Phát huy vai trò của người trẻ trong xây dựng, thực thi các chính sách về thanh niên

11:18 04/10/2018     5954

Xây dựng Đoàn   Web.ĐTN: Sáng ngày 3/10, Trung ương Đoàn, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia về sửa đổi Luật Thanh niên. Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung, trao đổi, thảo luận để đưa ra các định hướng, gợi mở những đề xuất cụ thể cho việc sửa đổi Luật Thanh niên
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung  trao đổi để đưa ra các định hướng, gợi mở những đề xuất cụ thể cho việc sửa đổi Luật Thanh niên


Tại hội thảo, nhiều đại biểu đồng tình cho rằng, Luật Thanh niên có vị trí và vai trò quan trọng trong việc quy định một hệ thống chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên.

Luật Thanh niên đã quy định quyền, nghĩa vụ của thanh niên và trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền và nghĩa vụ đó. Tuy nhiên, Luật chưa quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc ban hành, thực thi chính sách, pháp luật đối với thanh niên, chưa phát huy được thanh niên trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật cho chính mình.

Theo Luật sư Nguyễn Duy Lãm  –  nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng,  Luật Thanh niên cần quy định một hệ thống chính sách, pháp luật, nêu rõ vai trò của từng loại chính sách, pháp luật thế nào và đảm bảo tính khả thi chính sách, pháp luật đã quy định. Trong xây dựng chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên, các cơ quan hoạch định chính sách cần coi trọng, tin tưởng thanh niên, giao nhiệm vụ cho họ và tạo điều kiện cho họ thực hiện nhiệm vụ đó.

Luật sư Nguyễn Duy Lãm cũng đề nghị, nên sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên theo hướng vừa là Luật khung, vừa là Luật cụ thể. Việc quy định mang tính nguyên tắc về các chính sách, pháp luật để phát triển thanh niên, nhưng đồng thời phải quy định cụ thể chính sách gì, ai thực hiện, giải pháp thực hiện chính sách đó là hết sức cần thiết.

Đồng tình với luật sư Nguyễn Duy Lãm, đồng chí Nguyễn Duy Thường – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cho rằng, công tác quản lý không phải là việc riêng của những người quản lý chuyên nghiệp, mà là sự nghiệp của nhân dân. Thanh niên là bộ phận cấu thành trong nhân dân, là lực lượng xung kích của cách mạng, của Đảng và dân tộc Việt Nam. Tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội là quyền và trách nhiệm của thanh niên Việt Nam.

Để phát huy vai trò của thanh niên tham gia quản lý nhà nước và xã hội, giám sát, phản biện chính sách pháp luật đối với thanh niên, đồng chí Nguyễn Duy Thường kiến nghị, cần nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, thanh niên về vai trò của thanh niên trong tham gia quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh niên về quyền, trách nhiệm tham gia quản lý nhà nước, tham gia quản lý xã hội nhất là tham gia xây dựng Đảng và củng cố chính quyền nhân dân…


Các đại biểu tham góp ý kiến tại hội thảo
Các đại biểu tham góp ý kiến tại hội thảo


Tại hội nghị, các đại biểu đã tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên phải dựa trên hướng tiếp cận phát triển thanh niên.

Các ý kiến đều cho rằng, thanh niên có phát triển thì mới có đủ năng lực cần thiết, đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội và đất nước. Nhà nước cần phải xác định việc đầu tư cho sự phát triển của thanh niên, hình thành năng lực, phẩm chất và thái độ tích cực, trước khi yêu cầu họ có đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội. Nếu thanh niên không có một thể chất tốt, một năng lực trí tuệ dồi dào thì sẽ không có khả năng cống hiến.

Mặt khác, nếu thanh niên có năng lực nhưng không được tạo cơ hội để cống hiến thì sẽ lãng phí nguồn lực phục vụ cho sự phát triển. Phát triển thanh niên cần trở thành mục đích của toàn bộ hệ thống chính sách, pháp luật nói chung, trong đó có Luật Thanh niên, nhằm mục tiêu khai thác tốt nguồn lực thanh niên trong phát triển xã hội.

TS. Hoàng Xuân Châu - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên cho rằng, phát triển thanh niên đang là xu thế và dần trở thành một cách tiếp cận và một chuẩn mực trên toàn cầu. Bản chất của phát triển thanh niên là nuôi dưỡng và phát triển các kỹ năng và mối quan hệ mà thanh niên cần để tham gia đời sống xã hội, phát huy tối đa tiềm năng của họ.

Ngoài ra, trong dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi, tại Chương III, mục 2, điều 29 có quy định về chính sách của Nhà nước đối với nhóm thanh niên đặc thù. Theo TS. Hoàng Xuân Châu cần cân nhắc khi đưa quy định này vào trong Luật, bởi khái niệm và tiêu chí để chia nhóm đối tượng thanh niên “đặc thù” vẫn còn chưa cụ thể; bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi mới chỉ đề cập đến quyền ưu tiên của thanh niên đặc thù và trách nhiệm của nhà nước, chưa có quy đinh về trách nhiệm của thanh niên đặc thù với xã hội.

“Một số bạn trẻ tuy nằm trong nhóm thanh niên đặc thù nhưng không muốn bị coi là “đặc thù”, không muốn trở thành gánh nặng của xã hội để được nhận sự ưu tiên. Hiện nay, trong dự thảo Luật đang quy định về nhóm thanh niên đặc thù có thể gây tâm tư, thậm chí vô tình làm tổn thương một bộ phận thanh niên. Vì vậy, cần sửa đổi Luật đảm bảo công bằng cho tất cả mọi đối tượng thanh niên, từ đó thúc đẩy thanh niên chủ động xây dựng cho bản thân có ý thức đóng góp cho xã hội” – TS. Hoàng Xuân Châu nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam cho biết, hội nghị thống nhất tiếp cận xây dựng Luật trên tinh thần quan điểm phát triển thanh niên; có cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát huy tốt vai trò tham gia đóng góp của thanh niên. Bên cạnh đó, Luật thanh niên sửa đổi cần nêu rõ cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên; tiếp cận theo hướng vừa là luật khung vừa là luật cụ thể, trong đó những nội dung nguyên tắc, quy định cụ thể nhiều hơn.

Bên cạnh đó, Tổ soạn thảo cũng đã tiếp thu một số đề xuất như thiết kế hạng mục Chính sách nhà nước đối với thanh niên thay cho trách nhiệm của nhà nước; vấn đề kết cấu Luật thanh niên sửa đổi có quy định chương về thanh niên đặc thù hay lồng vào chính sách cụ với thanh niên cụ thể.

Ban tổ chức hội thảo sẽ tiếp thu và tổng hợp những ý kiến tham góp của các chuyên gia để nghiên cứu, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền liên quan và Thủ tướng Chính phủ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật Thanh niên (sửa đổi).