Âm vang 'Ba sẵn sàng' vẫn còn nguyên giá trị
16:56 26/07/2024 479
Chiến dịch tình nguyện hè Chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc gia Từ 'Ba sẵn sàng' đến thanh niên tình nguyện, các đại biểu đều cho rằng giá trị của phong trào 'Ba sẵn sàng' ra đời cách đây 60 năm vẫn còn nguyên giá trị.
Ngày 26.7, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học quốc gia Từ "Ba sẵn sàng" đến thanh niên tình nguyện với chủ đề: Lịch sử và sự tiếp nối truyền thống của sinh viên Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hội thảo do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nơi khởi xướng phong trào "Ba sẵn sàng", tổ chức. Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư; đồng chí Hồ Hồng Nguyên, Trưởng ban Thanh niên trường học T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội Sinh viên Việt Nam; đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Phó bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.Hà Nội.
Hội thảo cũng có sự tham dự của PGS-TS Nguyễn Văn Trào, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cùng nhiều chuyên gia nhà khoa học và đại diện các trường ĐH sư phạm toàn quốc; các nhà nghiên cứu, cán bộ đoàn và đoàn viên thanh niên.
Đại biểu tham dự hội thảo đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sĩ và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trước khi bắt đầu hội thảo, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sĩ và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phong trào "Ba sẵn sàng" qua những lá thư thời chiến
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Văn Trào, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết năm 1964, trong bối cảnh mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đoàn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã phát động phong trào "Tam bất kỳ", là khởi nguồn của phong trào "Ba sẵn sàng" - cuộc vận động yêu nước rộng lớn và sôi nổi nhất của thanh niên, sinh viên Việt Nam trong thế kỷ 20.
Tiếp nối tinh thần của phong trào "Ba sẵn sàng", gắn liền với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm sau đó, nhiều phong trào, hoạt động sôi nổi của sinh viên Việt Nam đã hình thành và phát triển, nổi bật là phong trào Thanh niên tình nguyện, góp phần tạo nên những truyền thống tốt đẹp của thanh niên, sinh viên Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang (thứ hai từ trái qua) và các đại biểu tham dự hội thảo.
Tại hội thảo, thạc sĩ Phạm Thùy Trang và tiến sĩ Nguyễn Thị Hòa (Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên) đã chia sẻ nghiên cứu về tinh thần "Ba sẵn sàng" qua những lá thư thời chiến.
Theo tác giả, trong những lá thư thời chiến, tinh thần "Ba sẵn sàng" được thể hiện trên những khía cạnh khác nhau, trong đó có tinh thần sẵn sàng nhập ngũ; tinh thần sẵn sàng chiến đấu, lạc quan trên chiến trường; tinh thần sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì.
Thạc sĩ Phạm Thùy Trang trình bày nghiên cứu tại hội thảo.
"Thông qua lá thư của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, đại tá Đỗ Sâm, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Bản, chiến sĩ Nguyễn Huy Khu... có thể thấy những người thanh niên luôn tích cực, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và cấp trên giao phó; sẵn sàng thay đổi, điều động công tác hay phải di chuyển liên tục giữa các chiến trường.
Dù họ là bác sĩ, là xạ thủ phòng không, là những người có trình độ giỏi nhưng họ sẵn sàng làm những người lính bình thường, không kêu ca, phàn nàn mà luôn chiến đấu với một tinh thần "có lệnh là đi, có địch là đánh, đánh là phải thắng", thạc sĩ Phạm Thùy Trang chia sẻ.
Truyền cảm hứng cho thanh niên
Thông tin tại hội thảo, TS Ninh Xuân Thao, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng phong trào Thanh niên tình nguyện triển khai đến nay là 25 năm đã trở thành một dấu ấn nổi bật của thanh niên, sinh viên Việt Nam, là trường học thực tiễn phong phú và sinh động để thanh niên Việt Nam cống hiến, trải nghiệm và trưởng thành.
