Xây dựng, phát triển Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam qua thành lập tờ báo, trang thông tin điện tử
02:14 04/01/2013 2186
3 Phong trào Web.ĐTN: Trong chương trình Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam lần thứ II, chiều ngày 3/1, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức Tọa đàm Xây dựng, phát triển Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam qua thành lập tờ báo, trang thông tin điện tử của Hội.
Đại biểu tham gia buổi Tọa đàm |
Sau 3 năm thành lập, đến nay, mạng lưới Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với 59/63 tỉnh, thành phố đã có tổ chức Hội, CLB Thầy thuốc trẻ, trong đó có 22 tỉnh, thành phố đã thành lập được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cấp tỉnh với hơn 80.000 hội viên.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục của Hội, trong nhiệm kỳ tới, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ thành lập 01 tờ báo điện tử của Hội nhằm tuyên truyền về đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác y tế, các phong trào, các cuộc vận động của Hội, tuyên truyền các gương Thầy thuốc trẻ tiêu biểu, các đề tài nghiên cứu khoa học cho hội viên.; đặc biệt là cập nhật kịp thời cho người dân thông tin y tế - sức khỏe trong và ngoài nước; nâng cao nhận thức người dân về những vấn đề y tế - sức khỏe; cung cấp kiến thức bổ ích giúp người dân phòng ngừa và giải quyết những vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Báo cáo dự án báo điện tử y tế - sức khỏe thuộc cơ quan chủ quản Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, nhà báo Phan Sơn- Báo Sài gòn Tiếp thị nhấn mạnh: Cần xây dựng một tờ báo điện tử y tế - sức khỏe chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam với phương châm nghiêm túc, chính xác, kịp thời, hấp dẫn. Nội dung báo đáp ứng đúng các giá trị tin tức về tính thời gian, gần gũi, quan trọng, nổi bật, nhân cảm… Vì thế báo đề cập đến những vấn đề y tế người dân quan tâm như chính sách bảo hiểm y tế, biện pháp giảm tải bệnh viện, cung cấp những thông tin sức khỏe trong và ngoài nước cần thiết cho đa số công chúng. Đồng thời báo được trình bày bắt mắt, trang mục phân chia rõ ràng, dễ truy cập, có sự tương tác cao giữa người viết và người đọc.
Để xây dựng tên tuổi của báo, nhà báo Phan Sơn cho biết: Cần xây dựng quỹ hỗ trợ giúp thầy thuốc trẻ có hoàn cảnh khó, giúp thầy thuốc trẻ nghiên cứu khoa học, hỗ trợ sinh viên y khoa có hoàn cảnh khó khăn… Trao Giải thưởng cho những thầy thuốc trẻ có công trình nghiên cứu giá trị. Nghiên cứu vai trò, tác động của báo chí sức khỏe với công chúng, giới chuyên môn; khảo sát thói quen của người đọc Việt Nam về những vấn đề y tế - sức khỏe. Hoạt động này có thể kết hợp với những tổ chức uy tín như bộ Y tế, viện nghiên cứu, hội nghề nghiệp…
Trước sự suy thoái của báo in, sự phát triển mạnh mẽ của Internet và bùng nổ thông tin, sự xuất hiện của một tờ báo mạng chuyên về y tế - sức khỏe (là tờ báo đầu tiên về lĩnh vực này) có thể đáp ứng nhu cầu của số đông người dân thành thị, sử dụng Internet nhiều và ưa chuộng các giải pháp công nghệ thông tin hiện đại. Thách thức lớn nhất của dự án này có thể đến từ việc có được một nguồn đầu tư ban đầu và một nhà đầu tư chiến lược để giúp báo tồn tại và phát triển.
Chiều cùng ngày, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Vấn đề Y nghiệp tại Việt Nam và vai trò của Hội Thầy thuốc trẻ”.
Lịch sử phát triển y khoa trên thế giới cũng như kết quả từ nhiều cuộc nghiên cứu một lần nữa được nhắc lại đó là, thầy thuốc vừa phải đảm đương vai trò chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe vừa là một người thực hành nghề nghiệp. Khoa học kỹ thuật phát triển đã hỗ trợ thầy thuốc trong chẩn đoán, điều trị nhưng cũng chính điều này đã tạo nên thách thức không nhỏ với thầy thuốc khi họ phải đưa ra các chỉ định giúp cho chẩn đoán và điều trị thích hợp với tình trạng bệnh cũng như điều kiện kinh tế của bệnh nhân và gia đình. Chỉ một sơ suất trong nghề nghiệp cũng dễ dẫn đến các phản ứng của xã hội. Do vậy, tính chuyên nghiệp trong thực hành y khoa trở thành yêu cầu thiết yếu đối với thầy thuốc ở tất cả các quốc gia trên thế giới.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Phạm Thị Minh Đức- Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam đã nhấn mạnh: Nghề y là một nghề đặc biệt vì nó tác động đến tất cả mọi người, trong mọi giai đoạn. Người thầy thuốc là người nắm tính mạng cũng như các bí mật của người bệnh nên rất dễ lạm quyền và có nhiều cơ hội để lạm quyền. Trước những bệnh nhân khác nhau với những đặc điểm sinh học khác nhau, thầy thuốc đều phải đưa ra quyết định chính xác, kịp thời.
Theo GS Phạm Thị Minh Đức, y nghiệp thể hiện qua 4 nguyên lý: Có lòng vị tha, đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết; duy trì năng lực chuyên môn bằng cách thường xuyên cập nhật kiến thức và kỹ năng; Tự điều chỉnh, tự kiểm soát bản thân, kiểm soát đồng nghiệp để tránh sai sót và có trách nhiệm với xã hội...
Giáo sư cho rằng 4 nguyên lý của y nghiệp dễ được đồng tình về mặt lý thuyết như thực hiện khó vì còn gặp nhiều thách thức. Đối với Việt Nam, đây là khái niệm mới, có nhiều khó khăn nên cần có lộ trình phù hợp để từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp.