PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III trình bày Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo. |
Sáng 11/1, tại Đà Nẵng, Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học: “50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973-27/01/2023) – Thắng lợi và bài học kinh nghiệm”.
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III nhấn mạnh: Trong lịch sử đấu tranh của Nhân dân ta, chưa bao giờ có cuộc đàm phán nào kéo dài như tại Hội nghị Paris, kéo dài gần 5 năm (4 năm 8 tháng 20 ngày), với 202 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam chính thức được ký kết ngày 27/01/1973.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà, Hiệp định Paris được ký kết đánh dấu thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước. Hoa Kỳ phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, quân đội Mỹ và các đồng minh của Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, phải chấm dứt mọi hành động quân sự chống phá hai miền Nam-Bắc Việt Nam.
Hiệp định Paris được ký kết, Nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn mới, thuận lợi cho mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”, là tiền đề tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 1975.
Khẳng định ý nghĩa mà Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam mang lại, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà cho rằng: Đây là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của Nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Cội nguồn của thắng lợi này là tinh thần quyết chiến quyết thắng, là ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ cho chân lý, giành độc lập tự do của cả dân tộc Việt Nam; là kết quả của cuộc đấu tranh ngoại giao đầy bản lĩnh và trí tuệ, kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự.
“Cuộc đấu tranh này phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Hiệp định Paris năm 1973 còn phản ánh phương châm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế, kết hợp ngoại giao nhà nước với ngoại giao Nhân dân, hình thành trên thực tế “mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược”.
Việc ký Hiệp định Paris đánh dấu thắng lợi của tinh thần độc lập, tự chủ trong đường lối chung cũng như từng sách lược trong cuộc đấu tranh ngoại giao. Trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, Việt Nam luôn giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, tự quyết định từng bước đi trong cuộc đầu tranh ngoại giao với đối phương, không bị lệ thuộc vào bên này hoặc bên kia. Hiệp định được ký kết theo đúng sự tính toán và lợi ích của bản thân Việt Nam mà không làm đỗ vỡ quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa.
Việc ký kết Hiệp định Paris đánh dấu thành quả của đường lối đoàn kết quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Nhân dân thế giới hướng về tiếng nói chính nghĩa và kiên cường của Việt Nam, lên án hành động xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo nên một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, hoạt động sôi nổi trong suốt tiến trình Hội nghị Paris.
Sự kiện cũng đánh dấu sự trưởng thành của nền ngoại giao Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân Việt Nam diễn ra trong mối tương quan không cân sức với một đối thủ chẳng những có lực lượng quân sự hùng hậu, tiềm lực kinh tế vững mạnh mà còn có tiếng nói trọng lượng trên trường quốc tế với kinh nghiệm phong phú của nhiều nhà ngoại giao lão luyện, nhiều mưu mẹo khó lường. Nhưng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “thêm bạn, bớt thù”, dự báo thời cơ và nắm bắt đúng thời cơ để đi đến thắng lợi quyết định. Nhờ vậy, trong suốt cuộc đàm phán kéo dài gần 5 năm, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị cùng sự nhạy bén của các nhà thương thuyết, ngoại giao Việt Nam đã vững vàng trước một đối thủ dày dạn trên trường quốc tế. Nhờ vậy, là chúng ta đã đạt được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút” để tiến tới đánh đổ chế độ Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”- PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà khẳng định thêm.
Hội thảo “50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01⁄1973-27/01/2023) – Thắng lợi và bài học kinh nghiệm”. |
Tại Hội thảo, các nhà khoa học và đại biểu tham dự cũng đã thống nhất nhận định: Hội nghị Paris và Hiệp định Paris mãi mãi đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh nói riêng; đồng thời, để lại nhiều bài học vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Các ý kiến cũng làm rõ chủ trương, bản lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình tham gia đàm phán tại Hội nghị Paris, vai trò của các tổ chức, thành viên tham gia đàm phán; làm rõ bối cảnh, nội dung cơ bản của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; giá trị lịch sử, pháp lý của việc ký kết Hiệp định Paris đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước,... Trên cơ sở đó, Hội thảo đã nêu ra nhiều bài học kinh nghiệm của quá trình tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định Paris đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, tập trung làm rõ các bài học về ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia dân tộc; về độc lập, tự chủ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về phát huy nội lực; về đoàn kết quốc tế; về kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; về phát huy sức mạnh tổng hợp; về ngoại giao nhân dân; về xử lý và giải quyết các vấn đề đối ngoại; về xây dựng đội ngũ làm công tác đối ngoại,....
Hội thảo đã nhận được 34 tham luận của các cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học của Học viện Chính trị khu vực III, các nhà khoa học đến từ Hội khoa học lịch sử, các cơ quan nghiên cứu, các viện, trường đại học ở các tỉnh miền Trung…/.