Những trò lố của Việt Tân trong dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới

16:47 18/12/2024     202

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng   ​​​​​​​Một trong những tổ chức thường xuyên đưa ra các trò lố dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới để thực hiện các hành động chống phá Việt Nam là Việt Tân.

Những hoạt động của tổ chức này dưới vỏ bọc bảo vệ nhân quyền, dân chủ song thực chất là nhằm mục tiêu gây rối an ninh trật tự, phá hoại sự ổn định đất nước, tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Hằng năm, Ngày Nhân quyền thế giới 10/12 được tổ chức với nhiều quy mô khác nhau tại khắp nơi trên thế giới, là dịp để kỷ niệm việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền vào ngày 10/12/1948. Đây là một trong những sự kiện quan trọng của Liên hợp quốc nhằm công nhận và bảo vệ quyền con người mà không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, giới tính, địa giới hay địa vị xã hội. Thế nhưng, đi ngược mục đích, ý nghĩa tốt đẹp ấy, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lại có những chiêu trò lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá Việt Nam.

Những trò lố của Việt Tân

Một trong những tổ chức thường xuyên đưa ra các trò lố dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới để thực hiện các hành động chống phá Việt Nam là Việt Tân. Những hoạt động của tổ chức này dưới vỏ bọc bảo vệ nhân quyền, dân chủ song thực chất là nhằm mục tiêu gây rối an ninh trật tự, phá hoại sự ổn định đất nước, tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Theo đó, có thể nhận diện trò lố của Việt Tân qua những điểm sau:

 

Hình ảnh lố bịch được Việt Tân tung lên mạng.

 

Thứ nhất, Việt Tân tiến hành các cuộc biểu tình tại một số quốc gia như Na Uy, Đức, Úc, Canada… để vu cáo Việt Nam “đàn áp nhân quyền”. Trong các cuộc biểu tình, Việt Tân đã đưa ra những biểu ngữ sai sự thật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Tổ chức này đưa thông tin sai trái rằng, “dưới chế độ độc tài, người dân Việt Nam không có dân chủ, tự do” và cho rằng chính quyền Việt Nam đang thực hiện những hành vi đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến; miệt thị, xuyên tạc Việt Nam “bịt miệng” quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận.

Thứ hai, tổ chức livestream bình luận về nhân quyền Việt Nam. Một trong những chiêu trò quen thuộc của Việt Tân trong dịp này được sử dụng các nền tảng mạng xã hội để tiến hành phát trực tiếp, bình luận về vấn đề dân chủ, nhân quyền; sử dụng các kênh truyền thông trực tuyến như Facebook, YouTube và các nền tảng mạng xã hội khác để phát sóng các chương trình bình luận, đánh giá về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Những buổi phát trực tiếp này thường có sự tham gia, dẫn dắt bởi các đối tượng phản động, thù địch với Việt Nam núp dưới vỏ bọc với tên gọi hết sức mĩ miều như “nhà dân chủ”, “người đấu tranh vì công lý”, “luật sư nhân quyền”…

Thứ ba, tổ chức ra cái gọi là “giải thưởng nhân quyền”. Kể từ năm 2018, Việt Tân đã rêu rao cái gọi là “Giải thưởng Nhân quyền Lê Đình Lượng” để cổ xúy, tán dương cho những cá vi phạm pháp luật Việt Nam. Năm nay trên trang Facebook, Việt Tân đưa ra bài viết với tiêu đề rất mĩ miều “Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng 2024 công lý cho dân tộc, công bằng cho mọi người”, nhằm “chống phân biệt đối xử và thúc đẩy bình đẳng trong xã hội”, để “xiển dương tinh thần đấu tranh cho dân sinh dân quyền của nhà hoạt động Lê Đình Lượng”. Cá nhân được Việt Tân xướng tên là Y Krếc Byă, thuộc “Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên”.

Thứ tư, một trong những luận điệu phổ biến mà Việt Tân và các tổ chức phản động khác thường xuyên sử dụng trong dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới là kêu gọi sự tự do, dân chủ theo kiểu phương Tây, kêu gọi các chính phủ, tổ chức phi chính phủ sử dụng nhân quyền như một công cụ để can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam.

Như vậy, với những âm mưu, thủ đoạn trên, Việt Tân bên cạnh xuyên tạc, phủ nhận thành tựu nhân quyền của Việt Nam còn đánh tráo bản chất, làm méo mó giá trị dân chủ, nhân quyền; dẫn dắt mọi người đến những thông tin sai trái, tiêu cực; từ đó, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, hệ thống chính trị; hạ bệ vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đây là chiêu trò quen thuộc của Việt Tân mượn vấn đề nhân quyền để chống phá Việt Nam. Mỗi năm, Việt Tân lại biến tấu, diễn những trò lố nhằm thu hút sự theo dõi của dư luận trong và ngoài nước, thực chất là vì lợi ích của tổ chức này, hoàn toàn trái ngược với lợi ích quốc gia – dân tộc. Trong đó việc trao cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” là một ví dụ. “Giải thưởng nhân quyền” vốn là một danh hiệu được trao cho những cá nhân, tổ chức có những đóng góp, cống hiến quan trọng trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn cầu. Tuy nhiên, trường hợp “Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” mà Việt Tân đưa ra không mang ý nghĩa như vậy, không mang lại giá trị nhân quyền trên thực tế.

