Người thiếu niên dũng cảm - Anh hùng Kim Đồng
10:23 13/05/2015 17454
Hoạt động Hội, Đội Web.ĐTN: 74 năm qua, những trang vàng lịch sử Đội và hào khí truyền thống của Đội TNTP Hồ Chí Minh mỗi ngày một sáng. Các phong trào, hoạt động của tổ chức Đội, những bông hoa “Học tốt, rèn luyện tốt”, “Vượt khó học giỏi”, “Việc nhỏ nghĩa lớn” cùng với các hoạt động “Uống nước, nhớ nguồn”; các cuộc thi “Vẻ đẹp đội viên”, “Phụ trách sao giỏi”, “Nghi thức Đội”…
Để tưởng nhớ người Đội trưởng Đội Nhi đồng cứu quốc anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ cách mạng, Đảng, Nhà nước xây dựng Khu Di tích Anh hùng liệt sỹ Kim Đồng tại làng Nà Mạ, xã Trường Hà (Hà Quảng). Nơi đây đã trở thành khu di tích Kim Đồng chào đón các thế hệ thiếu nhi Việt Nam đến nơi thành lập Đội TNTP, với người đội trưởng đầu tiên của mình, đến với quê hương cách mạng có suối Lê-nin, có núi Các Mác và hang Pắc Pó mãi mãi khắc sâu trong tâm trí của thiếu nhi Việt Nam.
Tượng đài anh hùng thiếu niên Kim Đồng ở Cao Bằng. |
Ngày 15/5/1941, mãi mãi sáng chói trong trang vàng lịch sử truyền thống của Đội TNTP Hồ Chí Minh. Ngày ấy ở gần hang Cốc Bó, xuôi dòng suối Lê-nin, dưới chân núi Thoong Mạ, ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, 5 thiếu niên gồm: Nông Văn Dền (bí danh Kim Đồng), Nông Văn Thàn (Cao Sơn), Lý Văn Tịnh (Thanh Minh), Lý Thị Nì (Thủy Tiên) và Lý Thị Xậu (Thanh Thủy), được anh Đức Thanh và các anh cán bộ cách mạng giác ngộ, thử thách, tập hợp để lập thành Đội Nhi đồng cứu quốc theo quyết định của Đảng; trong đó Nông Văn Dền được bầu làm đội trưởng. Đội Nhi đồng cứu quốc có mục đích tham gia đánh tây, đuổi nhật, giành độc lập cho nước nhà, với nhiệm vụ giao thông liên lạc, đưa đón, bảo vệ cán bộ, canh gác các cuộc họp của Đảng... Từ sau tháng 5/1941, các đội thiếu nhi cứu quốc được thành lập ở mọi nơi để tham gia cách mạng, nhiều đội thiếu niên đã lập công xuất sắc làm sáng ngời trang sử vàng của Đội thiếu nhi, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Tháng 8/1942, Kim Đồng vinh dự được gặp Bác Hồ tại hang Nộc én ở trên núi sau làng Mà Mạ. Bác khen ngợi đội trưởng Kim Đồng mưu trí, nhanh nhẹn, dũng cảm. Bác khuyên Kim Đồng cùng đội viên hãy giúp đỡ, tích cực bảo vệ cách mạng, vừa hoạt động vừa học văn hoá, chính trị để sau này nước nhà giành được độc lập, góp phần xây dựng đất nước.
5 giờ sáng ngày 15/2/1943, sau khi làm nhiệm vụ dẫn cán bộ vào căn cứ, trên đường về nhà, Kim Đồng phát hiện địch phục kích chờ bắt cán bộ. Kim Đồng cử Cao Sơn chạy về báo cho các đồng chí cán bộ, còn mình nhanh trí đánh lạc hướng địch, trúng kế của Kim Đồng, địch nổ súng bắn theo, anh bị trúng đạn và đã anh dũng hy sinh, các cán bộ cách mạng được bảo vệ an toàn. Khi đó Kim Đồng vừa tròn 14 tuổi.
Năm 1997, Kim Đồng được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Khu Di tích tích Anh hùng liệt sỹ Kim Đồng được xây dựng ngay trên quê hương anh tại Làng Nà Mạ, xã Trường Hà (Hà Quảng). Khu di tích gồm có Mộ anh Kim Đồng và Tượng anh khang trang tại chân rặng núi đá cao đồ sộ, bên cạnh cây nghiến xanh biếc, luôn toả bóng mát. Tượng anh Kim Đồng với bộ quần áo Nùng và tay nâng cao con chim bồ câu đưa thư, trước Tượng đài có 14 bậc đá và 14 cây lát vươn cao xanh ngắt tượng trưng cho 14 mùa xuân của anh. Nơi đây có một khoảng sân rộng, hàng năm thiếu niên và nhi đồng của tỉnh và cả nước thường tụ hội về đây tổ chức kết nạp đội viên mới, cắm trại, vui chơi, dâng hương tướng nhớ người Đội trưởng đầu tiên anh dũng của Đội nhi đồng cứu quốc.