Các sinh viên tham dự hội thảo.
"Từ ý tưởng khai sinh chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè của sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chiến dịch Mùa hè xanh lần đầu tiên ra quân vào năm 1997 đã trở thành một hoạt động được mong chờ nhất của hàng triệu sinh viên các trường ĐH trong phạm vi cả nước. Màu áo xanh thanh niên sinh viên đã trở thành ước mơ, hoài bão và trải nghiệm của các thế hệ thanh niên, sinh viên, học sinh Việt Nam trong suốt gần 30 năm qua", TS Ninh Xuân Thao nhìn nhận.
Anh Nguyễn Hữu Thắng, Bí thư Liên chi đoàn Khoa lịch sử, cán bộ trẻ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng âm vang "Ba sẵn sàng" đã tạo nên một lực lượng thanh niên toàn diện về ý, về trí, về lực, góp phần quyết định đến thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Anh Nguyễn Hữu Thắng tham luận tại hội thảo.
"Với những ý nghĩa đó, âm vang "Ba sẵn sàng" vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục lan tỏa, truyền cảm hứng cho các thế hệ thanh niên Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", anh Thắng nói.
Cần "Ba sẵn sàng" trong chuyển đổi số
Đưa ra những giải pháp để phát huy "Ba sẵn sàng", TS Võ Thế Quân, cựu cán bộ Đoàn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng phong trào "Ba sẵn sàng" ra đời giai đoạn lịch sử hết sức hào hùng của dân tộc. Đây là phong trào hành động cách mạng vĩ đại nhất cả thanh niên trong thế kỷ 20 và đã góp phần đưa dân tộc ta đến chiến thắng vĩ đại là giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
TS Võ Thế Quân cho rằng từ bài học "Ba sẵn sàng" chúng ta có thể vận dụng vào bối cảnh lịch sử hiện nay.
Theo TS Võ Thế Quân, từ bài học "Ba sẵn sàng" chúng ta có thể vận dụng vào bối cảnh lịch sử hiện nay. "Ta phải hiểu rõ đầy đủ hoàn cảnh lịch sử ở giai đoạn hiện nay của đất nước chúng ta như thế nào. Đảng ta xây dựng đường hướng phát triển đất nước với các mục tiêu đến năm 2025, 2030, 2045 là xây dựng đất nước phát triển hùng cường. Hiểu được các mục tiêu này và bối cảnh thời đại hiện nay là cuộc cách mạng 4.0 với trục trung tâm là chuyển đổi số, đã đảo lộn toàn bộ đời sống kinh tế xã hội toàn thế giới. Vậy, thanh niên cần làm gì trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0?", TS Võ Thế Quân nêu vấn đề.
Theo cựu cán bộ Đoàn Trường ĐH Sư phạm, bối cảnh hiện nay diễn ra phức tạp với sự cạnh tranh nước lớn, phân cực. Thanh niên chúng ta phải nhận diện đúng, hiểu rõ từ đó tiếp cận chính xác, phù hợp với tình hình để tổ chức phong trào thanh niên.
"Đoàn Thanh niên cần phát huy tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ trong bối cảnh hiện nay. Không có sáng tạo không phải thanh niên. Với việc sáng tạo cộng với chuyển đổi số chúng ta sẽ làm thay đổi được căn bản rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, trong đó có giáo dục", TS Võ Thế Quân nhấn mạnh.
Đoàn Chủ tịch Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chủ trì hội thảo.
Đồng quan điểm này, nhóm cán bộ trẻ đến từ Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, động lực từ phong trào "Ba sẵn sàng" có thể được áp dụng để thúc đẩy thanh niên không ngừng nỗ lực, sáng tạo và đổi mới trong kỷ nguyên số.
Trong đó, thanh niên cần sẵn sàng học hỏi và thích ứng với công nghệ số; sẵn sàng tham gia vào công cuộc chuyển đổi số; sẵn sàng bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại số.