Nhìn vào bản danh sách trao giải trong những năm qua có thể thấy những cá nhân được Việt Tân tôn vinh đều là đối tượng có hành vi chống phá chính quyền và những đối tượng này thường xuyên có mối quan hệ mật thiết với các tổ chức phản động ở nước ngoài, những tổ chức nhân quyền có thái độ thù địch với Việt Nam. Trường hợp Y Krếc Byă thuộc “Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên” cũng là một trong số đó. Mặt khác, tổ chức đứng ra phát động và trao giải - tổ chức Việt Tân không có tư cách pháp lý để trao giải thưởng nhân quyền, vì bản thân tổ chức này đã bị Bộ Công an Việt Nam đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố vào ngày 4/10/2016.

Mặc dù Việt Tân ngợi ca dân chủ, nhân quyền phương Tây nhưng có một thực tế cho thấy, nhiều quốc gia phương Tây tuy thường xuyên đề cao về quyền tự do, dân chủ lại chính là nơi có những vấn đề về bất bình đẳng xã hội, phân biệt chủng tộc. Việc áp dụng mô hình dân chủ, nhân quyền phương Tây vào Việt Nam là không hợp lý, không đúng với luật pháp, công ước quốc tế bởi vì mỗi quốc gia đều có một hoàn cảnh, nền văn hóa và truyền thống riêng, có sự lựa chọn con đường phát triển không giống nhau. Đối với Việt Nam là con đường độc lập dân tộc và CNXH để bảo đảm mọi người dân được hưởng thụ đầy đủ các quyền con người. Vì vậy, không thể có bất kỳ ai, lực lượng nào có thể thay đổi con đường mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta đã lựa chọn.

Minh chứng thành tựu thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam

Xuyên suốt tiến trình bảo đảm, thúc đẩy nhân quyền cho tất cả mọi người trên thực tế, sẽ là thiếu khách quan nếu như không thấy được những khó khăn của đất nước vốn xuất phát điểm từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị bao vậy, cấm vận... Song tất cả vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, Đảng ta đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua muôn vàn trở ngại, thử thách.

Thực tiễn qua gần 40 năm thực hiện đổi mới cho thấy, kết quả vận dụng lý luận của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần thúc đẩy nhân quyền cho nhân dân. Tốc độ tăng trưởng vẫn duy trì được ở mức khá cao, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2023 đạt khoảng 6%/năm. Quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên với GDP đạt 430 tỷ USD năm 2023, nằm trong nhóm 35 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

GDP bình quân đầu người tiếp tục tăng nhanh, đạt hơn 4.200 USD năm 2023, qua đó Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp để gia nhập nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm từ 4,03% năm 2022 xuống 2,93% năm 2023. Chỉ số phát triển con người (HDI) liên tục cải thiện, đạt 0,73 điểm năm 2023, cao hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập.

Về độ bao phủ, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội của cả nước đạt khoảng 39,25% so với lực lượng lao động trong độ tuổi với 18,26 triệu người. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt gần 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi với 14,7 triệu người. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,35%. Hiện nay, Việt Nam có hơn 78 triệu người sử dụng Internet (xếp thứ 13 thế giới về số lượng người dùng, tăng 21% so với năm 2019), số thuê bao băng rộng di động là 86,6 triệu (tăng 38% so với năm 2019). Tốc độ truy cập internet băng rộng di động đạt 48,29 Mbps (tăng 26,28% so với năm 2022), xếp thứ 45 và cao hơn trung bình thế giới là 42,35 Mbps). Mạng lưới viễn thông phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc; hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% xã, phường, thị trấn, 91% thôn, bản, 100% trường học và 78,3% số hộ gia đình.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia 7/9 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Hiện nay Việt Nam đang xem xét khả năng gia nhập Công ước về Người mất tích cưỡng bức (CPED) và Công ước về Quyền của người lao động di cư và thành viên gia đình họ (CMW). Bên cạnh các điều ước quốc tế về quyền con người cơ bản nêu trên, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế khác liên quan đến việc bảo vệ quyền con người và luật nhân đạo quốc tế.

Năm 1994, Việt Nam trở thành thành viên ILO, từ đó đến nay nước ta đã gia nhập 25 công ước của ILO, trong đó 7/8 công ước cơ bản của ILO có liên quan đến các lĩnh vực thương lượng tập thể, phòng chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Vào tháng 6/2020, Việt Nam phê chuẩn Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức và tiếp tục nghiên cứu việc tham gia Công ước số 87 về Tự do hiệp hội và bảo vệ quyền tổ chức.

Việt Nam đã và đang thực hiện đầy đủ các cam kết đối với các công ước quốc tế về quyền con người mà nước ta đã tham gia, trong đó bảo đảm tính tương thích pháp luật quốc gia phù hợp với các quy định của các công ước; thực thi các biện pháp lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm quyền con người; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nội dung các công ước; soạn thảo và đệ trình báo cáo quốc gia định kỳ về việc thực hiện các công ước; hợp tác quốc tế trong việc thực hiện các công ước; xây dựng các chương trình quốc gia để thực hiện những cam kết quốc tế về quyền con người. Nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử là nền tảng xuyên suốt các văn bản pháp luật Việt Nam, tạo tiền đề cho việc bảo đảm và phát huy các quyền của người dân trên từng lĩnh vực cụ thể.

Những thành tựu trên các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân là hết sức cụ thể, sinh động, cùng với đó là uy tín, vị thế đất nước ngày càng nâng cao trên trường quốc tế. Đó là những minh chứng rõ ràng phản bác các âm mưu, thủ đoạn chống phá, các luận điệu sai trái, xuyên tạc của của các thế lực thù địch, phản động.

Theo CAND