Tổng kết 10 năm phong trào Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới
21:58 05/10/2019 3707
3 Phong trào Web.ĐTN: Chiều 5/10, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Đà Nẵng. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực TƯ Đoàn; đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư TƯ Đoàn; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đồng chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Cùng tham dự có đông đảo đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành đoàn và đoàn viên, thanh niên tại 62 điểm cầu trên toàn quốc.
Hội nghị tổng kết "Tuổi trẻ xây dựng nông thôn mới" trực tuyến tại 63 tỉnh thành
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Xây dựng nông thôn mới được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó đoàn viên, thanh niên là lực lượng xung kích đi đầu.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã ban hành kế hoạch về việc triển khai phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn khẳng định, phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới" trong thời gian qua đã được triển khai rộng khắp, thu hút đông đảo thanh niên và nhân dân tham gia. Phong trào đã góp phần quan trọng thay đổi nhận thức của đoàn viên, thanh niên, nhân dân... từ phần nhiều còn trông chờ đã chuyển sang chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực TƯ Đoàn phát biểu tại đầu cầu Hà Nội
Trong gần 10 năm triển khai phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới", tổ chức Đoàn các cấp đã xây mới gần 11.000 km đường, hơn 2.100 cầu giao thông nông thôn; trồng gần 45 triệu cây xanh; phát triển gần 900 hợp tác xã; hỗ trợ hơn hai triệu bạn trẻ vay vốn làm kinh tế nông nghiệp; thắp sáng gần 95.000 km đường giao thông nông thôn; xóa hơn 12.500 nhà tạm, nhà dột nát; trồng hoa, cây xanh tại hơn 4.400 tuyến đường….
Đối với công tác bảo vệ môi trường, các cấp bộ Đoàn đã trồng được gần 45 triệu cây xanh, nhiều mô hình tiêu biểu ở cấp thôn, xã sau này đã được lan tỏa, triển khai trên diện rộng như "Con đường bích họa", "Đường hoa thanh niên", "Giữ sạch cánh đồng quê hương"...
Các cấp bộ Đoàn đã có nhiều giải pháp phát huy tinh thần sáng tạo, mạnh dạn của thanh niên cũng như hỗ trợ thanh niên trong phát triển kinh tế nông thôn; triển khai các chương trình như “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), chương trình phát triển kinh tế gắn với du lịch cộng đồng... qua đó góp phần tích cực vào phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển 890 hợp tác xã, 2.091 tổ hợp tác thanh niên, 17.128 câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế...
Trí thức trẻ tình nguyện về xây dựng nông thôn mới
Theo báo cáo tổng kết 10 năm về phong trào “Tuổi trẻ xây dựng nông thôn mới" đặc biệt nhấn mạnh việc “Tổ chức các đội trí thức trẻ tình nguyện xây dựng nông thôn mới”. Nội dung báo cáo cho biết, việc triển khai thí điểm Dự án “Tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo” được quan tâm hàng đầu.
Kết quả, đã có 580 trí thức trẻ đã được tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã thuộc các huyện miền núi. Bước đầu, các trí thức trẻ đã phát huy được năng lực của bản thân vào thực tiễn công tác, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao. Đặc biệt, Chương trình “Trí thức trẻ tình nguyện tham xây dựng nông thôn mới” đã phát huy đội ngũ giảng viên trẻ, sinh viên xuất sắc đã được đào tạo chuyên ngành, đội ngũ cán bộ ở các viện nghiên cứu và các sở ngành đến các địa bàn khó khăn hỗ trợ cư dân nông thôn xây dựng nông thôn mới.Các hoạt động của các đội trí thức trẻ tình nguyện tập trung vào chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi cho nhân dân; xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi; nghiên cứu các đề tài về nông nghiệp;
Định hướng cho cư dân các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao; tổ chức các hoạt động tình nguyện xây dựng các công trình dân sinh; giúp dân cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu.
Một số tỉnh, thành đoàn đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh thành lập các đội hình trí thức trẻ, nòng cốt là sinh viên về tình nguyện tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới, với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.Các hoạt động tình nguyện đã góp phần tích cực trong việc thay đổi diện mạo nông thôn, được người dân và chính quyền địa phương đánh giá cao đặc biệt là góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới ở nhiều xã.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phong trào, đồng thời chỉ ra một số mặt hạn chế của phong trào như: một số cơ sở Đoàn chưa mạnh dạn đăng ký đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên xây dựng nông thôn mới; công tác tuyên truyền nhiều nơi còn nặng hình thức, chưa tạo được khí thế thi đua; việc hỗ trợ thanh niên tiếp cận thông tin, chính sách, khoa học, công nghệ còn chưa đồng đều...
Hội nghị đã đề ra nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào giai đoạn 2019-2020 tới đây, trong đó chú trọng triển khai các đội trí thức trẻ tình nguyện xây dựng nông thôn mới ở các địa phương; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn; xây dựng mô hình phân loại, xử lý rác thải thành phân hữu cơ trong các hộ gia đình nông thôn.
Để phát huy những kết quả đạt được trong phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” tại Hội nghị , đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn đề nghị các cấp bộ Đoàn thực hiện phong trào theo hướng tập trung tham gia xây dựng nông thôn mới ở các thôn, bản khó khăn; bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền; chủ động đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên thiết thực, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương; lựa chọn các tiêu chí tham gia phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Đoàn và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên nông thôn tại cơ sở; tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tham gia vào các hoạt động xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp có trình độ, kỹ năng, nhiệt tình, tâm huyết, đáp ứng được yêu cầu công việc. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi đua, khen thưởng để phong trào đạt hiệu quả cao nhất.
Bảo Anh Tweet