Bảo đảm môi trường mạng an toàn, lành mạnh
09:38 31/12/2024 469
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Từ ngày 25/12/2024, Nghị định số 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng chính thức có hiệu lực.
Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của tình hình thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển hội nhập công nghệ số, nội dung số và các dịch vụ internet, góp phần thiết lập môi trường mạng an toàn, lành mạnh, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Nghị định 147 gồm 84 điều, với nhiều chính sách mới điều chỉnh hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, về quản lý hoạt động xuyên biên giới vào Việt Nam, quản lý trang thông tin điện tử và mạng xã hội trong nước, hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, hoạt động quản lý cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, tăng cường giám sát thông tin, ngăn chặn gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng...
Đối với công tác quản lý hoạt động cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam, Nghị định bổ sung các quy định về chặn gỡ nội dung, dịch vụ vi phạm trong vòng 24 giờ, chặn gỡ kịp thời với nội dung, dịch vụ vi phạm an ninh quốc gia; khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản, trang, nhóm, kênh mạng xã hội thường xuyên vi phạm.
Nghị định quy định việc cung cấp thông tin người sử dụng vi phạm cho cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu; yêu cầu chủ trang, kênh, nhóm mạng xã hội chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải và bình luận trong trang nhóm; mạng xã hội có trách nhiệm cấp xác thực (tick xanh) cho các tài khoản, trang, kênh của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, người có ảnh hưởng tại Việt Nam. Đồng thời mạng xã hội phải thỏa thuận với cơ quan báo chí khi dẫn lại nội dung trên mạng xã hội; cung cấp công cụ tìm kiếm theo yêu cầu của cơ quan chức năng; công khai thuật toán phân phối nội dung với người sử dụng.
Nghị định 147 gồm 84 điều, với nhiều chính sách mới điều chỉnh hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, về quản lý hoạt động xuyên biên giới vào Việt Nam, quản lý trang thông tin điện tử và mạng xã hội trong nước, hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, hoạt động quản lý cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, tăng cường giám sát thông tin, ngăn chặn gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng...
Trong các điểm mới, đáng chú ý là quy định nhằm hạn chế tình trạng người dùng ẩn danh để lừa đảo, tung tin giả và các hành vi vi phạm pháp luật. Người dùng mạng xã hội phải xác thực và định danh tài khoản bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội là trẻ em (dưới 16 tuổi) thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đăng ký tài khoản bằng thông tin của mình và có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Nội dung này là cần thiết để góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng, ngăn chặn các hành vi, biểu hiện tiêu cực trên không gian mạng, trên cơ sở đó xây dựng và thúc đẩy một không gian số trách nhiệm, năng động và tích cực.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội cao trên thế giới. Tính đến ngày 30/6/2024, số người dùng Zalo là 76,5 triệu; số người dùng Facebook là 72 triệu, YouTube là 63 triệu và TikTok là 67 triệu. Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, mạng xã hội cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho các đối tượng xấu khai thác để lừa đảo trực tuyến; tung tin giả, tin sai sự thật; bôi nhọ, công kích tổ chức, cá nhân; quấy rối và xâm hại trẻ em…
Báo cáo từ cơ quan chức năng cho biết, từ tháng 3 đến 8/2024 đã vô hiệu hóa hơn 400.000 website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn hoạt động lừa đảo trực tuyến, song đây cũng chỉ mới là một phần của “tảng băng”. Đáng nói là các thế lực phản động hiện nay cũng ra sức khai thác nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới để thực hiện các âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước ta, như việc một số tổ chức, cá nhân thù địch ở nước ngoài tìm mọi cách móc nối, kích động các đối tượng bất mãn trong nước thông qua mạng xã hội để chống phá chế độ.
Nghị định 147 ngay khi được ban hành đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo tầng lớp nhân dân. Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, các quy định mới sẽ giải quyết được tình trạng “vô danh nên vô trách nhiệm”.
Còn theo ông Nguyễn Hưng - Chuyên gia bảo mật thông tin, Giám đốc R&D tại Vietnix Hosting, quy định xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại là một bước đi quan trọng trong bối cảnh số vụ việc lừa đảo có sử dụng mạng xã hội làm công cụ chiếm đến 70%. Ông Nguyễn Hưng phân tích: “Nghị định giúp đồng bộ hóa hệ thống quản lý, bảo đảm luật pháp áp dụng thống nhất giữa môi trường thực và môi trường số, tạo ra một không gian mạng minh bạch và lành mạnh”.
Tuy nhiên, với bản chất thù địch, luôn tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước ta, ngay khi Nghị định 147 vừa được ban hành, các thế lực phản động, cực đoan, thiếu thiện chí đã lập tức xuyên tạc, từ đó vu cáo, rêu rao Việt Nam ban hành Nghị định 147 để siết quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; bịa đặt rằng việc định danh tài khoản mạng xã hội sẽ hạn chế quyền tiếp cận thông tin, hạn chế tự do biểu đạt; chỉ có ở Việt Nam mới vẽ ra định danh cá nhân; vu khống chính quyền luôn muốn kiểm soát phát ngôn của người dân; đàn áp, bỏ tù những người bất đồng chính kiến.
Nhân cơ hội này, các hội nhóm cực đoan, thiếu thiện chí với Việt Nam như Tổ chức Theo dõi nhân quyền, Tổ chức Ân xá quốc tế kêu gọi Việt Nam hủy bỏ Nghị định 147.
