Chắp cánh sáng tạo

21:17 22/04/2017     1974

Công tác giáo dục   Web.ĐTN: Đây là chủ đề chính của chương trình kỷ niệm “Ngày sở hữu trí tuệ thế giới” (26/4) diễn ra ngày 22/4 tại Quảng trường Lý Thái Tổ, Hà Nội.
Chương trình do Cục Sở hữu trí tuệ, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội phối hợp tổ chức .

Tham dự chương trình có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Lương cùng gần 2.000 người, bao gồm cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, cộng đồng IP, các nhà quản trị, doanh nhân, chuyên gia đổi mới sáng tạo và đông đảo sinh viên.
Các đồng chí Lãnh đạo đi bộ hưởng ứng chương trình
Các đồng chí Lãnh đạo đi bộ hưởng ứng chương trình

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết, chủ đề của Ngày sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là “Đổi mới sáng tạo – cải thiện cuộc sống” là một thông điệp hết sức quan trọng của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) gửi đến mọi người trên toàn thế giới. Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ có những chính sách và hành động thiết thực để khuyến khích đổi mới sáng tạo, cụ thể là đã ban hành các cơ chế chính sách đầy đủ, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, giúp các cá nhân, tổ chức, trong đó có các nhà đổi mới sáng tạo, cộng đồng khởi nghiệp có được cơ sở pháp lý vững chắc, bảo vệ các thành quả lao động sáng tạo của mình trong nước cũng như ở nước ngoài.

Theo công bố của WIPO Năm 2016, Việt Nam đứng thứ 59/128 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo, đạt thứ hạng cao ở chỉ số “Hấp thụ tri thức”, “Dòng vốn đầu tư nước ngoài” cũng như “Lan truyền tri thức”, v.v. nhưng vẫn còn yếu ở nhóm chỉ số về “môi trường kinh doanh”, “xếp hạng các đại học”, “việc làm thâm dụng tri thức”, “đăng ký sáng chế quốc tế PCT”... Điều đó cho thấy Việt Nam cần nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực để phấn đấu đạt mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN 4..

“Để sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo phát huy sức mạnh phục vụ cuộc sống, cần phải có sự chung tay của cộng đồng, mỗi cá nhân cần trở thành “IP MAN” có nhiều ý tưởng, tràn đầy năng lực, chung tay đưa sở hữu trí tuệ trở thành một văn hóa, một thói quen trong xã hội, góp phần nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia trên trường quốc tế” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.
Đông đảo đoàn viên thanh niên tình nguyện viên, sinh viên tham gia chương trình
Đông đảo đoàn viên thanh niên tình nguyện viên, sinh viên tham gia chương trình

Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra các hoạt động mới sáng tạo nói chung cũng như các vấn đề về bảo vệ, khai thác tài sản trí tuệ tại Việt Nam; nghi thức thả bóng bay xanh trắng tượng trưng cho niềm mong mỏi, ý chí quyết tâm về một sự giải phóng, chắp cánh ngày một mạnh mẽ hơn nữa cho khát vọng, năng lực sáng tạo của Việt Nam;trình diễn hòa tấu âm nhạc,rap IP, nhảy flashmob để truyền đi những thông điệp, niềm cảm hứng về đổi mới sáng tạo; hoạt động truyền thống xuyên suốt từ 2015: “Walk A-head for Innovation & IP – Đi bộ bằng đầu sáng tạo dài lâu”…

0
ff
“Ngày sở hữu trí tuệ thế giới” (World Intellectual Property Day – viết tắt là IP Day) ra đời vào năm 2000 khi các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quyết định ngày 26 tháng 4 hàng năm - ngày mà Công ước WIPO chính thức có hiệu lực vào năm 1970 - là ngày để các quốc gia cùng nhau gia tăng sự hiểu biết chung về IP trên toàn thế giới. Kể từ đó, “IP Day” đã trở thành một ngày mà mọi người trên thế giới này cùng nhau tìm hiểu và cổ vũ cho những đóng góp của IP đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật, công nghệ và những đổi mới sáng tạo vì cuộc sống con người.

Với mục tiêu đổi mới công tác tuyên truyền và tiếp nối ý tưởng “Đi bộ bằng đầu” (Walk A-head) của chương trình năm 2015, 2016, năm nay Ban tổ chức tiếp tục đẩy mạnh truyền thông cho hình tượng “IP Man” để kêu gọi cộng đồng cùng hành động bảo vệ các quyền và tài sản trí tuệ cũng như cổ vũ mạnh mẽ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Thông điệp của ý tưởng này là: Ai cũng có thể sáng tạo.Ai cũng có thể trở thành IP Man. Chỉ cần chúng ta ý thức được đầy đủ về giá trị bản thân mình, khát khao sáng tạo đổi mới không ngừng, tôn trọng tài sản trí tuệ của người khác và đấu tranh bảo vệ những giá trị tốt đẹp của đổi mới sáng tạo.Hưởng ứng ý tưởng truyền thông này, đã có nhiều lãnh đạo cơ quan Nhà nước, chuyên gia, doanh nhân, nhà quản lý trở thành “IP Man” như Tiến sĩ Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục SHTT, ông Nguyễn Thành Nam - Phó chủ tịch HĐQT Đại học FPT, Giám đốc Đại học trực tuyến FUNiX; chuyên gia chiến lược Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giám đốc Chiến lược Tập đoàn VNPT; Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo, Chủ tịch và Tổng giám đốc LeGroup; ông Nguyễn Đức Sơn - Sáng lập và Chủ tịch Học viện Thương hiệu Plato; Tiến sĩ Phan Tất Thứ - Chủ tịch tổ hợp tư vấn & đào tạo KNV Group; ông Lê Quốc Minh – Tổng biên tập báo Điện tử Vietnam Plus, Nhạc sĩ Lưu Quang Minh, nhóm RapNews DaLaB....