An Giang: Cán bộ Đoàn góp ý, phản biện xã hội đối với Luật Thanh niên (sửa đổi)

08:23 26/10/2019     6439

Xây dựng Đoàn   Web.ĐTN: Ngày 24/10, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị góp ý, phản biện xã hội đối với Luật Thanh niên (sửa đổi).

Quang cảnh góp ý, phản biện xã hội đối với Luật Thanh niên (sửa đổi)

 

Chủ trì và điều hành Hội nghị có đồng chí Quang Lê Hồng Chuyên - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh An Giang; đồng chí Trương Long Hồ - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh An Giang. Đến tham dự Hội nghị còn có đồng chí Võ Thành Sang - Trưởng Phòng Đoàn thể, Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang và các đồng chí đại diện lãnh đạo các Ban chuyên môn của Tỉnh đoàn, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang, Nhà Thiếu nhi tỉnh An Giang; Các đồng chí Báo cáo viên cấp tỉnh của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2017 - 2022; Các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư huyện, thị, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc; Các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư các xã, phường Đoàn, Đoàn trường THPT trên địa bàn thành phố Long Xuyên trực thuộc Thành Đoàn Long Xuyên.

Tại Hội nghị, đồng chí Quang Lê Hồng Chuyên - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn phát biểu đề dẫn để các đại biểu nghiên cứu đóng góp ý kiến, phản biện xã hội đối với Bản thảo lần thứ 6 Luật Thanh niên (sửa đổi) do Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam hoàn chỉnh và ban hành ngày 12/9/2019, gồm 03 nội dung trọng tâm cần nghiên cứu góp ý, phản biện: Thứ nhất, Đánh giá toàn diện, khách quan các nội dung đã quy định trong Luật Thanh niên 2005, từ đó đề xuất các quy định hiện còn hợp lý, khả thi, có hiệu lực, hiệu quả cần tiếp tục kế thừa hoặc phát triển thêm phù hợp với tình hình mới. Thứ hai, Khẳng định vị trí, vai trò, sứ mệnh, tầm quan trọng và hiệu quả hoạt động thực tế của các tổ chức thanh niên (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam) và Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam trong suốt lịch sử quá trình ra đời, phát triển và trong giai đoạn hiện nay để từ đó dẫn tới yêu cầu khách quan, sự cần thiết phải luật hóa trong dự thảo Luật, nhiệm vụ, những yêu cầu đối với các tổ chức này nhằm tạo điều kiện pháp lý quan trọng để tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên phát triển, tập hợp, phát huy thanh niên trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tố quốc. Thứ ba, Đề xuất các chính sách mới, cụ thể, tạo điều kiện để phát triển thanh niên trong tình hình mới, trong đó quan tâm nhóm chính sách dành cho thanh niên khởi nghiệp, thanh niên tài năng, thanh niên yếu thế, thanh niên hoàn lương, nhóm chính sách để phát huy tốt nhất các quyền của thanh niên, các nghĩa vụ thanh niên cần có.

 

Hội nghị tiếp thu nhiều ý kiến góp ý, phản biện xã hội đối với Luật TN

 

Hội nghị đã ghi nhận và tiếp thu 22 ý kiến góp ý, phản biện xã hội đối với Luật Thanh niên (sửa đổi), trong đó có 15 ý kiến góp ý và 07 ý kiến phản biện, tranh luận về các điều, các khoản của Bản thảo lần thứ 6 Luật Thanh niên (sửa đổi), đa số các ý kiến góp ý tập trung về độ tuổi của thanh niên (tuổi của thanh niên được quy định trong Luật Thanh niên (sửa đổi) so sánh với quy định độ tuổi của thiếu niên, thanh niên trong Luật trẻ em năm 2016); Quyền và nghĩa vụ được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với thanh niên; Có chính sách ưu tiên đối với thanh niên là người dân tộc thiểu số khi xét tuyển cán bộ, công chức vào các cơ quan Nhà nước; Thanh niên cần được hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận và sử dụng dịch vụ thân thiện về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; Chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp…

Đồng chí Đặng Thế Lực - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Bí thư Đoàn trường Đại học An Giang cho rằng: “Bản thảo lần thứ 6 Luật Thanh niên (sửa đổi) lần này đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý trước đây, có dành một Chương (Chương IV) nói về Tổ chức thanh niên; Bản thảo lần này cơ động, dễ hiểu, có những định nghĩa khái quát, cụ thể; Tuy nhiên, đối với những cụm từ đặc thù của thanh niên cần phải có định nghĩa cụ thể hơn nữa, cần đặt ở góc nhìn của thanh niên ở địa bàn dân cư, nông thôn, có tính khái quát bao trùm, chứ không phải là đối với những thanh niên trí thức, thanh niên cán bộ công chức là những người có đủ kiến thức để nghiên cứu Luật và triển khai Luật”.  

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến đề xuất: Cần quan tâm tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến và triển khai chính sách, pháp luật về thanh niên; Phát triển tổ chức Đoàn Thanh niên trong các Khu công nghiệp; Có chính sách ưu tiên đối với thanh niên khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương có lại được việc làm trước khi tham gia nghĩa vụ quân sự (vị trí cũ hoặc vị trí khác) để thanh niên an tâm thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc; Hoàn chỉnh và sớm ban hành Luật Thanh niên;…

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Long Hồ - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh đánh giá tốt các ý kiến góp ý, phản biện xã hội của các đồng chí cán bộ Đoàn đối với Luật Thanh niên (sửa đổi); Sau Hội nghị lần này đề nghị các đồng chí cán bộ Đoàn chủ chốt các cấp quán triệt đầy đủ các nội dung mà Tỉnh Đoàn và Sở Nội vụ tỉnh triển khai, tổ chức cho đông đảo cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên ở các cơ sở Đoàn của cấp mình tích cực nghiên cứu góp ý, phản biện xã hội đối với Luật Thanh niên (sửa đổi), vì đây là Luật của thanh niên, phục vụ lợi ích chính đáng của thanh niên cho nên thanh niên phải có trách nhiệm nghiên cứu kỹ, sâu đối với Luật Thanh niên (sửa đổi); Quan tâm đến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên./.

 

 

Thanh Tiền, TĐ An Giang-BA