Giới trẻ tình nguyện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

02:19 30/11/2018     9277

3 Phong trào   Web.ĐTN: Chiều 30/11, trong khuôn khổ Liên hoan các Câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện toàn quốc lần thứ nhất, năm 2018 đã diễn ra diễn đàn "Tình nguyện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Quang cảnh diễn đàn

 

Tham gia diễn đàn có các tình nguyện viên tiêu biểu đến từ các Câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như: CLB Môi trường AGU, tổ chức Thanh niên vì tương lai xanh của bé, CLB Môi trường 360 độ, tổ chức Tôi dám thay đổi, CLB Nhịp cầu hữu nghị...

Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận trên 4 nhóm nội dung cụ thể: Những vấn đề liên quan đến thu gom, xử lí, giải pháp giải quyết rác thải nhựa; Thực trạng, giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học đặc biệt là động vật hoang dã; Trách nhiệm của thanh niên tình nguyện trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh; Giải pháp làm sạch môi trường biển.

Bảo vệ môi trường phải đi vào thực chất

Nhiều ý kiến tại diễn đàn đều tán đồng cho rằng, nhiều hoạt động bảo vệ môi trường hiện nay đã được tổ chức triển khai rộng rãi, tuy nhiên vẫn còn nặng về tính hình thức, chưa thực sự đạt được hiệu quả.

Chia sẻ tại diễn đàn, đại biểu Nguyễn Thành Đạt - Chủ nhiệm CLB Nhịp cầu hữu nghị, huyện Cái Bè thẳng thắn cho rằng: “Hàng năm, để thực hiện đủ chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết, chúng ta đã kêu gọi và tổ chức các chương trình trồng hàng triệu cây xanh. Tuy nhiên, quá trình trồng cây chỉ diễn ra tích cực trong khuôn khổ buổi lễ. Ngoài ra, việc thực hiện trồng không thường xuyên mà chỉ khi có chủ trương mới thực hiện và trồng xong thì không có sự chăm sóc”.

“Trước thực tế đó, để thay đổi nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc trồng và bảo vệ cây xanh, Đoàn Thanh niên huyện Cái Bè đã triển khai mô hình tặng cây, hạt giống cho nhân dân. Theo đó, từ các cây giống được tặng, các hộ dân sẽ tự tay vun trồng và có trách nhiệm chăm sóc thường xuyên cho cây xanh. Đoàn Thanh niên huyện Cái Bè cũng thường xuyên giám sát, hỗ trợ thêm cho nhân dân về kỹ thuật chăm sóc và kịp thời thay, tặng những cây giống mới cho những cây bị chết“. - Chủ nhiệm CLB Nhịp cầu hữu nghị Nguyễn Thành Đạt cho biết.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Kiên Cường - Hội Lái xe 25 tỉnh Lai Châu cho rằng, quá trình trồng cây hiện nay còn chưa bài bản. Theo anh Cường, không nhất thiết phải trồng nhiều cây nhưng phải tập trung vào chất lượng, đảm bảo kỹ thuật và có sự bảo quản, chăm sóc thường xuyên để cây tăng trưởng.

Đại biểu Nguyễn Hàm Tiến Thành – đại diện Châu Á của tổ chức Treechain network khẳng định: “Chúng ta tập trung trồng nhiều cây xanh nhưng không có sự chăm sóc, bảo vệ thì việc trồng cây cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Ngoài ra, không chỉ có trồng cây mà việc làm sạch rác ở biển, hay bảo tồn các loài động vật hoang dã nếu được thực hiện thường xuyên, không cần chờ đợi một dịp nào hay một chương trình phát động nào mới thực hiện thì sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn“.

Dịp này, anh Thành cũng chia sẻ về các hoạt động, dự án của Treechain đã và đang thực hiện nhằm quảng bá, truyền thông tích cực, rộng rãi hơn tới cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ cây xanh nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung. Theo đó, trong 10 năm tới, tổ chức Treechain đặt ra mục tiêu thiết lập nền tảng công nghệ để số hoá toàn bộ cây xanh trên trái đất. Mỗi 1 cây sẽ được gắn chíp điện tử và được tích hợp với trung tâm dữ liệu toàn cầu. Ngoài ra, Treechain cũng phát động các chiến dịch toàn cầu như chiến dịch trồng 111 triệu cây xanh trong 11 tiếng, chiến dịch chạy để đổi cây,...

 

Các đại biểu cùng trao đổi và giới thiệu những mô hình tình nguyện bảo vệ môi trường hiệu quả đã triển khai

 

Nhiều giải pháp hữu ích cho môi trường

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã chia sẻ những dự án, mô hình đã triển khai nhằm hạn chế tác động của ô nhiễm môi trường tới đời sống; đồng thời có tác động nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, thái độ ứng xử của cộng đồng với môi trường.

