ những ngày đầu nhận công tác tại điểm trường khó khăn, trước khi dạy chữ, cô Ngân tự đi "học chữ" trước.
Cô Ngân từng “bất đồng ngôn ngữ” với các em học sinh nơi đây, bởi trong một lớp có tới 95% em học sinh thuộc đồng bào dân tộc thiểu số.

"Các em học sinh tôi phụ trách phần lớn là người đồng bào dân tộc Co, độ tuổi rất nhỏ lại không biết tiếng phổ thông nên khi giảng dạy các em không hiểu được”, cô Ngân nhớ lại.

Vì lẽ đó, cô Ngân đã xin tham gia các lớp học tiếng dân tộc để giúp việc giảng dạy thuận lợi hơn. Cô giáo trẻ cũng thường xuyên tự mày mò, đến nhờ bà con trong bản biết tiếng dạy lại cho mình. Dần dà, cô Ngân trở nên thân thuộc, gần gũi hơn với những đứa trẻ dân tộc Co, hiểu được học trò nghĩ gì và muốn gì.

 

Cô giáo Lê Thị Thanh Ngân cùng các em học sinh trong buổi sinh hoạt ngoại khóa

 

Cách đây vài năm, địa bàn Quảng Ngãi liên tiếp bị ảnh hưởng của những cơn mưa bão lớn khiến công tác giảng dạy bị gián đoạn. Tình trạng học sinh tới trường rất ít, vì có nhiều em thường xuyên vắng học do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cô Ngân đến từng nhà nhiều lần để thuyết phục, vận động phụ huynh cho các em đi học trở lại.

Khi nhắc về kỷ niệm mà đáng nhớ nhất trong suốt những năm tháng gắn bó với các em học sinh vùng núi xa xôi, cô Ngân kể, năm 2019, có một em bị mắc bệnh tim rất nặng, gia cảnh nghèo khó chỉ có hai mẹ con sống với nhau trong ngôi nhà tạm bợ. Cô phải cùng các giáo viên khác vận động ủng hộ mới có tiền cho em được phẫu thuật.

“Năm ấy, thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ, sạt lở nhiều, nên quá trình vận động không mấy dễ dàng. Chúng tôi phải chật vật mãi mới quyên góp được vài chục triệu đồng để em có cơ hội sống tiếp”, cô Ngân kể.

 

Trong suốt 7 năm "cắm bản", cô giáo Lê Thị Thanh Ngân như một "chỗ dựa" cho những đứa trẻ dân tộc Co

 

Bằng việc tổ chức lớp học ngoài trời thông qua các hoạt động trải nghiệm, cô Ngân dần thu hút được nhiều hơn sự tham gia, hứng thú học tập của học sinh. Bên cạnh đó, cô cũng thường xuyên nói chuyện với các em để hiểu hơn về hoàn cảnh, về những mong muốn của những đứa trẻ nơi đây.

Đặc biệt, năm học 2023 - 2024 cô Ngân đã có sáng kiến tạo hứng thú học tập môn Toán cho học sinh lớp 1, được công nhận là “Sáng kiến có hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng trong toàn tỉnh thuộc ngành Giáo dục”. Sáng kiến tìm hiểu nguyên nhân tại sao các em không thích môn Toán. Từ đó, tìm ra phương pháp dạy mới, như sáng tạo về đồ dùng học tập gần gũi để các em có thể đếm và đưa ra số lượng, áp dụng phần mềm trò chơi trên giáo án điện tử.

Vinh dự nhận giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương năm 2024 do Trung ương Đoàn tuyên dương, cô Ngân nói về mong muốn lớn nhất của mình, đó là đồng bào vùng cao đủ cơm ăn áo mặc, các em học sinh được cắp sách tới trường. Mong rằng các em có được môi trường học tập tốt, có đầy đủ kiến thức nền tảng để vững vàng khi bước chân ra xã hội.