Không khó để nhận ra rằng, cũng giống như những thủ đoạn thâm độc nhằm chống phá Luật An ninh mạng trước đây, các thế lực phản động, thiếu thiện chí tiếp tục lặp lại những chiêu trò, luận điệu cũ, cố tình đánh tráo khái niệm, đổi trắng thay đen bản chất sự việc, lớn tiếng chỉ trích để từ đó kêu gọi người dân lên tiếng phản đối, không chấp hành Nghị định 147, “bất phục tùng chế độ”, kích động lôi kéo người dân “đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền”, xuyên tạc các chính sách của Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý xã hội của Nhà nước, kêu gọi xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Với bản chất thù địch, luôn tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước ta, ngay khi Nghị định 147 vừa được ban hành, các thế lực phản động, cực đoan, thiếu thiện chí đã lập tức xuyên tạc, từ đó vu cáo, rêu rao Việt Nam ban hành Nghị định 147 để siết quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; bịa đặt rằng việc định danh tài khoản mạng xã hội sẽ hạn chế quyền tiếp cận thông tin, hạn chế tự do biểu đạt; chỉ có ở Việt Nam mới vẽ ra định danh cá nhân; vu khống chính quyền luôn muốn kiểm soát phát ngôn của người dân; đàn áp, bỏ tù những người bất đồng chính kiến.
Các đối tượng cố phủ nhận tính đúng đắn, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới trong việc thiết lập hành lang pháp lý để phát triển, quản lý internet và thông tin trên mạng, được khẳng định tại Điều 4, Nghị định 147, đó là: Thúc đẩy việc sử dụng internet trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, công nghệ để tăng năng suất lao động, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống. Khuyến khích phát triển các nội dung, ứng dụng tiếng Việt phục vụ cho cộng đồng người Việt Nam trên internet; đẩy mạnh việc đưa các thông tin lành mạnh, hữu ích lên internet.
Tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển hạ tầng internet băng rộng đến trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, thư viện, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các điểm truy nhập internet công cộng và hộ gia đình. Chú trọng việc phổ cập dịch vụ internet ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngăn chặn những hành vi lợi dụng internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật. Áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi tác động tiêu cực của internet. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về internet trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, các bên cùng có lợi, phù hợp pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Nghiên cứu của hãng bảo mật Kaspersky cho thấy, ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cứ 10 người dùng thì có 3 người thừa nhận đang sở hữu tài khoản mạng xã hội không dùng tên và ảnh thật, không có thông tin nhận dạng cá nhân. Mạng xã hội có số người dùng giấu danh tính nhiều nhất là Facebook (chiếm đến 70%), tiếp theo là YouTube và Instagram.
Kết quả khảo sát cũng chỉ rõ, tính năng ẩn danh cho phép các cá nhân dễ dàng thực hiện những hành vi bất chính, gây hại cho những tổ chức, cá nhân do người dùng cảm thấy ít phải chịu trách nhiệm hơn với những phát ngôn đi quá giới hạn. Khu vực Đông Nam Á với lượng người dùng mạng xã hội tương tác nhiều nhất thế giới đang chứng kiến sự gia tăng số vụ lừa đảo trên mạng xã hội và trang thương mại điện tử, tiêu biểu như tại Singapore, theo thống kê của cảnh sát, tổng số vụ lừa đảo đạt kỷ lục 46.563 vụ vào năm 2023, với tổng thiệt hại lên tới 486 triệu USD.
Nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng tính ẩn danh trên mạng xã hội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, an toàn, vi phạm trật tự quản lý xã hội và pháp luật, nhiều quốc gia đã ban hành các quy định để chấn chỉnh kịp thời, như giới hạn độ tuổi người sử dụng, định danh người dùng...
Tại Trung Quốc, để có được tài khoản xã hội, người dân phải đăng ký với cơ quan chức năng. Còn tại Pháp, năm 2023, Chính phủ đã đề xuất lệnh cấm sử dụng mạng xã hội đối với trẻ em dưới 15 tuổi; trường hợp trẻ em sử dụng mạng xã hội dưới sự cho phép của cha mẹ, thì cha mẹ phải có trách nhiệm với thông tin đăng tải trên mạng xã hội của con.
Mới đây, ngày 28/11/2024, Thượng viện Australia đã thông qua luật cấm người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Chính phủ Singapore cũng đang nghiên cứu, hướng tới tích hợp dữ liệu quản lý dân cư vào việc kiểm soát độ tuổi đăng ký mạng xã hội để giải quyết bất cập nội dung trực tuyến có hại sẽ tác động tới trẻ em và thanh thiếu niên sử dụng.
Như vậy có thể thấy, ngoài các mục tiêu đặt ra, Nghị định còn góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, trực tuyến hóa thủ tục cho doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp thực hiện các thủ tục hành chính; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển lành mạnh và cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài; tăng cường bảo đảm an ninh thông tin và chế tài xử lý tranh chấp phù hợp thông lệ quốc tế và quy định pháp luật.
Quan điểm cũng như chính sách của Việt Nam trong việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng có nhiều điểm tiên tiến và tương đồng với các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới. Việc các thế lực thù địch cố tình chĩa mũi dùi chỉ trích, chống phá Nghị định 147 nói riêng, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong lĩnh vực an ninh mạng nói chung, từ đó “mượn gió bẻ măng”, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền đã bộc lộ rõ bản chất xấu xa và tâm địa đen tối của chúng.
NDO Tweet