Sự kiện tập kết ra Bắc 1954 – một chủ trương chiến lược và ý nghĩa xuyên thời đại
14:49 26/11/2024 112
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cả nước đang trong những ngày kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) diễn ra từ ngày 10 đến ngày 26-11-2024. Nhìn lại 70 năm diễn ra sự kiện lịch sử, một lần nữa minh chứng cho thấy sự sáng suốt và đúng đắn của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam.
Chủ trương và chính sách sáng suốt này đã góp phần tạo nền tảng vững chắc cho cách mạng thành công, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975 và làm tiền đề quan trọng cho lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn xây dựng, bảo vệ và phát triển nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong thời kỳ mới.
Bác Hồ với thiếu nhi và cán bộ miền Nam tập kết ở Hà Nội năm 1956.
Ảnh: TL
Bối cảnh
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 buộc Pháp phải ký hiệp định Giơ-ne-ve (21-7-1954) về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trong điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-ve đã quy định lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quận sự tạm thời để lực lượng hai bên tập kết, quân đội Nhân dân Việt Nam tập kết ra Bắc, quân đội liên hiệp Pháp ở phía Nam. Giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, không có giá trị ranh giới hay lãnh thổ. Vì vậy, sau Hiệp định Giơ-ne-ve, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền (từ vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị), hai năm sau Hiệp định sẽ tiến hành tổ chức tổng tuyển cử. Tuy nhiên, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy dã tâm của kẻ thù là phá hoại hiệp định Giơ-ne-ve, đồng thời muốn xâm chiếm và chia rẽ đất nước.
Trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh bố trí một số cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo cuộc chiến đấu, đồng thời thực hiện việc chuyển quân, tập kết ra Bắc. Vì vậy, đã tổ chức đưa hàng vạn con em, chiến sĩ, đồng bào, cán bộ ở miền Nam ra Bắc học tập, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ vừa phục vụ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Hoạt động chuyển quân ở miền Nam
Thực hiện điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-ve, Việt Nam thực hiện đợt chuyển quân tập kết ra Bắc từ ngày 6-10-1954 đến ngày 10-2-1955 tại ba địa điểm: (1) Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân (Bình Thuận), Xuyên Mộc (Bà Rịa Vũng Tàu); (2) Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười (tỉnh Long Châu Sa) nay là tỉnh Đồng Tháp; (3) Khu tập kết 200 ngày ở Cà Mau.
Cuộc chuyển quân lịch sử. Ảnh:TL
Chỉ trong vòng một tháng, lực lượng tập kết đã hành quân an toàn về các khu vực tập kết theo quy định, trong sự tiễn đưa lưu luyến của nhân dân địa phương. Từ ngày 26-8-1954, các con tàu vận tải bắt đầu đưa những đoàn cán bộ chiến sĩ tập kết của Nam Bộ ra miền Bắc. Ngày 25-9-1954, đoàn chuyển quân đầu tiên ở khu vực Hàm Tân - Xuyên Mộc cập bến Sầm Sơn.
Ngày 29-10-1954, chuyến tàu cuối cùng rời bến Bắc Cao Lãnh chở đoàn quân tập kết ra Bắc. Điểm xuất phát tại thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (nay thuộc khu phố 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) được chọn làm điểm tập kết chuyển quân ra miền Bắc trong 100 ngày. Với tinh thần “Đi vinh quang, ở anh dũng”, tỉnh Long Châu Sa đã đón tiếp và đưa tiễn 13.508 cán bộ, chiến sỹ và con em miền Nam và quân tình nguyện xuống tàu tập kết ra Bắc, trong đó tỉnh Long Châu Sa có 2.563 người. Tại Cao Lãnh là nơi chuyên chở bộ đội, cán bộ, con em gia đình cách mạng từ bến Bắc Cao Lãnh ra Vũng Tàu, rồi từ Vũng Tàu chạy ba ngày đêm ra đến nơi đổ quân là Sầm Sơn (Thanh Hóa). Tháng 9-2017, tỉnh Đồng Tháp đầu tư xây dựng Di tích Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 bên bờ sông Tiền, bên bến phà Cao Lãnh với khuôn viên 12.000m2, với các hạng mục: tượng đài, phù điêu, sân lễ đài, sân đường, hoa viên cây xanh…, đến năm 2019 đưa vào sử dụng. Ngày 29-10-2024, khu di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Điểm tập kết tại Cà Mau với thời gian từ ngày 21-7-1954 đến 10-2-1955 (200 ngày); trung tâm của khu vực tập kết là kênh Xáng Chắc Băng (nối ngã ba sông Trẹm, thị trấn Thới Bình đến ngã ba sông Cái Lớn, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang). Đây là điểm tập kết lực lượng vũ trang của các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Châu Hà và tình nguyện viên Việt Nam ở Căm-pu-chia. Trong 200 ngày đó, Đảng tổ chức, xây dựng vùng tập kết với nhiều hoạt động như cấp ruộng đất, hướng dẫn thay đổi tập quán canh tác, kỹ thuật sản xuất, ăn uống, đi lại….
