Tôi hạnh phúc khi được các em gọi là mẹ

18:28 14/05/2016     888

Hoạt động Hội, Đội   24 năm gắn bó với chương trình phát thanh thiếu nhi trên làn sóng Đài TNVN, đã đặt chân đến bao ngôi trường, bao nhà văn hóa thiếu nhi ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, nhà báo Thiên Nga gần gũi với thiếu nhi đến mức nhiều em gọi chị là mẹ một cách rất tự nhiên.
Cơ duyên nào đưa chị đến với làn sóng phát thanh thiếu nhi và gắn bó với các em suốt hơn 20 năm qua?

Chỉ sau hai tháng ra trường, tháng 9/1992, tôi về công tác tại Ban phát thanh Thanh thiếu nhi thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và gắn bó với chương trình phát thanh thiếu nhi từ đó đến nay. Vì yêu trẻ nên tôi thấy rất thoải mái khi được thường xuyên tiếp xúc với các em và tìm thấy niềm vui trong công việc. Được trò chuyện, tiếp xúc với các em còn giúp tôi soi lại và hoàn thiện bản thân. Khi nghe các em gọi mình là mẹ tôi rất xúc động, hạnh phúc và càng tâm huyết với cái nghề mà mình đã lựa chọn. Tôi thấy đúng là nghề đã chọn mình nên gắn bó máu thịt với chương trình phát thanh thiếu nhi, với các em không thể nào rời được.

Chân dung Nhà Báo Thiên Nga
Chân dung Nhà Báo Thiên Nga

Hẳn vì thế mà đến tuổi này ngòi bút của chị vẫn không già?

Đúng là người lớn viết cho trẻ rất khó nếu phóng viên không tâm huyết với nghề, không đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu trẻ. 24 năm gắn bó với trẻ đủ cho tôi hiểu trẻ qua từng thời kỳ, từ thế hệ bao cấp đến nay. Tôi có thể hòa mình với trẻ, dễ dàng chia sẻ với các em mọi chuyện để đưa tiếng nói của trẻ lan tỏa. Không chỉ khai thác thông tin từ các em, tôi còn chia sẻ với các em những kinh nghiệm tôi có qua những trải nghiệm thực tế để trang bị thêm cho các em kỹ năng sống, giúp các em tự tin, vững bước trong cuộc sống. Tôi chưa thấy bài viết của mình bị thính giả phản hồi là già dặn bởi khi viết bài tôi thường nhập tâm như một con trẻ.

Nghe chị nói có vẻ rất dễ dàng nhưng các bài viết dạng tuyên truyền cho các phong trào, dù là phong trào Đội, dễ bị khô cứng, lối mòn?

Vì vậy, khi viết về vấn đề này, mình phải luôn luôn tự đổi mới. Trên cơ sở nắm bắt sự chỉ đạo phong trào từ Trung ương, từ chủ trương tuyên truyền, phóng viên phải tự sáng tạo. Tôi đã đặt chân đến các tỉnh thành của cả nước, nên khá hiểu thiếu nhi ở từng vùng miền, rất thuận lợi cho việc khai thác thông tin mình cần. Vì vậy, khi đưa tin về hoạt động đội, bài viết của tôi có sự phong phú, sắc màu của từng địa phương.

Là một nhà báo viết về phong trào đội lâu năm, chị gần gũi với các em và hoạt động như một tổng phụ trách đội, chị thấy hiện nay, thiếu nhi Việt Nam còn háo hức phấn đấu để được vào Đội TNTP Hồ Chí Minh như thế hệ chúng ta ngày trước? 

Được tiếp xúc với thiếu niên Việt Nam nhiều thế hệ, tôi thấy thời nào các em cũng có niềm tự hào khi được mang trên vai chiếc khăn quàng đỏ. Thời nay, các em còn năng động, sáng tạo hơn, nếu các thầy, cô giáo của các em và anh, chị tổng phụ trách biết khai thác năng lực của các em, hoạt động Đội sẽ phát triển mạnh mẽ. Các cuộc thi sao nhi đồng giỏi được các em hào hứng tham gia chứng tỏ hoạt động này vẫn luôn được các em thiếu niên yêu thích. Quan trọng là các anh, chị tổng phụ trách ở mỗi trường cần có sự sáng tạo trong triển khai các hoạt động Đội sẽ lôi kéo các em tham gia và tạo động lực cho các em chưa vào đội phấn đấu để được trở thành đội viên.

Chị có nhiều dịp công tác về vùng sâu, vùng xa, chị thấy hoạt động Đội của thiếu niên ở vùng sâu, vùng xa như thế nào?


Nhà Báo Thiên Nga chụp ảnh lưu niệm cùng các em thiếu nhi
Nhà Báo Thiên Nga chụp ảnh lưu niệm cùng các em thiếu nhi vùng cao 

So với ở thành phố thì hoạt động đội ở đây khác nhau nhiều. Vì hoàn cảnh của các em ở vùng sâu, vùng xa còn quá nhiều thiếu thốn. Tại mỗi trường tiểu học ở vùng khó khăn, việc tổ chức nghi lễ chào cờ rất khó khi nhà trường và học sinh luôn có thiếu thốn từ đồng phục cho đội viên, cờ đội, trống đội, nói gì đến găng tay, mũ ca nô, băng nghi thức... Tuy nhiên, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng không nơi nào không có hoạt động đội, dưới những hình thức khác nhau tùy theo điều kiện kinh tế của địa phương mình. Thấy được sự khó khăn của các em tại những vùng sâu vùng xa, tôi đã có những bài viết kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng, rồi trao quà tận tay những em khó khăn. Ví dụ, tôi đã kêu gọi sự ủng hộ của xã hội để sắm cho các em học sinh thôn Long Đại (Quảng Bình) 2 con đò để các em không còn phải lội sông đi học. Nếu có sự chia sẻ từ cộng đồng, từ những người tâm huyết với công tác đội, hoạt động đội ở tất cả các địa phương trên cả nước sẽ được phát triển và được đội viên tích cực hưởng ứng.

Đã đến với nhiều trường tiểu học khắp các tỉnh thành trên cả nước, chị thấy mô hình hoạt động Đội như thế nào để có hiệu quả?

Hoạt động Đội trong trường hiệu quả nếu mỗi thầy cô là một anh, chị tổng phụ trách. Khi hoạt động đội có sự sáng tạo, đội viên sẽ tham gia rất hào hứng. Ví dụ tại Trường tiểu học Phước Chỉ, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh có mô hình mảng xanh tái chế. Đội viên trong trường được các anh chị phụ trách hướng dẫn cắt những chai nhựa mà các em mang đi, trồng hoa vào tạo thành mảng xanh trước lớp. Không ít đội viên thấy hay còn về làm mảng xanh tại gia đình.

Những trường có mô hình CLB phóng viên nhỏ phát triển thành các chương trình măng non tại liên đội cũng giúp việc tuyên truyền về hoạt động đội hiệu quả. Khi các em là nòng cốt, các em phản ánh về những hoạt động của liên đội, những gương đội viên tốt sẽ góp phần thúc đẩy liên đội lớn mạnh.

Cảm ơn chị!