Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ra đời trong hoàn cảnh nào

14:13 10/01/2025     263

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng   Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930/03-02-2025)

Sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng ra đời có ảnh hưởng lớn đến Đảng Tân Việt. Đảng Tân Việt, sau nhiều lần đổi tên, một số bị đào thải, một số chán nản không tham gia đấu tranh nữa, còn lại một bộ phận trung kiên là một số thanh niên tích cực, có xu hướng cộng sản rõ rệt. Nhân dịp này, họ muốn sáp nhập vào Đông Dương Cộng sản đảng. Nhưng sau mấy lần giao thiệp không có kết quả.

Như trong lời Tuyên đạt của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, tháng 9-1929, đã thông cáo rằng: “…Việt Nam Cách mệnh Thanh niên Hội không đồng nhất chính kiến đã tách ra lập nên hai bộ phận cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản chi bộ, cùng tiến hành vận động cộng sản theo chương trình của Đệ tam Quốc tế, còn Tân Việt Cách mệnh Đảng thì đa số người dẫn đạo ngày càng sa vào hoạt động có xu hướng quốc gia cải lương dẫn quần chúng đảng viên chịu ảnh hưởng của mình đi sai đường lối của Đệ tam Quốc tế. Do đó mà đường thương lượng với hai bộ phận cộng sản để hợp nhất cơ sở cách mạng đã tiến hành khá nhiều lần vẫn không thành; hoàn cảnh này không thể để cho các người dẫn đạo Tân Việt Cách mệnh Đảng dẫn quần chúng lao khổ đi sai đường lối của Đệ tam Quốc tế bè phái chia rẽ với hai bộ phận cộng sản”[1].

 

 

Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ra đời trong hoàn cảnh nào?

Trước ngày 14-7-1929, Tổng bộ Tân Việt bị thực dân Pháp bắt hết, nhưng số đảng viên còn lại đông. Trong số đó, có một số người gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng, số đông còn lại cũng muốn vào Đảng Cộng sản, nhưng còn chờ đợi ý kiến của cấp lãnh đạo. Do tình hình nói ở trên nên những người giác ngộ cộng sản chân chính trong Tân Việt Cách mệnh Đảng trịnh trọng tuyên ngôn “cùng toàn thể đảng viên Tân Việt Cách mệnh Đảng, toàn thể thợ thuyền dân cày và lao khổ biết rằng chúng tôi đã chính thức lập ra Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (9-1929)”[2].

Để Đông Dương Cộng sản Liên đoàn có thể ra đời và hoạt động được, bản Tuyên đạt đã vạch rõ: “một mặt phải xây dựng cơ sở chi bộ của Liên đoàn tức là thực hành cải tổ Tân Việt Cách mệnh Đảng thành đoàn thể cách mệnh chân chính để vận động quần chúng lao khổ đấu tranh, chống chủ nghĩa đế quốc Pháp và phong kiến Nam triều và địa chủ chế độ đòi quyền lợi chính trị, kinh tế cho lao khổ Đông Dương; một mặt khác Liên đoàn phải tiếp tục thương lượng với hai bộ phận cộng sản liên hợp thành một tổ chức cộng sản ở xứ Đông Dương để cho sức mạnh cộng sản vững chắc và duy nhất mới có thể thực hành cách mệnh cộng sản được”. Đồng thời khẳng định: Tân Việt Cách mạng Đảng không còn là một đoàn thể cách mạng chân chính; kêu gọi đảng viên, thợ thuyền, dân cày, binh lính, học sinh, phụ nữ, thanh niên và tất cả lao khổ Đông Dương - bất kể ai thừa nhận điều lệ của Đệ tam Quốc tế và của Liên đoàn hãy gia nhập vào tổ chức.

Sau một thời gian chuẩn bị, theo kế hoạch đã định, tối 28-12-1929, các đại biểu gặp nhau ở ga Chợ Thượng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) được Nguyễn Xuân Thanh (Chắt Bảy) đón về nhà. Theo hồi ký Những sự kiện trên sông Đò Trai của Nguyễn Công Phượng thì hội nghị thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn họp tại nhà anh Thanh (sát ngay cạnh phủ đường Đức Thọ, khai mạc vào sáng 31-12-1929).

Tham dự hội nghị có 8 người, là Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều) đại biểu Trung Kỳ; Trần Hữu Chương đại biểu Nam Trung Kỳ; Ngô Đình Mẫn đại biểu Bắc Kỳ; Ngô Đức Đệ, cán bộ Tổng bộ Tân Việt; Nguyễn Trọng Tấn, cán bộ kỳ bộ Trung Kỳ phụ trách Trường Thi; Nguyễn Xuân Thành, thợ nhà máy xe lửa Trường Thi; Lê Tiềm cán bộ kỳ bộ Trung Kỳ; Trần Đệ Quả, cán bộ tổng bộ, phụ trách thanh niên.

