Cựu chiến binh đóng góp quan trọng vào xây dựng Đảng, chính quyền
14:19 26/09/2024 492
Công tác giáo dục Sau 20 năm triển khai Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, các cấp hội cựu chiến binh ở Hà Tĩnh đã phát huy vai trò, khẳng định được vị thế vững chắc trong hệ thống chính trị.
Sáng 26/9, Thượng tướng Bế Xuân Trường - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Trần Thế Dũng chủ trì cuộc họp giữa đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương với tỉnh Hà Tĩnh, khảo sát tổng kết đánh giá 20 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cựu chiến binh Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới”.
Tham dự còn có đồng chí Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội sinh viên Việt Nam; các đồng chí thành viên đoàn khảo sát có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Đại biểu tham dự buổi làm việc.
Khẳng định vị thế trong hệ thống chính trị
Sau 20 năm triển khai, Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 8/1/2002 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cựu chiến binh Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới” (gọi tắt là Nghị quyết 09) đã tạo được những chuyển biến rõ nét về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác cựu chiến binh.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 09
Phát huy vai trò tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã thành lập 216 “tổ cựu chiến binh nòng cốt” ở 100% xã, phường, thị trấn với hơn 13.000 cán bộ, hội viên để tham mưu xử lý các tình huống phát sinh ở cơ sở.
Với vai trò, trách nhiệm của lớp cha anh đi trước, mỗi năm, các cấp hội đã phối hợp với đoàn thanh niên, các trường học tổ chức hơn 80 buổi giáo dục truyền thống yêu nước, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, thắp nến tri ân, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sỹ với sự tham gia của hơn 13.200 lượt đoàn viên, thanh niên, học sinh; phối hợp tổ chức thực hiện phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu phân tích một số khó khăn, hạn chế trong triển khai các chính sách liên quan đến hội cựu chiến binh tại địa phương.
Công tác xây dựng tổ chức hội cựu chiến binh vững mạnh toàn diện được quan tâm thực hiện. Tổ chức hội cựu chiến binh không ngừng được củng cố và tăng cường, có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, tích cực, chủ động trong công tác tham mưu, phối hợp.
Phong trào thi đua yêu nước của hội cựu chiến binh từ cơ sở đến tỉnh được triển khai ngày càng có hiệu quả, trọng tâm là phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Tới - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Tĩnh nêu một số bất cập trong quá trình triển khai công tác hội.
Thông qua các phong trào thi đua, cựu chiến binh đã góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giải phóng mặt bằng, di dời tái định cư phục vụ các dự án lớn, giữ gìn an ninh trật tự…
Lực lượng cựu chiến binh cũng tiên phong, gương mẫu trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng các trang trại, gia trại. Hiện nay, có 4.427 mô hình kinh tế do cựu chiến binh làm chủ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 22.598 người lao động.
Đồng chí Nguyễn Minh Triết - Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - thành viên đoàn khảo sát đánh giá cao hoạt động phối hợp của hội cựu chiến binh và đoàn thanh niên ở địa phương trong thực hiện chức năng giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Các hoạt động nhân đạo, từ thiện và nghĩa tình đồng đội được các cấp hội quan tâm tổ chức thực hiện tốt, trở thành nội dung hoạt động thường xuyên. Những năm qua, các cấp hội đã vận động, quyên góp ủng hộ xây dựng 324 “Nhà nghĩa tình đồng đội” giúp đỡ gia đình chính sách, gia đình cựu chiến binh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam/dioxin với số tiền hàng chục tỷ đồng…
Chế độ chính sách, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên cựu chiến binh được triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ. Công tác giao lưu, đối ngoại Nhân dân được quan tâm thực hiện, đặc biệt là với hội cựu chiến binh các tỉnh của nước bạn Lào…
Đồng chí Vy Tư Liệu - Vụ trưởng Vụ Đoàn thể - Nhân dân (Ban Dân vận Trung ương) - thành viên đoàn khảo sát đề nghị các cấp hội cựu chiến binh ở địa phương xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động công tác hội.
Quá trình triển khai Nghị quyết 09, vai trò, vị thế, uy tín của hội cựu chiến binh ngày càng được nâng lên, là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và quần chúng Nhân dân.
Tại buổi làm việc, đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả, phân tích những hạn chế, bất cập trong công tác hội cựu chiến binh tại địa phương như: công tác nhân sự hội cựu chiến binh ở cơ sở; việc kết nạp hội viên mới, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt hội; tạo điều kiện để hội cựu chiến binh phát huy vai trò trong hệ thống chính trị; việc thực hiện chế độ chính sách đối với cựu chiến binh; nguồn kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ cựu chiến binh…
Tiếp tục phát huy vai trò trong giai đoạn mới
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng thông tin khái quát tình hình, những kết quả nổi bật về chính trị, KT-XH của địa phương trong những năm gần đây; đồng thời khẳng định, trong thành quả chung đó, có vai trò quan trọng của MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội nói chung, hội cựu chiến binh nói riêng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng khẳng định, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 09, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện hiệu quả các nội dung của nghị quyết; quan tâm, tạo điều kiện để tổ chức hội cựu chiến binh các cấp hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn, vì vậy, đề nghị Trung ương có hướng dẫn cụ thể; đề xuất Quốc hội xem xét sớm ban hành Luật Cựu chiến binh Việt Nam; nghiên cứu ban hành văn bản mới thay thế Nghị quyết số 09 để phù hợp với công tác cựu chiến binh trong tình hình mới...
Thượng tướng Bế Xuân Trường phát biểu tại buổi làm việc.
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 09, Thượng tướng Bế Xuân Trường - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam ghi nhận những nỗ lực của hội cựu chiến binh các cấp ở Hà Tĩnh trong việc phát huy vai trò tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhân dân; góp phần phát triển, ổn định chính trị, KT - XH tại địa phương. Đồng thời nhấn mạnh, những kết quả trong quá trình thực hiện Nghị quyết 09 là cơ sở, tiền đề quan trọng để các cấp hội tiếp tục phát huy vai trò, khẳng định vị thế trong giai đoạn mới.
Thượng tướng Bế Xuân Trường đề nghị, trong thời gian tới, các cấp hội cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của công tác hội; phát huy vai trò, uy tín của hội cựu chiến binh, xứng đáng là niềm tin, chỗ dựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền, là cầu nối giữa Đảng - Nhà nước và Nhân dân.
Cùng với đó, cần chú trọng rèn luyện lực lượng cựu quân nhân; tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị để đáp ứng quy định về việc bố trí cán bộ hội ở cơ sở...
Theo Baohatinh.vn Tweet