Thanh niên Hà Tĩnh làm giàu trên chính quê hương mình

09:32 26/12/2012     2930

3 Phong trào   Web.ĐTN: Trong những năm gần đây, với việc triển khai, thực hiện có hiệu quả 02 phong trào lớn “05 xung kích phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ tổ quốc”, “04 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” do Trung ương Đoàn phát động, các cấp bộ Đoàn tỉnh Hà Tĩnh đã và đang hình thành ngày càng nhiều mô hình điển hình, nhiều gương thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi.

Vườn cam trĩu quả của Bí thư Chi Đoàn Lê Văn Tâm – Hà Linh (Hương Khê)
Vườn cam trĩu quả của Bí thư Chi Đoàn Lê Văn Tâm – Hà Linh (Hương Khê)


Hiện nay trong toàn tỉnh có hơn 750 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ. Các mô hình chiếm đa số là “Vườn – Ao – Chuồng” (VAC), “Vườn – Ao – Chuồng – Rừng” (VACR), “Cá - Lúa”, “Cá – Vịt”, trang trại Sản xuất - Dịch vụ tổng hợp, … tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi. Hầu hết các mô hình kinh tế thanh niên đang ở quy mô hộ gia đình, tổ hợp tác và thời gian gần đây phát triển thêm nhiều hợp tác xã thanh niên do một nhóm thanh niên liên kết, góp vốn làm kinh tế.

Trong số không ít những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, có những mô hình do những người trẻ dám nghĩ, dám làm, xây dựng lên từ hai bàn tay trắng, tiêu biểu như mô hình của ông chủ trẻ Nguyễn Sỹ Khánh ở xã Gia Hanh, huyện Can Lộc. Khởi đầu lập nghiệp tại quê hương với hai bàn tay trắng cùng với ý chí quyết tâm, vợ chồng anh “Thuận vợ thuận chồng” đăng ký xin đảm nhận cải tạo đầm lầy, vay vốn đầu tư nuôi cá – vịt, qua nhiều gian nan trắc trở do dịch bệnh, thiên tai, có những lúc tưởng chừng mất hết hy vọng, đến nay mô hình của anh đã cho thu nhập bình quân hơn 400 triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 04 thanh niên với tiền công mỗi tháng 2,5 triệu đồng.

Đại diện cho những mô hình thanh niên đi làm ăn xa trở về lập nghiệp tại quê hương là ông chủ trẻ chưa tròn 30 tuổi Lê Anh Tuấn ở xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn. Tốt nghiệp THPT, Tuấn rời quê đi làm thợ điện tại tỉnh Bình Dương, sau một thời gian tích lũy vốn, Tuấn quyết tâm trở về lập nghiệp tại quê nhà, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương và tổ chức Đoàn, anh được trang bị về kiến thức, kỹ năng, cách tổ chức sản xuất; đến nay trang trại trồng cây keo thương phẩm kết hợp với nuôi gà, nuôi ong mật, thỏ và hươu lấy nhung đã cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm, giải quyết việc theo mùa vụ cho 8 thanh niên với mức tiền công 3 triệu đồng/tháng.

Mô hình trang trại, chăn nuôi tổng hợp của Bí thư chi Đoàn Lê Văn Tâm ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê, đại diện cho phong trào phát triển kinh tế của thanh niên tôn giáo. vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Tâm từ bỏ ước mơ vào đại học, ở lại quê hương tham gia làm Bí thư Chi Đoàn. Trong môi trường đó, Tâm được trang bị về kiến thức, kỹ năng và tiếp cận được các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế, qua 4 năm xây dựng và phát triển, đến nay mô hình của Tâm đã có diện tích trên 10 ha, trong đó có cả các loại hình sản xuất VACR, cho thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 04 thanh niên và theo mùa vụ cho 10 thanh niên.

Mô hình trồng nấm sò của Nguyễn Văn Duẩn – Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh)
Mô hình trồng nấm sò của Nguyễn Văn Duẩn – Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh)

Không hề thua kém thanh niên nông thôn về phát triển kinh tế, mô hình trồng nấm sạch của Nguyễn Văn Duẩn ở xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh đã khẳng định sự năng động, nhạy bén với nền kinh tế thị trường của thanh niên khối đô thị. Khởi nghiệp từ số vốn ít ỏi, với những kiến thức cơ bản do chính anh tìm tòi, học hỏi qua sách, báo, mạng internet và những đợt tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do tổ chức Đoàn tổ chức, Duẩn đã xây dựng mô hình trồng nấm sạch thành công, cung cấp sản phẩm cho thị trường Thành phố Hà Tĩnh và các địa phương lân cận. Không dừng lại ở đó, để tiếp tục tăng sản lượng nấm và mở rộng thị trường tiêu thụ, sau khi được tập huấn, hướng dẫn quy trình thành lập hợp tác xã, Duẩn đã vận động một số ĐVTN ở địa phương để thành lập và ra mắt HTX trồng nấm sò do anh làm chủ nhiệm. Hiện nay HTX “Nấm Sò” đang được duy trì, phát triển tốt, bình quân mỗi ngày cung cấp cho thị trường từ 50 kg – 100 kg nấm sò tươi, nấm khô, mộc nhĩ và nấm Linh Chi; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng.

Những đội viên của Tổng đội TNXP – XDKT Tây Sơn (Đơn vị cấp II của Tỉnh Đoàn), nếu như trước đây với những sản phẩm chủ yếu là cây chè, cao su và một số cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi với quy mô nhỏ, lẻ thì hiện nay, sau khi có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế từ Quyết định 24 của Ủy ban Nhân dân tỉnh; cùng với sự chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện về quỹ đất, nguồn vốn, kiến thức tổ chức sản xuất của Tỉnh Đoàn, với sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng đội TNXP – XDKT Tây Sơn đã tiến hành thành lập HTX nuôi lợn tập trung với quy mô 3.000 con do 7 xã viên tham gia với tổng số vốn điều lệ 750 triệu đồng do đồng chí Trần Văn Lộc làm chủ nhiệm. Sau 9 tháng đi vào hoạt động, HTX đã xuất lứa lợn thương phẩm đầu tiên với tổng thu nhập 706,420 triệu đồng cho lợi nhuận 321,064 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho công nhân lao động với mức lương 4 triệu đồng/tháng và nhiều lao động thời vụ tại địa phương.

Với những mô hình và cách làm kinh tế của thanh niên trên các lĩnh vực, vùng miền trong toàn tỉnh đã khẳng định thêm tiềm năng thế mạnh của tuổi trẻ. Họ là những người có ý chí, dám nghĩ, dám làm, năng động, nhạy bén; biết phát huy thế mạnh, khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội. Những mô hình đó không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà giúp thanh niên hiểu rõ không phải chỉ có những người được học hành qua các trường THCN, Cao đẳng và đại học mới có thể lập nghiệp, mà hiện nay, với chủ trương, chính sách của các cấp ủy Đảng chính quyền sát đúng, hỗ trợ đến tận người dân cùng với việc “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp, thanh niên Hà Tĩnh hoàn toàn có thể khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp, làm giàu trên chính quê hương mình.