Quảng Bình: Hiệu quả mô hình "Sổ tay chiến sĩ" trong quản lý tư tưởng bộ đội

10:59 07/07/2021     2353

Công tác tuyên truyền, giáo dục   ĐTN: Đối với tuổi trẻ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, quyển sổ tay chiến sĩ còn được phát huy vai trò trong công tác quản lý tư tưởng bộ đội, giúp cho cán bộ nơi này kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bộ đội, nhất là với các chiến sĩ mới.

Mô hình “Sổ tay chiến sĩ” ở Trung đoàn 996


Khi bước vào môi trường quân ngũ, ngoài những quân tư trang được cấp phát thì trong chiếc ba lô ấy còn có 1 quyển sổ tay với nhiều nội dung hữu ích. Bên cạnh việc phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, rèn luyện, sinh hoạt thì quyển sổ tay ấy được xem như một cẩm nang gắn bó với chiến sĩ.

“Sổ tay chiến sĩ” do Tổng cục Chính trị xuất bản và được cấp phát cho các chiến sĩ mới nhập ngũ. Quyển sổ này được luôn chiến sĩ nâng niu, gìn giữ và xem như một cẩm nang học tập của mình. Đặc biệt, nó còn được tận dụng để ghi chép những nội dung khó, những điều cần nhớ trong huấn luyện, học tập, thậm chí những băn khoăn, những kỷ niệm đẹp trong những ngày đầu nhập ngũ.

Việc ghi chép sổ tay của chiến sĩ mới được tuổi trẻ triển khai và hướng dẫn ngay trong tuần đầu nhập ngũ. Mỗi chiến sĩ được định hướng việc ghi chép các nội dung và rút kinh nghiệm sử dụng sổ tay hợp lý, hiệu quả. Ghi sổ tay có khi được các chiến sĩ thực hiện ngay ở thao trường, có khi là những giờ giải lao, trước giờ nghỉ trưa, hoặc trên lớp. Và việc ghi chép không chỉ giúp cho chiến sĩ “nhớ bài”, có ý thức hơn trong học tập mà còn giúp cán bộ huấn luyện đỡ phần vất vả.

Binh nhì Trần Xuân Hải thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 42, Trung đoàn 996 vui vẻ cho biết: Từ khi được cấp “Sổ tay chiến sĩ”, tôi luôn giữ gìn, ghi chép theo đúng quy định. Sổ tiện lợi ở chỗ các thông tin cung cấp đầy đủ, phù hợp với chiến sĩ, kích thước sổ gọn, phù hợp với đặc thù hoạt động quân sự. Những nội dung được in trong sổ gắn với sinh hoạt học tập, là kiến thức căn bản nhất đối với chiến sĩ. Hơn nữa, phần ghi chép dung lượng số trang vừa đủ, dễ ghi chú kiến thức cần nhớ cho bản thân. Tất cả nội dung ghi chép phục vụ đắc lực cho việc học tập, rèn luyện trong suốt thời gian làm nhiệm vụ. Không những vậy, cuốn sổ còn là kỷ niệm về những ngày sống và học tập trong quân đội của cá nhân tôi.

Mô hình “Sổ tay chiến sĩ” được tuổi trẻ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình triển khai trong những năm qua đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Hàng tuần cán bộ sẽ tiến hàng kiểm tra và tổng hợp các nội dung chiến sĩ còn gặp vướng mắc, khó khăn. Những nội dung thuộc lĩnh vực nào sẽ được Chỉ huy Trung đoàn giao cho cán bộ ở lĩnh vực đó hướng dẫn, giải đáp. Nhờ vậy, đơn vị nhanh chóng nắm bắt được tâm tư, tình cảm và nguyện vọng, thậm chí năng lực của từng chiến sĩ, giúp công tác phân loại tư tưởng chiến sĩ dễ dàng hơn. Đây cũng là cách rèn luyện tính tự giác, tỉ mỉ cho bộ đội; đồng thời hình thành thói quen xây dựng kế hoạch phấn đấu hoàn thành từng công việc cụ thể trong thời gian nhất định. Từ đó kịp thời động viên, giúp đỡ để các chiến sĩ mới an tâm gắn bó với đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý tư tưởng bộ đội.

Mô hình “Sổ tay chiến sĩ” của tuổi trể Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình không chỉ giúp phát huy tốt vai trò, hiệu quả và lợi ích của quyển “Sổ tay chiến sĩ”, mà đây cũng là cách rèn luyện tính tự giác, tỉ mỉ cho bộ đội; hình thành thói quen xây dựng kế hoạch phấn đấu, hoàn thành từng công việc cụ thể trong từng thời gian nhất định. Qua đó, giúp chiến sĩ mới nhận thức tốt, an tâm gắn bó, trưởng thành hơn trong môi trường quân ngũ.
 

Hồng Phong