Phóng viên "nhí" đam mê và nhiệt huyết

14:07 20/06/2018     1221

Hoạt động Hội, Đội   Đang ở độ tuổi từ 11-15 nhưng các thành viên Câu lạc bộ Phóng viên “nhí” Báo Khăn Quàng Đỏ, Thành phố Hồ Chí Minh đã được “dấn thân” vào nghề báo.
Qua những ngày chập chững học nghề, các phóng viên nhí đã ấp ủ mong muốn trở thành nhà báo trong tương lai, bằng bài viết của mình, góp phần làm đẹp cuộc đời.

Bước vào nghề báo


Cách đây hơn 30 năm, Câu lạc bộ phóng viên “nhí” báo Khăn Quàng Đỏ, Thành phố Hồ Chí Minh, do Tòa soạn báo Khăn Quàng Đỏ tổ chức đã quy tụ nhiều phóng viên, biên tập viên báo Khăng Quàng Đỏ cùng hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng viết tin, bài cho các bạn nhỏ từ 10-15 tuổi, có chung niềm yêu thích viết báo.

Các tin, bài của những bạn nhỏ được đăng từ 1-2 trang trên báo Khăn Quàng Đỏ vào mỗi tuần và duy trì đều đặn nhiều năm qua.

Hầu hết bạn nhỏ khi tham gia Câu lạc bộ Phóng viên “nhí” đều tỏ ra thích thú, tò mò, mong muốn được thể hiện khả năng “viết lách” của mình. Quá trình trải nghiệm, nhiều bạn đã bất ngờ khi phát hiện nghề báo không dễ như tưởng tượng bởi không ít bạn trẻ có năng khiếu viết văn nhưng những bài viết phải sửa lại nhiều lần trước khi được duyệt đăng.



y
Các thành viên Câu lạc bộ Phóng viên 'nhí' báo Khăn Quàng Đỏ trong một buổi thực tế chương trình Tập huấn Hội đồng trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh tại Củ Chi


Với dáng người đậm nhưng khá nhanh nhẹn, em Trương Văn Hoài Khanh, học sinh lớp 8/3, Trường Trung học Cơ sở Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình chia sẻ: Cái khác đầu tiên chính là làm báo không phải là làm văn.

Dưới sự hướng dẫn của chị phụ trách Câu lạc bộ, em bắt đầu tập viết những mẩu tin nhỏ. Có những bản tin đơn giản chỉ khoảng 100 chữ, nhưng khi chuyển đến, chị phụ trách vẫn phải sửa chữa nhiều lần mới có thể được coi là tạm hoàn chỉnh.

Nói về khó khăn cho những ngày đầu tập làm “nhà báo,” em Mai Hải Yến, lớp 9/6, Trường Trung học Cơ sở Đoàn Kết (Quận 6), cho biết khó nhất là khi viết tin, bài, em phải sử dụng ngôn từ thích hợp, tùy vào ngữ cảnh. Mặc dù trong trường học, em và các bạn được học môn Ngữ Văn, nhưng khi viết tin, bài lại mắc nhiều lỗi từ. Tuy vậy, hằng tuần em đều cố gắng tìm đề tài, hoàn thiện từ 1-2 bài viết để bài viết đạt yêu cầu và hay hơn.

Kể về bài viết đầu tiên được đăng trên báo Khăn Quàng Đỏ có nhan đề “Nói dối cả nhà mất vui," em Nguyễn Đức Kiệt, học sinh lớp 8/5, Trường Trung học Cơ sở Hồng Hà, quận Gò Vấp, tham gia Câu lạc bộ Phóng viên "nhí" được 3 năm, chia sẻ khi mới tham gia Câu lạc bộ, em gặp khó khăn trong việc khai thác đề tài viết bài. Nhiều lúc không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhờ sự dẫn dắt của các chị phụ trách Câu lạc bộ, được gợi mở đề tài, em dần hiểu ở độ tuổi này, chỉ cần viết những điều gần gũi với cuộc sống của mình. Như vậy, bài viết sẽ phù hợp, thiết thực hơn với đối tượng độc giả trên báo.

Từ những góp ý tận tình của các phóng viên phụ trách Câu lạc bộ, nhiều bạn nhỏ đã dần tự tin và chững chạc hơn khi thể hiện bài viết.

Em Hải Yến kể sau những lần được gợi ý, bản thân em trau dồi nhiều kỹ năng viết bài, kỹ năng giao tiếp, phỏng vấn khai thác thông tin... Hơn hết, trong những buổi sinh hoạt Câu lạc bộ, em và các bạn được tham gia nhiều hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, giúp em thêm tự tin thể hiện năng khiếu của mình.