Điểm tiếp nhận Tập kết ở miền Bắc
Với tinh thần “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” cho thấy sự nhất quán của Đảng và Bác Hồ về tính thống nhất, không thể chia rẽ, tách rời Nam bộ khỏi Việt Nam; về thắng lợi tất yếu của sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Nam Bắc là một nhà, là anh em ruột thịt, quyết không thể chia cắt được”, đồng bào miền Bắc đã chuẩn bị chu đáo và chào đón những người con miền Nam tập kết ra Bắc.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thanh Hóa là địa phương được giao nhiệm vụ đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh, sinh viên từ miền Nam. Ngày 25-9-1954, chiếc tàu đầu tiên từ miền Nam đến cửa lạch Hới, xã Quảng Tiến (Sầm Sơn). Đợt chuyển quân này, Thanh Hóa tổ chức đón đoàn 7 đợt với 45 chuyến tàu, gồm: 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam. Để đón tiếp đoàn, tỉnh Thanh Hóa điều động hàng trăm cán bộ giúp việc như xây nhà, dựng lán, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nơi ăn, chốn ở…Tại thời điểm đó, còn xây dựng bệnh viện bằng tranh, tre, nứa, lá với quy mô 800 giường bệnh do Bộ Y tế quản lý, thành lập tại Sầm Sơn một trạm cấp cứu, hai trạm khám sức khỏe ở xã Hoằng Lộc, Hoằng Quang (huyện Hoằng Hóa). Bệnh xá ở Thiệu Đô (Thiệu Hóa) khám chữa bệnh cho các đồng chí, đồng bào miền Nam bị thực dân Pháp cầm tù, tra tấn ở nhà lao Chí Hòa, và khám chữa bệnh cho các cháu thiếu nhi từ Nam ra Bắc học tập. Ngoài ra, nhân dân Thanh Hóa ủng hộ chăn màn, quần áo, lương thực, thực phẩm như: gà, vịt, cà chua, cá, mộc nhĩ, gạo…. Sau khi tập kết tại Thanh Hóa, đoàn cán bộ, chiến sĩ, học sinh, sinh viên được phân công tới các tỉnh khác như: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng để lao động, học tập và công tác.
Ý nghĩa lịch sử có tính thời đại của sự kiện
Ý nghĩa việc quyết định đưa cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam ra Bắc tập kết thời bấy giờ, được minh chứng bằng thực tiễn 70 năm qua, đây là một quyết định lịch sử mang tầm chiến lược thể hiện sự sáng suốt, tài tình, tầm nhìn xa, trông rộng và thể hiện chủ trương xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, cách mạng liên tục và không ngừng sáng tạo. Đây là quyết định mang tính chiến lược, không chỉ về việc tập kết quân đội mà còn về cách thức quản lý, sử dụng và bồi dưỡng lực lượng. Không đơn thuần là cuộc di chuyển để bảo đảm tuân thủ Hiệp định Giơ-ne-ve mà còn là kế hoạch dài hạn trong việc đào tạo một thế hệ cán bộ cho cách mạng. Những người ra Bắc đã tiếp tục học tập, rèn luyện để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước sau này.
Cuộc chuyển quân lịch sử minh chứng rằng, sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, nhân dân hai miền Nam Bắc luôn đoàn kết một lòng để vượt qua khó khăn, gian khổ trong xây dựng và chiến đấu ở mọi thời kỳ cách mạng của dân tộc, viết nên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Việc quyết định tập kết ra Bắc đã tạo nền tảng vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này, khẳng định tầm quan trọng của sự thống nhất trong tư duy lãnh đạo và chiến lược hành động của Đảng.
Bên cạnh đó, sau khi hoàn thành sứ mệnh “kép” chuẩn bị xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, phục vụ đắc lực cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, những cán bộ, đảng viên và người con miền Nam tập kết ra Bắc đã thực hiện “một cuộc cách mạng đặc biệt” và là một bài học lịch sử vô giá cho thấy sự sáng suốt và tầm nhìn chiến lược, xuyên thời đại của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thời điểm lịch sử. Từ tiền đề quan trọng này, giúp công cuộc thống nhất đất nước trên các bình diện kinh tế, xã hội và ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong gần 50 năm qua một cách hiệu quả, mang lại thành công và trở thành một hình mẫu quan trọng trong con đường cách mạng độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đối với thế giới.
