Tọa đàm góp ý kiến bổ sung dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi
07:43 21/12/2014 1550
Hoạt động Hội, Đội Web.ĐTN: Ngày 19/12 tại Hà Nội, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng tổ chức Tọa đàm góp ý kiến bổ sung dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi.
Tham dự tọa đàm có đồng chí Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn; đại diện Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em và sự góp mặt của các em học sinh đại diện từ các trường tiểu học, THCS trên địa bàn Hà Nội cùng Ban Giám hiệu, giáo viên và các phụ huynh học sinh.
Toàn cảnh tọa đàm |
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào tháng 2/1990; là một trong 192 nước thành viên cam kết từng bước điều chỉnh luật pháp trong nước, tuân thủ và thực hiện các quy định quốc tế về quyền trẻ em và chịu sự giám sát thi hành công ước của Ủy ban quyền trẻ em Liên hợp quốc. Đến nay, về cơ bản đã có sự hài hòa giữa pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, thể hiện sự cam kết đầy tinh thần trách nhiệm của Chính phủ và nhân dân ta thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em.Tuy nhiên, Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc sau khi xem xét các báo cáo định kỳ của Việt Nam về thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, mặc dù đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện quyền trẻ em cũng bày tỏ sự quan ngại rằng hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam cần thiết phải tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ các chuẩn mực quốc tế về quyền trẻ em
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Long Hải cho biết, Toạ đàm tham vấn ý kiến trẻ em về Luật trẻ em là một hoạt động rất có ý nghĩa. Các em đang được tham gia để thể hiện ý kiến của chính mình về các chính sách liên quan trực tiếp đến quyền của mình. Điều đó thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền, của Đảng và nhà nước đối với quyền của những chủ nhân tương lai của đất nước.
Đồng chí Nguyễn Long Hả,Bí thư Trung ương Đoàn phát biểu tại tọa đàm |
Theo Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng Nguyễn Trọng An, hệ thống bảo vệ trẻ em ở nước ta còn yếu, không cảnh báo, phòng ngừa được trước, chỉ khi sự việc xảy ra như trẻ bị bạo hành, xâm hại… mới vào cuộc nhưng lúc này thì đã muộn. Cùng với đề xuất bổ sung một hệ thống hoàn chỉnh để thiết thực bảo vệ trẻ em, từng là bác sỹ nhi khoa, ông An kiến nghị, cần bổ sung vào luật sửa đổi quy định về chăm sóc trẻ những năm đầu đời bởi 3 năm đầu tiên rất quan trọng quyết định tới sức khỏe, trí tuệ, thể chất của con người.
Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng Nguyễn Trọng An |
Tại buổi tọa đàm, nhiều trẻ em bày tỏ sự quan tâm tới một số điều luật có tác động mật thiết tới việc học tập, sinh hoạt của các em. Cụ thể, với điều 15 của dự thảo luật sửa đổi quy định về quyền được học tập, Khánh Linh, học sinh trường THCS Thành Công than phiền, em cảm thấy kiến thức trong nhà trường quá tải. Lên cấp 3, thay vì giáo dục toàn diện, nội dung các môn học nên tập trung gắn với việc thi đại học, chọn nghề “người có nguyện vọng làm một nhà văn không nên nhồi nhét các kiến thức Toán cao siêu làm gì”, Linh nêu quan điểm.
Ngọc Anh (trường THCS Thăng Long) đồng quan điểm khi nhiều bậc phụ huynh bắt con đi học thêm ở trường nọ, lớp kia, tạo áp lực cho con về điểm số trong khi bản thân các em là người trong cuộc thì lại không có sự lựa chọn.
Điều 17 quy định quyền được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cũng thu hút sự chú ý của trẻ. Nguyễn Hoàng Nam, trường tiểu học Đại Yên thắc mắc em quan sát thấy trong thành phố, địa điểm làm sân tập golf, sân chơi tennis, bãi đậu xe cho người lớn rất nhiều trong khi tìm mỏi mắt mới thấy khu vui chơi cho trẻ em. Trung tâm thương mại lớn nào cũng có khu vui chơi cho trẻ em nhưng ngay cả bố mẹ các em cũng chưa từng bước vào vì thu nhập eo hẹp.
Học sinh tham gia góp ý dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em tại tọa đàm |
Một em học sinh đến từ trường tiểu học Hoàng Hoa Thám chia sẻ: “Hiện nay trên nhiều tỉnh, địa phương có những gia đình ngược đãi trẻ em. Tại sao lại như vậy? Có phải họ ghét trẻ em không? Cháu nghĩ cần ghi lại trong Luật những quy định cụ thể về việc tra tấn và ngược đãi trẻ em, cần đảm bảo mọi trẻ em phải có cơ hội sống trong môi trường lành mạnh”.
Một học sinh trường Nguyễn Siêu bày tỏ nguyện vọng, thầy cô giáo cần lắng nghe học sinh, tôn trọng ý kiến của học sinh. “Còn hiện tượng văn mẫu cô đọc, trò chép rồi lại kiểm tra xem trò có thuộc bài văn cô đọc hay không thì nền giáo dục nước nhà khó có thể tiến kịp với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới”.
Tại tọa đàm học sinh băn khoăn, việc đổi mới chương trình sách giáo khoa thiếu tiếng nói của người học mà chủ yếu là lấy ý kiến của người lớn |
Dành sự quan tâm đối với trẻ tự kỷ, cô giáo Đinh Phương Hạnh, tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Đại Yên đề xuất, dự thảo Luật cần quy định chế độ chăm sóc, giáo dục riêng biệt cho các em. Nêu thực tế Trường tiểu học Đại Yên, theo quy định hiện hành trường vẫn nhận trẻ tự kỷ vào học nhưng “để học sinh tự kỷ học cùng với hơn 40 học sinh trong lớp, liệu các em có nhận được sự quan tâm xứng đáng, các em có thể theo kịp các bạn trong khi các em phải có một chế độ giáo dục đặc biệt”.
Kết thúc tọa đàm, BTC cho biết, các ý kiến tại buổi tọa đàm sẽ được chuyển tới cơ quan chủ trì soạn thảo và các chuyên gia để nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo nguyên tắc “Lợi ích tốt nhất dành cho trẻ em” để hệ thống pháp luật, chính sách về trẻ em ngày càng hoàn thiện, tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc, chuẩn mực pháp lý quốc tế vào pháp luật quốc gia, đảm bảo hài hòa, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.