 

"Anh giảng viên" của những bản làng

Sinh ra và lớn lên ở miền quê lúa Thái Bình, TS. Khúc Thế Anh (SN 1990) - giảng viên Viện Ngân hàng Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc từng là sinh viên vay vốn để đi học. Dù số tiền không nhiều, nhưng đã hỗ trợ cho anh một phần học phí. “Nguồn tiền này cùng với tiền làm thêm của tôi đã hỗ trợ cho gia đình trong quá trình nuôi con học đại học”, Thế Anh nói.

Điều đó đã trở thành nguồn động lực khơi nguồn cho hành trình nghiên cứu và giảng dạy của anh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tài chính vi mô. Nghiên cứu trong lĩnh vực của Thế Anh tưởng chừng như chỉ gắn liền với việc “dạo chơi” với những con số.

Nhưng, anh lại được biết đến nhiều hơn với biệt danh “anh giảng viên” của những bản làng. Điều đó xuất phát từ việc anh cùng ăn, cùng ở với đồng bào dân tộc để tìm chất liệu, lắng nghe tâm tư, kiên trì thực địa để tìm ra giải pháp hỗ trợ người nghèo tiếp cận vốn vi mô.

Anh Thế Anh nhớ nhất trong chuyến đi xuống các bản của đồng bào người Mảng, người La Ha, rồi La Hủ, là những đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người. “Xuống đến nơi, để đồng bào chia sẻ với mình, chúng tôi cũng phải giao lưu nhiều hơn, phải nói theo ngôn ngữ của đồng bào. Các sản phẩm tín dụng mà chúng tôi thiết kế cũng phải phù hợp để đồng bào có thể hiểu được”, Thế Anh nói.

 

TS. Khúc Thế Anh (SN 1990)giảng viên Viện Ngân hàng Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là 1 trong 99 Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương năm 2024

 

Chuyến đi dài nhất liên tục gần hai tháng rưỡi, Thế Anh cùng với các chuyên gia trong nước xuống từng vùng quê nghèo tại Việt Nam. Mỗi một vùng có những đặc trưng khác nhau về văn hóa, kinh tế.

“Chúng tôi vừa di chuyển, vừa ghi âm các câu trả lời, vừa thảo luận với các địa phương, ví dụ như huyện Ngọc Lặc của Thanh Hóa hay Mường Tè của Lai Châu… để đưa ra những góp ý về mặt chính sách cho đồng bào từng vùng cụ thể. Công việc này một mặt giúp tôi có thêm tư liệu cho quá trình giảng dạy, mặt khác cũng thể hiện sự tri ân đối với những hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cho các thế hệ học sinh sinh viên nghèo được đi học và được cống hiến”, nam giảng viên trẻ bày tỏ.
Hiện, Thế Anh có nhiều dự án liên quan đến tiếp cận vốn cho người nghèo hay phụ nữ khởi nghiệp. Nam giảng viên đang thúc đẩy các hoạt động này thông qua các tổ chức tài chính vi mô và các ngân hàng thương mại. Những công bố của anh liên quan đến vấn đề này chủ yếu tập trung vào các khía cạnh đào tạo cho người nghèo việc sử dụng vốn ra sao, và các sản phẩm thiết kế như thế nào.

 

TS. Khúc Thế Anh truyền lửa nghiên cứu khoa học cho sinh viên

 

Để phát huy vai trò kép của giảng viên kiêm cán bộ đoàn, Thế Anh đã tiếp cận nhiều cơ hội để gặp gỡ các đồng nghiệp trong và ngoài nước nhằm tạo ra các nhóm nghiên cứu mới. Việc này nhằm tạo ra nhóm nghiên cứu mạnh, vừa giúp cho các thế hệ sinh viên gặp gỡ, tìm được người hỗ trợ hoặc tìm được người phù hợp trong tương lai.

“Chúng tôi thường triển khai các buổi trao đổi học thuật giữa các thầy cô có nhiều kinh nghiệm với giảng viên trẻ, giữa giảng viên trẻ với các bạn sinh viên trong cả 2 khía cạnh: học tập - nghiên cứu và tình nguyện - hướng nghiệp. Điều này cho phép chúng tôi liên kết giữa nhà trường và các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có cựu sinh viên, học viên của chúng tôi công tác”, nam giảng viên trẻ nói.

Theo TPO