Nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội Phạm Xuân Cảnh: Khơi dậy sức trẻ của thanh niên
15:01 13/08/2019 2028
Chiến dịch tình nguyện hè Thanh niên tình nguyện đã trở thành phong trào có tính lan tỏa rộng khắp và là niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam nói chung, đặc biệt với tuổi trẻ Thủ đô, bởi Hà Nội là nơi khởi nguồn phong trào này. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Chiến dịch tình nguyện hè, chúng tôi có cuộc trò chuyện với người khởi xướng phong trào – Nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội Phạm Xuân Cảnh.
Nắm bắt tình hình thời cuộc
- Xin đồng chí cho biết, lý do tại sao năm 1999, Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào Thanh niên tình nguyện?
- Trong quá trình phát triển của đất nước, cứ mỗi khi tình hình khó khăn hay bước vào giai đoạn phát triển mới thì thanh niên Thủ đô bao giờ cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm, khát vọng rất cao cả của tuổi trẻ để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Năm 1999, Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào Thanh niên tình nguyện, chào thế kỷ mới, kỷ niệm 990 năm - 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Đây là phong trào thể hiện khát vọng, truyền thống của tuổi trẻ Thủ đô qua các thời kỳ, tiếp nối phong trào Ba sẵn sàng, Năm xung phong, Thanh niên lập nghiệp, Tuổi trẻ giữ nước trong giai đoạn trước. Phong trào định hướng Thanh niên tình nguyện Thủ đô tập trung vào 3 nội dung: Thanh niên tình nguyện phát triển kinh tế; Thanh niên tình nguyện xây dựng môi trường đời sống văn hóa; Thanh niên tình nguyện phòng chống tệ nạn xã hội, tập trung phòng chống tệ nạn ma túy (thời điểm đó, ma túy là vấn nạn nhức nhối trong xã hội).
- Tuổi trẻ Thủ đô đã hưởng ứng phong trào như thế nào, thưa đồng chí?
- Ngay sau khi Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào Thanh niên tình nguyện vào tháng 1/1999, lập tức được tuổi trẻ Thủ đô, thanh niên nội và ngoại thành, trong các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, đặc biệt là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghệ, trường THPT trên toàn thành phố hưởng ứng rất nhiệt thành, sôi động.
Thanh niên có cách làm rất sáng tạo ở từng địa bàn, từng đơn vị. Bên cạnh đó, phong trào cũng ngay lập tức được lãnh đạo, cấp ủy từ thành phố đến cấp quận huyện, Đảng ủy Ban giám hiệu, các trường rất ủng hộ, động viên, cổ vũ, tạo điều kiện, tạo cơ chế trong lãnh đạo, chỉ đạo cho tổ chức Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên – Hội LHTN các trường đại học, quận, huyện, địa bàn, hưởng ứng tổ chức các hoạt động thiết thực, sôi nổi trên toàn thành phố. Phong trào nhanh chóng lan rộng ra các địa bàn ngoài thành phố, nhất là những nơi khó khăn, thiên tai khắc nghiệt.
Nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội Phạm Xuân Cảnh
Đồng thời, phong trào đã gây được tiếng vang và sự cuốn hút tuổi trẻ các địa phương. Nhiều cấp ủy của các tỉnh, thành khác đã động viên, chia sẻ. Thời điểm đó, cá nhân tôi với tư cách là Bí thư Thành đoàn cũng trực tiếp được đón nhận sự chỉ đạo, động viên, cổ vũ thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thành phố Hà Nội…
Có thể nói, phong trào nhận được sự cổ vũ, động viên của các cấp ủy lãnh đạo, sự hưởng ứng của đông đảo thanh niên, nhất là sinh viên và đến tháng 1/2000, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào Thanh niên tình nguyện trong tuổi trẻ cả nước.
Không dấn thân cống hiến sẽ lãng phí tuổi trẻ
- Đến nay đã được 20 năm nhưng Thanh niên tình nguyện vẫn là phong trào chủ lực của tuổi trẻ. Là người từng làm cán bộ Đoàn, khởi xướng phong trào, đồng chí có mong muốn điều gì trong giai đoạn hiện nay?
- Yếu tố mang tính chất rất đặc thù, tố chất riêng có của thanh niên đó là tinh thần xung phong, tình nguyện, luôn mong hỏi có cơ hội, điều kiện để cống hiến, rèn luyện. Đấy là nhu cầu tự thân của thanh niên Việt Nam, cũng như tuổi trẻ Thủ đô.
Mỗi một thời kỳ thì yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước, Thủ đô có đặc điểm riêng. Tổ chức Đoàn là đại diện của thế hệ trẻ, là cầu nối giữa Đảng, nhà nước với thanh niên. Vì vậy, Đoàn phải nắm bắt được yêu cầu nhiệm vụ của thời cuộc và nhu cầu tự thân của thanh niên để định hướng những nội dung phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, Thủ đô, chủ trương của Đảng, chính quyền, Thành phố.
Trên cơ sở nhu cầu tự thân của thanh niên, tôi tin rằng, ở thời điểm hiện nay hay bất kỳ thời nào, tổ chức Đoàn sẽ luôn nắm bắt và vận dụng nguyên lý ấy. Điều đó chắc chắn tạo ra môi trường khơi dậy sức trẻ của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Đồng chí có định hướng, nhắn nhủ gì cho thanh niên Thủ đô, cũng như thúc đẩy phong trào tình nguyện của tuổi trẻ Hà Nội thêm phát triển?
- Trong hành động của tổ chức Đoàn, chúng ta phải chạm được trái tim, tình cảm của người Thủ đô, tuổi trẻ Thủ đô, khơi gợi niềm tự hào, yếu tố văn hiến của Người Hà Nội. Điều đó đòi hỏi cán bộ Đoàn, tổ chức Đoàn phải dày công nghiên cứu, suy nghĩ. Chẳng hạn như thanh niên Hà Nội vẫn có niềm tự hào thiêng liêng là người Tràng An, là thanh niên Thủ đô, mà như Bác Hồ đã nói: “Đối với mọi công tác, thanh niên Thủ đô phải làm gương mẫu cho thanh niên cả nước”.
Nhiều nội dung được Thành đòan Hà Nội định hướng cho phong trào Thanh niên tình nguyện từ năm 1999 mà đến bây giờ vẫn cần phải tiếp tục khơi dậy trong thanh niên. Tổ chức Đoàn cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, phát triển phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng phát triển thủ đô hiện nay.
Tôi nghĩ, Đoàn nên tổ chức phát động trong tuổi trẻ thành phố đi tiên phong trong công cuộc xây dựng thành phố thông minh – Thủ đô hòa bình.
Là cán bộ Đoàn, là thanh niên mang trong mình sức trẻ thì nên dấn thân, cống hiến. Nếu không dấn thân, không cống hiến sẽ lãng phí tuổi trẻ, bỏ lỡ cơ hội chỉ đến một lần trong đời người.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí !
Với ý tưởng khởi xướng phong trào Thanh niên tình nguyện, Nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội Phạm Xuân Cảnh đã được Ban chấp hành Trung ương Đoàn tặng Huy chương “Tuổi trẻ sáng tạo” năm 2000. |