Bài viết của Chủ tịch nước nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

10:43 12/01/2018     841

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (1968 - 2018), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài viết "Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới bạn đọc.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Cách đây tròn 50 năm, đúng vào dịp Tết Mậu Thân 1968, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân và dân ta đã đồng loạt mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, tạo ra bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, viết thêm trang sử hào hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc ta.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 diễn ra trong bối cảnh đế quốc Mỹ ngoan cố leo thang chiến tranh, thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đồng thời tiến hành “chiến tranh phá hoại” đối với miền Bắc, hậu phương lớn của cuộc kháng chiến. Đế quốc Mỹ đã huy động bộ máy chiến tranh khổng lồ với các lực lượng hải, lục, không quân được trang bị tối tân nhất để chống lại nhân dân ta với ý đồ chiến lược hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến ở miền Nam, phá hoại và xâm lấn miền Bắc, đẩy lùi chủ nghĩa xã hội ở khu vực Đông Nam Á.

Quán triệt sâu sắc và thực hiện các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 154-NQ/TW, ngày 27 tháng 1 năm 1967 của Bộ Chính trị (Khóa III) về đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam: “Ra sức đánh bại cuộc phản công chiến lược lớn lần thứ hai của bọn xâm lược Mỹ, làm thất bại các mục tiêu lớn của chúng, giữ vững thế chủ động, bảo tồn và phát triển lực lượng của ta, tạo điều kiện và thời cơ cho các đợt hoạt động lớn tiếp theo, tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa, thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương”1, quân và dân ta đã phát huy thế mạnh, thế chủ động tấn công địch, kiên cường chiến đấu, đánh và thắng lớn trên khắp các chiến trường, đặc biệt là ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Trị - Thiên, bẻ gãy các cuộc phản công chiến lược của địch ở miền Nam và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc.

Nhận định thời cơ thuận lợi chuyển cuộc kháng chiến của dân tộc ta sang một bước phát triển mới, trên cơ sở đã có chuẩn bị từ trước và lợi dụng yếu tố bất ngờ trong dịp Tết Nguyên đán, Trung ương đã “hạ quyết tâm mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đầu Xuân Mậu Thân, nhằm mục đích giáng cho đế quốc Mỹ một đòn thất bại nặng nề về quân sự và chính trị, đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang và cùng ta giải quyết cuộc chiến tranh theo những điều kiện có lợi cho ta”2. Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, ta đã huy động hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, tập kết một khối lượng lớn vũ khí, trang thiết bị mà địch không hay biết. Khí thế của bộ đội và của quần chúng cách mạng lên cao, vượt lên khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã bất ngờ đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, đánh vào các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn, Huế, các căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy, các thành phố, thị xã, đồng thời đánh địch khắp các vùng nông thôn bị tạm chiếm; tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực và phá hủy một khối lượng lớn phương tiện chiến tranh của địch với đội quân lúc đó lên tới trên một triệu hai mươi vạn quân Mỹ, ngụy và chư hầu, được trang bị vũ khí hiện đại. Trong đó, có những trận gây tiếng vang mạnh mẽ trong nước và trên thế giới, như trận đánh vào tòa Đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Đài phát thanh của ngụy quyền Sài Gòn và 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế… Phối hợp, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ với các cuộc tiến công vào đô thị của các lực lượng vũ trang, nhân dân Nam Bộ đã nổi dậy, phá rã phần lớn bộ máy kìm kẹp của ngụy quyền ở thôn, xã, giành quyền làm chủ ở nhiều vùng, mở rộng và củng cố vùng giải phóng.

Cùng với thắng lợi trong hai mùa khô 1965-1966, 1966-1967 và tại mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã giành thắng lợi to lớn chỉ sau ba năm, kể từ khi địch chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, trong bối cảnh địch đã leo thang đến mức cao nhất, tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại cơ bản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường; xuống thang chiến tranh, chuyển hướng sang “phi Mỹ hóa”, “Việt Nam hóa” chiến tranh, bắt đầu rút quân về nước; chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi Tết Mậu Thân của quân và dân ta đã thúc đẩy nhân dân Mỹ đấu tranh mạnh mẽ hơn với chính quyền Mỹ, đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược, đưa con em của họ về nước. Nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới càng thấy rõ sức mạnh và tính tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chính nghĩa của dân tộc ta, thấy rõ thất bại tất yếu của đế quốc Mỹ và ngày càng ủng hộ, giúp đỡ nhân dân ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy này đánh dấu một bước phát triển mới về nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam, kết hợp tốt ba mũi giáp công là vũ trang, chính trị, binh vận, giữa tiến công và nổi dậy - nổi dậy và tiến công giành quyền làm chủ của nhân dân, hướng chính là mở mặt trận tiến công và vây ép địch ở thành thị, chủ yếu là các thành phố lớn, đồng thời diệt ác phá kìm, phá rã bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở và làm tan rã hàng ngũ của địch. Đây là phương châm chiến lược xuyên suốt quá trình đấu tranh cách mạng, đã được phát huy nhuần nhuyễn, toàn diện trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân cũng như đến Đại thắng mùa Xuân 1975, giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã trở thành biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, khí phách kiên cường, sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; đánh dấu bước phát triển mới trong học thuyết và nghệ thuật quân sự Việt Nam về tổ chức và phát động một cuộc tiến công đồng loạt trên khắp chiến trường rộng lớn vào các sào huyệt của địch mà vẫn giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ.

Sau thắng lợi vĩ đại này, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã chuyển sang giai đoạn cách mạng mới với những thời cơ, thuận lợi mới để thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi to lớn này trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trên cơ sở nắm chắc tư tưởng cách mạng tiến công, vận dụng đúng đắn quy luật chiến tranh nhân dân, thắng từng bước, đẩy lùi và đánh bại địch từng bước; hạ quyết tâm chiến lược chính xác, táo bạo, chọn đúng phương hướng tiến công, sử dụng đúng lực lượng, làm tốt công tác lãnh đạo chính trị, tư tưởng. Thắng lợi này còn là kết quả của sự phát huy mạnh mẽ trí sáng tạo, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc của quân và dân ta. Đó cũng là kết quả của cả một quá trình tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm từ truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc ta và vận dụng sáng tạo tinh hoa nghệ thuật chiến tranh của nhân loại bằng đường lối độc lập, tự chủ để tìm ra cách đánh Mỹ, “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”, lấy trí tuệ và sức mạnh Việt Nam để thắng Mỹ. Đó là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là khí phách Việt Nam được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ trong những thời điểm thử thách ác liệt nhất vì sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng và dân tộc ta.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thể hiện sức mạnh vô song của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đó là khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, là niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược đấu tranh cách mạng; là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dám đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân ta; là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng.

Kỷ niệm 50 năm thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vào thời điểm công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và đang đứng trước thời cơ, vận hội phát triển mới với những khó khăn, thách thức đan xen, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng, sức mạnh to lớn, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong hòa bình, đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Đất nước ta ngày càng lớn mạnh. Nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới cao hơn, phức tạp hơn đang và sẽ đặt ra đối với sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách, chuyển thách thức thành thời cơ để phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong đó, phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo chính xác và kịp thời đề ra chủ trương, chính sách xử lý có hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh, giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật đổi mới và phát triển ở nước ta. Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã, đang và sẽ tiếp tục cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thử thách, tranh thủ cơ hội mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đại tướng TRẦN ĐẠI QUANG
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

----------------
1Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, t. 28, tr. 151.
2Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, t. 34, tr. 125.