Hội nghị họp sang ngày thứ hai (1-1-1930) thì bị lộ nên rút xuống một con đò theo sông La xuống cống Trung Lương vào Đò Trai thì bị toán lính do Tri phủ Đức Thọ là Tôn Thất Dương đuổi theo, bắt đưa về phủ, rồi giải vào Hà Tĩnh, giam đến ngày 10-1, giải ra Vinh. Chính trên đò Đức Thọ - Đò Trai, cuộc họp vẫn tiếp tục thảo luận đặt tên Đảng (do Hải Triều đề nghị) và trên đường giải từ Đức Thọ vào Hà Tĩnh rồi giải ra Nghệ An, Cương lĩnh của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn cũng được vạch xong và truyền ra ngoài... Do vậy, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ra đời nhưng chưa có Ban Chấp hành Trung ương.

 

Bến Đò Trai (Đức Thọ, Hà Tĩnh) nơi thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

 

Đến cuối năm 1929, có thể thấy rằng cách mạng Đông Dương nói chung, cách mạng Việt Nam nói riêng đã có 3 tổ chức Cộng sản. Cả ba tổ chức cộng sản đều chủ trương đường lối không có gì sai trái nhau. Nhưng nhóm nào cũng tự nhận mình là đại biểu chân chính của giai cấp công nhân và bảo nhóm khác là “đầu cơ”, là “hoạt đầu”, là “gà đeo lông công”.

Xung đột gay gắt nhất là giữa Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng, đả kích nhau về cá nhân và tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng. Tuy vậy, cũng trong dịp này, do sự nỗ lực ganh đua của những tổ chức cộng sản, phong trào công nhân càng được đẩy mạnh. Những truyền đơn cổ động ký tên đảng này hay đảng khác, những báo chí của mỗi đảng xuất bản và phát ra ngày càng nhiều. Những cuộc bãi công, biểu tình, mít tinh cho đến những tổ chức quần chúng, cạnh tranh công, giành quyền… là tinh thần ganh đua nhau sôi nổi. Còn đối với Quốc tế cộng sản, nhóm nào cũng tìm cách vận động cho mình được công nhận chính thức. Tình trạng này không thể kéo dài mãi. Đã đến lúc đảng của giai cấp công nhân phải thống nhất lại dưới một cơ quan chỉ đạo duy nhất để đẩy cho phong trào cách mạng Việt Nam tiến lên.

Như vậy, sự chuyển biến của số đông đảng viên Tân Việt theo chủ nghĩa cộng sản là phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của phong trào yêu nước cách mạng nước ta thời kỳ đó. Nó góp phần làm suy yếu và đánh bại chủ nghĩa cải lương và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đồng thời tăng cường thêm sức mạnh cho giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Do ảnh hưởng của hai tổ chức Cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ ra đời trước đó. Vì vậy, địa bàn hoạt động của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn chủ yếu ở các tỉnh Bắc Trung Kỳ. Sự ra đời của các tổ chức cộng sản là một xu thế khách quan của cuộc vận động giải phóng dân tộc ở nước ta theo con đường cách mạng vô sản. Nhưng 3 tổ chức cộng sản cùng song song tồn tại, thiếu sự nhất trí trong lãnh đạo, chỉ đạo, gây trở ngại cho phong trào cách mạng Việt Nam đang lên mạnh mẽ. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho cách mạng Việt Nam là phải có một chính đảng cộng sản của giai cấp công nhân thống nhất trong cả nước.

Thống nhất các tổ chức cộng sản là sự đòi hỏi cấp thiết của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, cũng là sự đòi hỏi của Quốc tế cộng sản, cơ quan lãnh đạo phong trào công nhân và cuộc đấu tranh cách mạng toàn thế giới. Ngày 6-1-1930 (sau này lấy ngày 3-2 là ngày thành lập Đảng[3]), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lấy tư cách là ủy viên Đông Phương bộ, phụ trách Đông Nam Á vụ triệu tập một cuộc hội nghị ở Hương Cảng để bàn việc thống nhất các tổ chức cộng sản ở Đông Dương.

Đến dự hội nghị chỉ có đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng, còn Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thì vắng mặt[4]. Hội nghị làm việc một cách đơn giản và gấp rút. Trước uy tín của vị lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các đại biểu đều dẹp mọi thành kiến để đi đến đoàn kết thống nhất. Vì, sự thực, mối chia rẽ giữa các nhóm cộng sản hồi ấy không phải vì chủ trương, đường lối và ai nấy đều nhận rõ sự thống nhất đảng của giai cấp công nhân là cần thiết.

Kết quả, đại biểu hai đảng đều chấp nhận lời phê bình của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đồng ý thống nhất các tổ chức làm một, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, Hội nghị đã thông qua Điều lệ, Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt… của Đảng, cử Ban chấp hành Trung ương lâm thời và định kế hoạch thống nhất các tổ chức ở trong nước.

 

NGUYỄN VĂN BIỂU, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.404.

[2] Tuyên đạt của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, tháng 9-1929.

[3] Ngày 10 tháng 9 năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam đã quyết định lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.

[4] Đại biểu của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không kịp đến dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, ngày 24-2-1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn chính thức xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo QĐND