Đối với các tác giả "nhí," mỗi bài viết được đăng báo là “cả một trời hạnh phúc." Có bạn cầm báo đi khoe với ba mẹ, bạn bè, người thân. Có bạn cẩn thận bọc kín, lưu giữ từng tờ báo có bài viết của mình, đặt lên kệ sách. Hân hoan hơn nữa còn là những ngày được tiền nhuận bút. Tùy theo hoàn cảnh và mục đích, mỗi bạn có cách sử dụng riêng. Bạn Hải Yến dùng tiền nhuận bút trang trải sinh hoạt cá nhân còn Hoài Khanh đưa tiền nhuận bút cho bà ngoại giữ...

Kể về cô con gái yêu Mai Hải Yến, chị Nguyễn Thị Kim Huệ (37 tuổi) cho biết khi Yến mới tham gia Câu lạc bộ Phóng viên "nhí," chị cũng lo con sao nhãng việc học. Nhưng sau này, Yến tự tin giao tiếp hơn, năng động và luôn giữ vững thành tích là học sinh giỏi toàn khối, chị rất tin tưởng vào những việc con đang làm.

Những bài học đầu đời vì cộng đồng

Trong suốt hơn 30 năm hình thành và phát triển, Câu lạc bộ Phóng viên “nhí” đã trở thành ngôi nhà chung của nhiều lớp cán bộ phụ trách cho đến các thế hệ thành viên.

Từng thế hệ thành viên cùng nhau lớn lên, trưởng thành, tham gia vào nhiều hoạt động xã hội tại Việt Nam và quốc tế như các cây bút “nhí”: Phúc Tiên, Dao Vỹ Chí, Trần Mạnh Tiến, Thùy Trang, Đức Cảnh... Có những người tiếp tục theo nghề báo, làm việc tại các công ty truyền thông hoặc bước sang lĩnh vực khác nhưng kiến thức, kinh nghiệm thu nhận được qua những năm tháng gắn bó với Câu lạc bộ đã giúp các em thêm tự tin, hoàn thành tốt công việc được giao.

Phóng viên Lê Thị Tường Vi, Phụ trách Câu lạc bộ Phóng viên “nhí” tâm sự: Một trong những mục tiêu của câu lạc bộ là mang đến cho các em môi trường rèn luyện và hướng dẫn các em biết cách phân biệt cái tốt-xấu, biết sống vì cộng đồng, hoàn thiện nhân cách.

Chị Vi cho biết thêm: "Khi các em tham gia câu lạc bộ, chúng tôi không tạo áp lực, đặt mục tiêu mỗi ngày, mỗi tuần các em phải hoàn thành bao nhiêu tin, bài. Chúng tôi chỉ gợi mở, hướng dẫn các em tự tìm đề tài gần gũi, thiết thực, phù hợp nhất với lứa tuổi, từ đó, các em suy nghĩ, triển khai thành bài viết hoàn chỉnh."

Chị Vi cho biết rất nể phục các phóng viên “nhí” bởi ở các em có nhiều năng lượng, khả năng sáng tạo và nắm bắt những điều mới rất nhanh.

Không những thế, tinh thần của các bạn trẻ trong Câu lạc bộ còn lan tỏa ở diễn đàn, hội nghị, hội thảo về vấn đề trẻ em trong nước và quốc tế như các tổ chức: Quỹ Nhi đồng Liên hiệp Quốc UNICEF, Tổ chức cứu trợ trẻ em Thụy Điển…

Đại diện phóng viên nhí cũng từng có mặt tại Thái Lan để tham dự Hội thảo quốc tế về Quyền Trẻ em. Đặc biệt trong năm 2001, tại chương trình “Tiếng nói của Trẻ” của Liên minh các Tổ chức cứu trợ trẻ em của thế giới, phóng viên “nhí” Khánh Ngọc vinh dự là một trong 2 thành viên đại diện trẻ em Việt Nam đến Hoa Kỳ để bày tỏ nguyện vọng, tiếng nói trẻ em Việt Nam trước Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Chị Vi chia sẻ thêm hiện Câu lạc bộ vẫn tiếp tục duy trì hoạt động, hướng dẫn các em cách tổ chức, kỹ năng viết báo; đồng thời xây dựng thêm nhiều chương trình, kết hợp với cơ quan quản lý, đoàn thể nhằm xây dựng chương trình hoạt động xã hội vì cộng đồng, giúp các bạn có thêm thời gian trải nghiệm...

Bật mí về nghề nghiệp tương lai, bạn Mai Hải Yến cho biết đã nghĩ đến việc sau này trở thành một cô phóng viên bản lĩnh. Do vậy, Yến sẽ tiếp tục tham gia Câu lạc bộ, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng sống để có thể thực hiện ước mơ của mình./.