Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Nguyễn Anh Tuấn chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
15:14 20/11/2020 1270
Công tác giáo dục Web.ĐTN: Nhân dịp kỷ niệm 38 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam đã tới thăm và chúc mừng các thầy cô giáo trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu và GS Lương Xuân Quỳ - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
Tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, thay mặt Ban Bí thư T.Ư Đoàn, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn gửi lời chúc mừng tốt đẹp đến Ban Giám hiệu, tập thể sư phạm nhà trường nhân kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam; đồng thời ghi nhận những đóng góp to lớn của tập thể sư phạm nhà trường nói chung và tâm huyết của cô giáo Phạm Thị Nga - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Đình Chiểu trong việc thực thiện mô hình giáo dục hòa nhập thí điểm, thể hiện triết lý giáo dục nhân văn giúp trẻ em yếu thế có cơ hội hòa nhập vào cộng đồng một cách tự nhiên. “Đây không chỉ là điểm sáng thành công về mô hình giáo dục hòa nhập mà còn thể hiện được tính nhân văn sâu sắc, chăm lo cho tất cả mọi đối tượng trong xã hội, không để ai bị ở lại phía sau”, anh Tuấn nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn tặng hoa chúc mừng cô giáo Phạm Thị Nga, hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Đình Chiểu nhân dịp kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam
Gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến cô hiệu trưởng và tập thể nhà trường, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư, Hội SVVN luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ với các hoạt động của trường Nguyễn Đình Chiểu, qua đó, góp phần phát triển, nhân rộng mô hình rộng lớn hơn nữa.
Cô giáo Phạm Thị Kim Nga - Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cho biết, từ năm 1988 đến nay, trường thực hiện mô hình dạy hoà nhập trẻ khiếm thị và trẻ không khuyết tật và đạt được thành công ngoài mong đợi. Cô Nga cho biết, trong số các em học sinh khiếm thị trưởng thành từ mái trường Nguyễn Đình Chiểu, có 2 em đã học xong chương trình Thạc sĩ tại Mỹ và Úc; 33 em đã học xong Đại học và Cao đẳng;…
Trong môi trường Nguyễn Đình Chiểu, những học sinh bị khiếm khuyết có cơ hội được thể hiện mọi suy nghĩ, ước mơ, khát vọng, phát triển năng khiếu trở thành người có ích cho xã hội. Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho rằng, với mô hình giáo dục hòa nhập, không chỉ học sinh khuyết tật được hỗ trợ, chăm lo mà chính những học sinh sáng cũng được vun đắp lòng nhân ái, tinh thần sẻ chia; qua đó nhận thức về xã hội tốt hơn rất nhiều.
“Những con số này đã khẳng định tính ưu việt, đúng đắn của mô hình giáo dục hòa nhập mà trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đang theo đuổi. Đây là cái nôi đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh khiếm thị trưởng thành, tài năng, có đóng góp trên nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội, thực sự trở thành những con người “tàn nhưng không phế đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, cô Phạm Thị Kim Nga nhấn mạnh.
Trò chuyện với GS.TSKH Lương Xuân Quỳ - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, TP. Hà Nội, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn bày tỏ sự tri ân sâu sắc tới GS Lương Xuân Quỳ - nhà giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước, là một nhà khoa học có những đóng góp to lớn cho quá trình hoạch định chính sách đổi mới của đất nước.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn tặng hoa chúc mừng GS.TSKH Lương Xuân Quỳ- Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, TP. Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam
Bí thư thứ nhát TƯ Đoàn bày tỏ mong muốn, trong phạm vi có thể, GS.TSKH Lương Xuân Quỳ tiếp tục đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm cho quá trình phát triển đất nước nói chung, với Đoàn, Hội nói riêng.
Bảo Anh Tweet