Lớp học thông minh cho teen vùng cao

10:12 21/10/2015     1255

Hoạt động Hội, Đội   Nhằm hiện thực hóa mong muốn teen ở miền núi có cơ hội tiếp cận phương pháp giáo dục hiện đại như ở thành thị, Câu lạc bộ Giấc mơ Việt Nam đã mang đến cho trẻ em tỉnh Hòa Bình dự án "Lớp học đa thông minh iTeach".
Lớp học ứng dụng phương pháp giáo dục mới nhằm phát triển đa dạng trí thông minh cho độ tuổi cắp sách tới trường. Dự án này đã đoạt giải từ chương trình Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông - Nam Á do Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng.

Con đường đầu tiên mà nhóm Giấc mơ Việt Nam chọn để giúp các các bạn vùng cao rút ngắn khoảng cách với các bạn đồng trang lứa đó là sách. Gần 50 tủ sách giấc mơ được dựng lên trên khắp các tỉnh miền núi phía Bắc.
Cô giáo và các anh chị tình nguyện cùng đứng giảng ở lớp học iTeach.
Cô giáo và các anh chị tình nguyện cùng đứng giảng ở lớp học iTeach.


Nhưng anh Nguyễn Hoàng Việt - Chủ nhiệm CLB luôn trăn trở: “Sách thôi chưa đủ, các em nhỏ ở miền núi còn thiếu cả điều kiện được học tập và phát triển đa dạng như học sinh thành phố”. Từ suy nghĩ đó, CLB đã cùng với những người bạn chung chí hướng trong nhóm SILAW của Philippines phát triển dự án iTeach lớp học đa thông minh và giảnh giải thưởng chương trình Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông - Nam Á.

Với 10.000 USD, tiền hỗ trợ được chia đều cho dự án ở cả hai nước. Ở Việt Nam hiện nay các bạn học sinh hai lớp 4 của trường Tiểu học Yên Lập, huyện Yên Phong, tỉnh Hòa Bình được thụ hưởng phương pháp giáo dục mới này.

Giáo trình cho lớp học bắt nguồn từ thuyết đa thông minh của nhà tâm lý học người Mỹ Howard Grandner. Mỗi buổi học, teen sẽ được học theo một chủ đề khác nhau nhằm phát triển đầy đủ tám loại trí thông minh, gồm logic Toán, ngôn ngữ, tự nhiên, giao tiếp, âm nhạc, không gian, nội tâm cho tới thể chất.
Các bạn học sinh vùng cao là đối tượng thụ hưởng dự án này của CLB Giấc Mơ Việt Nam.
Các bạn học sinh vùng cao là đối tượng thụ hưởng dự án này của CLB Giấc Mơ Việt Nam.

Các bạn được hướng dẫn để chủ động tham gia vào tất cả các hoạt động trong lớp học. Thậm chí bản thân các bạn ấy còn góp phần sáng tạo ra cách học tập cho mình dưới dạng buổi thực hành, diễn kịch, chia sẻ cảm xúc… Để hiệu quả, lớp học chỉ với khoảng hơn 20 học sinh, ngoài giáo viên chính hướng dẫn còn cần tới ba đến năm anh chị tình nguyện viên hỗ trợ teen tại mỗi lớp.

Cô Kim Thị Hoa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Lập chia sẻ: “Dự án rất quan trọng đối với trường tiểu học dân tộc bán trú nói riêng và các trường tiểu học nói chung. Nhờ dự án, các em đã tự phát huy khả năng của mình, biết được thêm các kỹ năng ứng xử cả ở nhà và ở trường”.

Tuy nhiên, hết tháng 10-2015, dự án sẽ kết thúc giai đoạn được bảo trợ bởi quỹ Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông - Nam Á. Để nhân rộng mô hình, CLB đã tổ chức tập huấn cho chính giáo viên bản địa về chương trình giáo dục đa thông minh nhằm giúp các thầy giáo, cô giáo có thể áp dụng ngay tại chính lớp học của mình. Dự án còn xây dựng ngân hàng dữ liệu học tập đa thông minh với hệ thống giáo trình trực tuyến trên mạng Internet.