Dưới góc độ phát triển, một trong những trụ cột quan trọng thấy được trong sự phát triển của bất cứ địa phương, vùng miền, quốc gia, đó là các vấn đề về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, các nguồn lực khác,… thì việc thực hiện chủ trương tập kết ra bắc của Đảng và Bác Hồ đã giúp triển khai được khâu “then chốt của mọi then chốt”, đó là chuẩn bị “nguồn nhân lực” - tức lực lượng cốt lõi của cách mạng, đó là các cán bộ, đảng viên, những người có chuyên môn, hiểu biết hệ thống và nắm vững thể chế Việt Nam đang xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, do đó, sẽ thuận lợi cho việc kết nối và hoàn thiện, triển khai hiệu quả ở miền Nam sau khi thống nhất. Việc chuẩn bị lực lượng tập kết ra Bắc này đã góp phần “hóa giải” được các “điểm nghẽn” về thực thi thể chế quốc gia chung ở miền Nam trong giai đoạn đầu thống nhất và xuyên suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phát triển toàn diện, với thế và lực mới của Việt Nam ngày càng được thể hiện rõ như ngày hôm nay.
Nhiều hoạt động kỷ niệm
Để khắc ghi và tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời khẳng định sự sáng suốt và tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ trong những giai đoạn khó khăn của lịch sử dân tộc để đưa cách mạng giành thắng lợi và độc lập, tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay, Đảng và Nhà nước cũng như chính quyền các địa phương đã thực hiện nhiều hoạt động có vai trò ý nghĩa to lớn, giúp giáo dục, rèn luyện những giá trị truyền thống tốt đẹp của Đảng, dân tộc cho các thế hệ trẻ.
Ngày 2-1-2024, tỉnh Cà Mau khởi công xây dựng cụm công trình Tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954, công trình có qui mô hơn 10 ha, nằm ở bờ nam cửa sông Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Sông Ông Đốc là cửa biển lớn nhất và sầm uất nhất tỉnh Cà Mau và được chọn làm bến tập kết 200 ngày đêm để đưa bộ đội và đồng bào miền Nam ra bắc. Đây cũng là một trong ba điểm tập kết lớn của các tỉnh Nam Bộ để các chuyến tàu tập kết chuyên chở hàng trăm nghìn cán bộ, bộ đội, nhân dân, thiếu nhi của miền Nam ra miền Bắc. Hướng đến kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) diễn ra từ ngày 10 đến ngày 26-11-2024, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều sự kiện như: “Hẹn ngày thống nhất tại khu vực Tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc - thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau”; “Tái hiện 200 ngày sự kiện tập kết ra Bắc tại xã Trí Lực, Trí Phải huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau”; lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955; cùng với các hoạt động Hội chợ thương mại; trưng bày triển triển lãm hình ảnh, hiện vật, tài liệu, sách báo…
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thực hiện nghi thức khánh thành Khu lưu niệm.
Hiện nay, tại điểm tập kết lạch Hới, Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đầu tư, xây dựng Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh, sinh viên miền Nam tập kết ra Bắc với cụm công trình biểu tượng “Con tàu kí ức” vào năm 2022 và khánh thành vào tháng 10-2024, hướng đến kỉ niệm 70 năm Sầm Sơn đón chuyến tàu đầu tiên tại cảng Hới. Khu lưu niệm rộng 40.000 m2 với khu A là trung tâm với tượng đài hình con tàu và bức phù điêu hình cánh cung, nhà trưng bày hiện vật, hình ảnh con tàu lớn chở đoàn từ miền Nam ra Bắc…Trong đó con tàu được xây dựng với 3.200 m2, cao 12 m; Khu B là nơi tái hiện hình ảnh lán trại, nơi ăn ở của đồng bào, chiến sĩ, học sinh, sinh viên miền Nam. Tại TP. Sầm Sơn, tối 27-10, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ kỷ niệm và khánh thành Khu lưu niệm “70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc”, với chủ đề: “Quê Thanh, nghĩa Bắc - tình Nam”. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam vô cùng xúc động và tự hào.
Ngoài các địa phương được tập trung chủ yếu liên quan trực tiếp đến sự kiện kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc của cán bộ, chiến sĩ và những người con miền Nam, thì các ban, bộ, ngành và nhiều địa phương cũng đã tổ chức các sự kiện nhằm giáo dục truyền thống cách mạng và làm rõ ý nghĩa của sự kiện trong bối cảnh mới hiện nay.
Theo XDĐ Tweet