Nâng cao năng lực và bảo vệ quyền lợi của tình nguyện viên

18:24 29/11/2024     112

Hội nhập Quốc tế   ĐTN: Ngày 29/11/2024, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn quốc tế với chủ đề “Kinh nghiệm xây dựng và thực hiện chính sách đối với thanh niên tình nguyện” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Đồng chí Bùi Quang Huy, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình dự và chủ trì diễn đàn.

 

Đồng chí Bùi Quang Huy, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình dự và chủ trì diễn đàn.

 

Diễn đàn được kết nối trực tuyến tới các nước, gồm: ASEAN+4 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ), Australia, New Zealand, Pháp, Đức, Hunggary, Cộng hòa Séc; một số Tỉnh đoàn, Thành đoàn và Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực Tây Nguyên, miền Trung, miền Nam. 

Diễn đàn quốc tế Kinh nghiệm xây dựng và thực hiện chính sách đối với thanh niên tình nguyện là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm tăng cường hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách tình nguyện cho thanh niên giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức thanh niên của Việt Nam với các nước.

 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình phát biểu khai mạc tại diễn đàn 

 

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình cho rằng thanh niên không chỉ là lực lượng đại diện cho tương lai, mà còn là nguồn năng lượng sáng tạo và động lực phát triển của hiện tại. Trên toàn cầu, thanh niên tình nguyện đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách như bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ cộng đồng dễ bị tổn thương, thúc đẩy giáo dục, và xây dựng hòa bình.

“Có thể thấy, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi to lớn và phức tạp, sự đoàn kết, tinh thần cống hiến của thanh  niên trên toàn thế giới đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ, thể hiện rõ nét vai trò của thế hệ trẻ trong việc chung tay giải quyết các vấn đề lớn lao vượt qua biên giới quốc gia. Những đóng góp ấy không chỉ mang lại giá trị trực tiếp cho xã hội mà còn thể hiện trách nhiệm và tinh thần công dân toàn cầu của thế hệ trẻ.” Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh. 

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình, bên cạnh những thành quả mang lại, lực lượng thanh niên tình nguyện vẫn phải đối mặt với những thách thức,  khó khăn về môi trường làm việc, điều kiện an ninh và khác biệt về văn hoá…Do đó, để phát huy tối đa vai trò của thanh niên tình nguyện, chúng ta cần xây dựng và triển khai các chính sách phù hợp. 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng chính sách không chỉ là sự hỗ trợ về nguồn lực mà còn tạo động lực và môi trường thuận lợi để thanh niên có thể phát huy tiềm năng, gắn kết các phong trào tình nguyện với mục tiêu phát triển bền vững ở cấp quốc gia và quốc tế.

 

Đồng chí Lương Thị Hải Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ

 

Đồng chí Lương Thị Hải Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ, chia sẻ rằng trong những năm qua, Việt Nam luôn chú trọng khơi dậy và phát huy tối đa tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động tình nguyện của thanh niên. Theo đồng chí Lương Thị Hải Anh, điều cốt lõi là xây dựng một môi trường thuận lợi, khuyến khích thanh niên tích cực tham gia. Điều này đòi hỏi phải có các quy định rõ ràng về chính sách, đảm bảo an ninh, an toàn, cũng như trang bị các kỹ năng cần thiết để thanh niên tự tin thực hiện các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

 

Đồng chí Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam phát biểu tham luận tại diễn đàn 

 

Chia sẻ qua điểm cầu trực tuyến, đại diện Trung tâm tình nguyện châu Âu (CEV) cho biết, CEV chú trọng thúc đẩy hoạt động tình nguyện ở cấp địa phương.

Đồng thời, CEV thúc đẩy sự kết nối giữa các lĩnh vực và ngành nghề nhằm mở rộng cơ hội việc làm cho người dân châu Âu đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, giúp việc tham gia hoạt động tình nguyện trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn. Với mạng lưới hợp tác gồm 60 tổ chức thành viên tại các quốc gia châu Âu, CEV tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực trên toàn khu vực.

 

Đại diện các đại sứ quán đang làm việc tại Việt Nam  

 

Đại diện CEV nhấn mạnh rằng, các hoạt động tình nguyện không chỉ mang lại nhiều giá trị tích cực cho thanh niên mà còn góp phần nâng cao kỹ năng tìm kiếm việc làm, đồng thời mở ra cơ hội để họ phát triển thành những công dân độc lập và tự chủ.

 

Các bạn đoàn viên, thanh niên tham gia Diễn đàn quốc tế với chủ đề “Kinh nghiệm xây dựng và thực hiện chính sách đối với thanh niên tình nguyện”

 

Diễn đàn còn có sự tham gia của đại diện Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực Tây Nguyên, miền Trung và miền Nam

 

Đại diện CEV đề xuất cần xây dựng cơ chế công nhận và xác nhận kiến thức mà người trẻ tích lũy được thông qua các hoạt động tình nguyện. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức tình nguyện, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện để thanh niên tham gia và đóng góp hiệu quả cho xã hội thông qua các hoạt động này.

 

Đồng chí Bùi Quang Huy, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam phát biểu bế mạc diễn đàn quốc tế với chủ đề “Kinh nghiệm xây dựng và thực hiện chính sách đối với thanh niên tình nguyện”

 

Phát biểu bế mạc diễn đàn, đồng chí Bùi Quang Huy, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam cho biết diễn đàn đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng, trong đó là: Đánh giá vai trò, vị trí và sự tham gia của thanh niên các nước trong hoạt động tình nguyện và sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, cũng như các nước trong xây dựng và thực hiện chính sách đối với thanh niên tình nguyện; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy hoạt động tình nguyện cho thanh niên. 

Thay mặt Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, đồng chí Bùi Quang Huy mong muốn, tăng cường hoạt động nhằm bồi đắp cho thanh niên Việt Nam và thanh niên các nước tinh thần không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng tiên phong, tình nguyện, thúc đẩy, lan tỏa tinh thần đoàn kết, hòa bình, ổn định và phát triển của từng quốc gia, trong khu vực, trên thế giới. Qua đó, góp phần thúc đẩy và lan tỏa tinh thần đoàn kết, hòa bình, ổn định, và phát triển tại mỗi quốc gia, trong khu vực và trên toàn thế giới.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại chương trình 

 

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp triển khai các chương trình, dự án thanh niên tình nguyện song phương, đa phương vì lợi ích cộng đồng, xã hội; đẩy mạnh kết nối mạng lưới thanh niên tình nguyện quốc gia, quốc tế. Đồng thời, tổ chức hoạt động để thanh niên trao đổi, đề xuất ý tưởng, sáng kiến và có giải pháp hỗ trợ các đề xuất, ý tưởng, sáng kiến của thanh niên trở thành hiện thực. 

“Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ và tổ chức quốc tế; sự tham gia, hợp tác của các tổ chức và doanh nghiệp đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông về các hoạt động tình nguyện quốc tế của thanh niên; nâng cao năng lực và bảo vệ quyền lợi của tình nguyện viên, nhất là về bảo hiểm, y tế, hỗ trợ pháp lý, việc làm cho thanh niên sau khi tham gia tình nguyện”, đồng chí Bùi Quang Huy nhấn mạnh. 

Đồng chí Bùi Quang Huy mong muốn các quốc gia sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam có thêm tài liệu tham khảo trong việc xây dựng các chính sách dành cho thanh niên tình nguyện, đặc biệt là trong việc ứng dụng chuyển đổi số và sử dụng các công cụ số để huy động và kết nối nguồn lực.

 

Minh Hiển