“Thư viện xanh” nơi tiếp nguồn tri thức cho các em
13:39 04/03/2014 2033
Hoạt động Hội, Đội Web.ĐTN: “Thư viện xanh” không chỉ tạo không khí thoải mái trong giờ giải lao mà còn góp phần rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao vốn từ, hiểu biết thêm kiến thức về tự nhiên, khoa học, phát triển tư duy sáng tạo, hình thành nhân cách và thấy được trách nhiệm của bản thân…
Hiện nay, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, tỷ lệ học sinh sử dụng mạng Internet tra cứu tài liệu ngày càng nhiều nếu không nói là lạm dụng công nghệ. Chính vì vậy việc đọc sách của học sinh cũng theo đó mà hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình tiếp thu tri thức.
Có dịp được vào thăm trường Phổ thông DTNT - THCS Văn Chấn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái không khỏi ngỡ ngàng khi mô hình “Thư viện xanh” của nhà trường được phát huy hiệu quả tối đa. Đây là hình thức cho học sinh đọc truyện, sách, báo ngay tại sân trường, dưới bóng mát của những tán cây. Những cuốn sách, truyện được đặt trên giá làm bằng tre do chính tay của các em thiết kế treo xung quanh những gốc cây trong khuôn viên nhà trường.
Có dịp được vào thăm trường Phổ thông DTNT - THCS Văn Chấn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái không khỏi ngỡ ngàng khi mô hình “Thư viện xanh” của nhà trường được phát huy hiệu quả tối đa. Đây là hình thức cho học sinh đọc truyện, sách, báo ngay tại sân trường, dưới bóng mát của những tán cây. Những cuốn sách, truyện được đặt trên giá làm bằng tre do chính tay của các em thiết kế treo xung quanh những gốc cây trong khuôn viên nhà trường.
“Chúng em đã học được rất nhiều điều bổ ích ở sách ..." |
Cô giáo Đặng Thị Hồng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường có thư viện riêng đặt trên tầng 3, nhưng không thuận tiện cho việc các em lên đọc. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các em tiếp cận với sách báo, rèn luyện thói quen đọc, năm học 2009 – 2010 mô hình “Thư viện xanh” đã được ra đời. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Ngay từ những ngày đầu tiên, mô hình đã cho thấy hiệu quả khi luôn thu hút đông đảo học sinh tới đọc, trao đổi, chia sẻ với nhau những thông tin thú vị trong giờ ra chơi và trước mỗi buổi học. Từ chỗ chỉ có vài trăm cuốn sách, đến nay ở mỗi thư viện nhỏ bé ấy là một kho tàng tri thức hội tụ trong các cuốn: Báo măng non, Thiếu niên Tiền Phong, Dân tộc miền núi, cách học Toán, học Văn…do nhà trường bổ sung hàng năm. Các em được tự do tìm kiếm những vấn đề mình yêu thích, đang muốn khám phá mà không cần thẻ; được tự do trao đổi, thảo luận về một vấn đề hay một câu chuyện và tự giác trả lại vào vị trí cũ để các bạn khác nghiên cứu, học hỏi.
Để hàng ngày cung cấp sách, báo mới phục vụ quá trình đọc của các em, cô giáo Đèo Thị Thảo – Tổng phụ trách Đội của nhà trường cho biết: “Từ khi mô hình được xây dựng chúng tôi đã xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng triển khai đến các chi Đội. Theo đó mỗi chi Đội phân công 2 em làm cộng tác viên phối hợp với đồng chí phụ trách thư viện, hàng ngày tiếp nhận, chuyển sách, báo đến vị trí và thu về khi kết thúc giờ học buổi chiều đúng theo quy định”.
“Hàng năm, nhân dịp khai giảng năm học mới liên chi Đội còn tổ chức quyên góp sách, báo, chuyện các em sưu tập được trong dịp hè để bổ sung vào thư viện và tặng các em đang học tập tại trường Tiểu học & THCS Suối Bu, đơn vị kết nghĩa với nhà trường” - cô Thảo cho biết thêm.
“Thư viện xanh” không chỉ tạo không khí thoải mái trong giờ giải lao mà còn góp phần rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao vốn từ, hiểu biết thêm kiến thức về tự nhiên, khoa học, phát triển tư duy sáng tạo, hình thành nhân cách và thấy được trách nhiệm của bản thân…
Em Đèo Thị Hương, học sinh lớp 6B tâm sự: “Vào đây học em phải xa nhà, nhớ bố mẹ và anh chị nhiều lắm. Nhờ có “Thư viện xanh” nỗi nhớ nhà cũng vơi đi phần nào. Em lại được khám phá những câu chuyện hay, những bài học bổ ích, hiểu rõ hơn về bài giảng thầy, cô dạy trên lớp”.
“Chúng em đã học được rất nhiều điều bổ ích ở sách và chúng em không chỉ đọc để một mình biết, mà còn trao đổi thường xuyên với nhau theo nhóm để cùng nhau học điều hay lẽ phải” - em Lý Thị Pha, học sinh lớp 8B cho biết.
Để phát huy tối đa hiệu quả của mô hình, trong các giờ ngoại khóa Liên Đội nhà trường còn tổ chức thi tìm hiểu kiến thức các môn học, thi kể chuyện, viết và trình bày bài thu hoạch sau khi đọc sách. Những giá trị chân – thiện – mỹ dần được hình thành và khẳng định trong tư duy của các em.
Hy vọng mô hình “Thư viện xanh” sẽ ngày càng phát triển và nhân rộng tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS Văn Chấn nói riêng, các trường tiểu học &THCS trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói chung. Các em sẽ bay cao, bay xa trong những câu chuyện cổ tích của mình, cùng khám phá những chân trời tri thức mới.