Thừa Thiên Huế: Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Thanh niên

14:01 01/10/2018     3312

Xây dựng Đoàn   Web.ĐTN: Chiều ngày 24/9, Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Thanh niên.
Luật Thanh niên được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2005 tại kỳ họp lần thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006. Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành, luật đã bộc lộ những bất cập cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về thanh niên và thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển thanh niên, công tác thanh niên, cũng như sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Với ý nghĩa đó, Tỉnh Đoàn đã tổ chức Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Thanh niên nhằm tạo khuôn khổ pháp lý chung cho việc ban hành chính sách gắn với việc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, dễ tiếp cận nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên trong việc đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi); nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo sự đồng thuận của các cấp bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên đối với việc sửa đổi Luật Thanh niên.

Toàn cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung góp ý dự thảo Đề cương Luật Thanh niên sửa đổi của Bộ Nội vụ, tập trung tảo luận sôi nổi 9 lĩnh vực liên quan mật thiết đối với thanh niên, như: các quyền, nghĩa vụ của thanh niên nhằm cụ thể hoá các quyền, nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013 và trách nhiệm của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Chính sách của nhà nước đối với nhóm thanh niên đặc thù (bao gồm: thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên có tài năng, thanh niên khuyết tật, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma tuý, thanh niên sau cải tạo, thanh niên di cư); Trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh niên;

Về Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam và Hội sinh viên Việt Nam (vị trí, vai trò, trách nhiệm) đối với thanh niên và công tác thanh niên. Cơ chế phát huy Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia giám sát, phản biện xã hội về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên; Quản lý nhà nước về công tác thanh niên (nội dung, tổ chức bộ máy ở các cấp); trách nhiệm của các chủ thể thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên; Về tổ chức phối hợp liên ngành về công tác thanh niên (cấp Trung ương, cấp tỉnh); Mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước về công tác thanh niên và tổ chức phối hợp liên ngành về công tác thanh niên trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên và công tác thanh niên; Nguồn lực thực hiện công tác thanh niên, chính sách phát triển thanh niên; Những vấn đề cụ thể khác nảy sinh từ thực tiễn tình hình thanh niên và công tác thanh niên của địa phương cần được nghiên cứu, đưa vào quy định trong Luật Thanh niên (sửa đổi).

Đa số các ý kiến đều thống nhất với đề cương dự thảo Luật gồm 7 chương 47 điều và cho rằng việc ban hành Luật Thanh niên là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc ban hành các chính sách, pháp luật cho thanh niên; đồng thời, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sức sáng tạo, tiềm năng to lớn của thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong đề cương có những nội dung mới như: Tháng Thanh niên (Điều 6), Giải thưởng thanh niên (Điều 8), Xử lý vi phạm (Điều 46)... là cần thiết và phù hợp.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã góp ý bổ sung thêm một số nội dung trong Luật Thanh niên năm 2005 như Khoản 1 điều 8 bổ sung thêm các hành vi nghiêm cấm đối với thanh niên; đối với các khoản mục trách nhiệm với thanh niên cần phải cụ thể, rõ ràng trong từng đối tượng thanh niên, trong phần giải thích từ ngữ cần giải thích cụ thể từ "nhóm thanh niên đặc thù". Có ý kiến cho rằng cần kéo dài độ tuổi của thanh niên; chính quyền và các cấp, các ngành cần trao đổi với các tổ chức Đoàn để lấy ý kiến trước khi ban hành những nội dung liên quan đến thanh niên.

Luật Thanh niên sửa đổi phải tập trung giải quyết các vấn đề của thanh niên trong hiện tại và phù hợp với định hướng phát triển thanh niên, quy định các nguyên tắc định hướng cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách thanh niên trong từng lĩnh vực.

Thông qua Hội nghị, đã phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên trong việc đóng góp ý kiến đối với Luật Thanh niên; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo sự đồng thuận của các cấp bộ Đoàn, cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên đối với việc sửa đổi Luật Thanh niên.