Đại biểu Dương Mai Linh – Phó Bí thư Đoàn trường Đại học An Giang, Chủ nhiệm CLB môi trường AGU chia sẻ, xuất phát từ thực trạng nhiều địa phương khu vực tại đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm phèn, CLB môi trường AGU đã nghiên cứu, sáng tạo và áp dụng thành công mô hình lọc nước nhiễm phèn thành nước có thể sử dụng phục vụ cho sinh hoạt từ những vật liệu đơn giản, dễ kiếm và không tốn nhiều kinh phí.

Từ mô hình mẫu, các thành viên CLB AGU đã hướng dẫn về kỹ thuật để các hộ dân học tập, tự làm ra mô hình máy lọc nước. Hệ thống này đã được nhân rộng và giúp ích cho sinh hoạt trong tình trạng khan hiếm nước sạch hiện nay.

“Sắp tới CLB sẽ tiếp tục áp dụng kiến thức chuyên ngành, cải tiến thêm về kỹ thuật để sáng tạo ra mô hình lọc nước nhiễm mặn thành nước ngọt sử dụng được phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân” – đại biểu Dương Mai Linh nói.

Mang đến diễn đàn mô hình “Đổi giấy lấy cây”, đại biểu Lý Uyên Phương – thành viên tổ chức Tôi dám thay đổi tỉnh Bến Tre cho biết, tổ chức Tôi dám thay đổi là một tổ chức chuyên về hướng dẫn, trang bị kỹ năng tập trung vào đối tượng học sinh các trường trung học, là lứa tuổi dễ nhận tác động, ảnh hưởng nhất và cũng là giai đoạn hình thành thói quen, thái độ. Tiếp nối thành công của chiến dịch “Đổi giấy lấy cây” đã thực hiện, tổ chức Tôi dám thay đổi đã và đang tích cực tuyên truyền, lan toả rộng rãi để cộng đồng nhận thức tốt hơn về chiến dịch.

Đồng thời, năm nay, chiến dịch “Đổi giấy lấy cây” cũng được đổi mới hình thức tổ chức từ một buổi đổi cây đơn thuần thành không gian hội chợ với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí lồng ghép với tuyên truyền các kiến thức bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, tổ chức Tôi dám thay đổi sẽ triển khai phối hợp với các nhà trường kêu gọi các em học sinh tham gia kế hoạch nhỏ, thu gom giấy vụn để gây quỹ cho các hoạt động vì môi trường của nhà trường.

Uyên Phương cũng đề xuất, nên áp dụng rộng rãi mô hình “Đổi giấy lấy cây” hoặc các mô hình đổi túi nilon, rác thải nhựa lấy những vật dụng sinh hoạt để hạn chế việc thải rác thải nhựa ra môi trường.

Cũng quan tâm về vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon, đại biểu Lê Thị Thanh Mai – Đại học Hồng Đức, Thanh Hoá đưa ra đề xuất, nên tận dụng chính những rác thải nhựa và túi nilon khó phân huỷ tạo thành “gạch sinh thái” (Eco-bricks) phục vụ trong ngành xây dựng.

 “Gạch sinh thái” được tạo nên từ vỏ chai nhựa sẽ được nhồi chặt bằng các rác thải sinh hoạt hàng ngày như vỏ bim-bim, bao bì đóng gói nhựa, ống hút, hay những túi nilon đã qua sử dụng. Khi chúng trở nên cứng và chắc chắn, chúng hoàn toàn có khả năng thay thế cho gạch xây dựng trong các công trình ở đời sống thường ngày như nhà cửa, bàn ghế, bồn hoa,…Nhờ đó, vừa giải quyết tối ưu vấn đề rác thải nhựa, vừa thay thế cho cách sản xuất gạch gây ô nhiễm, Eco-bricks thực sự là liều thuốc “2 trong 1” thần kì cho căn bệnh ô nhiễm rác thải nhựa của môi trường hiện nay” – Thanh Mai khẳng định.

Ngoài ra, có nhiều giải pháp hữu ích cho môi trường được đề xuất tại diễn đàn như thay thế những đồ nhựa bằng những vật dụng thân thiện với môi trường; tận dụng sức ảnh hưởng của người nổi tiếng trong truyền thông bảo vệ môi trường; triển khai đều đặn mỗi ngày dành 15 phút thực hiện các hoạt động làm sạch biển, đặc biệt tập trung vào khu vực không có biển nhưng là nơi xả thải chính ra biển; tăng cường tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng để các lan toả nhiều hơn các câu chuyện, hành động đẹp về bảo vệ môi trường...

 

Phạm Linh